TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 4 VÀ 4 THÁNG NĂM 2022 TỈNH ĐIỆN BIÊN

Thứ sáu - 29/04/2022 15:56
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 4 tháng ước đạt 507,16 tỷ đồng, tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 488,05 tỷ đồng, tăng 22,09%, chiếm 96,23%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 9,16 tỷ đồng, chiếm 1,81%; thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp 9,95 tỷ, chiếm 1,96%.

A. KINH TẾ

I. THU, CHI NGÂN SÁCH

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 4 tháng ước đạt 507,16 tỷ đồng, tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 488,05 tỷ đồng, tăng 22,09%, chiếm 96,23%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 9,16 tỷ đồng, chiếm 1,81%; thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp 9,95 tỷ, chiếm 1,96%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 4 tháng năm 2022 ước đạt 3.953,92 tỷ đồng, tăng 37,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 1.439,40 tỷ đồng, tăng 185,73%, chiếm 36,40%. Chi thường xuyên đạt 2.505,31 tỷ đồng, tăng 5,69%, chiếm 63,36%. Các nhiệm vụ chi khác đạt 9,21 tỷ đồng, tăng 254,79%, chiếm 0,23%.

II. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt:

* Lúa đông xuân: Dự ước toàn tỉnh gieo cấy được 9.768,19 ha, giảm 1,49% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, vượt 1,02% kế hoạch. Toàn tỉnh có 7/10 huyện, thị gieo cấy vượt kế hoạch; nguyên nhân do được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa một số kênh mương đưa vào tưới tiêu tạo điều kiện cho các địa phương mở rộng diện tích gieo cấy trên những chân ruộng một vụ, vượt kế hoạch từ 1,08% đến 32,03%. Tuy nhiên, một số xã vùng cao thuộc huyện Mường Chà do nguồn nước tưới không đảm bảo nên diện tích gieo cấy đạt 97,43% kế hoạch. Thời tiết trong tháng đã có những ngày mưa, tạo điều kiện cho lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển khá tốt. Các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như Bắc thơm số 7, IR64, Nghi hương, …vẫn được các địa phương chú trọng đầu tư thâm canh, giống lúa đặc sản như Séng cù, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, có giá trị kinh tế cao được bà con quan tâm mở rộng diện tích gieo cấy.

* Diện tích gieo trồng các loại cây khác vụ xuân so với cùng kỳ năm trước:

 Đến ngày 15/4 toàn tỉnh đã gieo trồng được 19.883,81 ha cây hàng năm khác, tăng 21,71%, trong đó: Ngô gieo trồng được 9.377,12 ha, tăng 31,56%; lạc gieo trồng được 582,0 ha, gấp 2,40 lần; đậu tương gieo trồng được 270,35 ha, gấp 4,29 lần; mía trồng được 51,3 ha, tăng 3,01%; sắn trồng được 6.866,0 ha, tăng 8,33%; khoai lang trồng được 33,0 ha, giảm 72,41%; dong giềng trồng được 982,90 ha, tăng 45,87%; rau các loại gieo trồng được 1.554,05 ha, tăng 0,57%; đậu các loại gieo trồng được 167,09 ha, giảm 6,07%. Nhìn chung tiến độ gieo trồng cây hàng năm khác vụ xuân năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân, do thời tiết tương đối thuận lợi nên bà con tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây ngô, các cây hàng năm khác như sắn, lạc, đậu tương. 

* Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: 

Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 5.158,0 ha; tăng 1.974,0 ha so với tháng trước; tăng 2.354,0 ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích phòng trừ 9.635,0 ha (chủ yếu trên cây lúa, cà phê, ngô, cây ăn quả). Trong đó: Trên cây lúa tổng diện tích nhiễm 4.277,50 ha, tăng 2.287,10 ha so với tháng trước; tăng 1.755,70 ha so với cùng kỳ năm trước. Trên cây ngô tổng diện tích nhiễm 24,4 ha; cây cà phê 431,40 ha; cây ăn quả 254,90 ha; cây rừng (thông, keo) 127,0 ha. Trong tháng các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời ngăn chặn không để sâu, bệnh hại cây trồng lây lan ra diện rộng.              

b) Chăn nuôi:

Nhìn chung tốc độ phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Đàn bò vẫn luôn được chú trọng phát triển, các chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống và đầu tư chuồng trại vẫn luôn được quan tâm giúp các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất. Chăn nuôi lợn vẫn gặp nhiều khó khăn do Dịch tả lợn Châu Phi, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị, vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát, lây lan nhanh và xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây thiệt hại to lớn về kinh tế. Nhiều hộ chăn nuôi vẫn bỏ trống chuồng trại, chưa dám khôi phục sản xuất do tâm lý e ngại dịch bệnh tái phát nên chỉ tái đàn giản đơn, chưa mở rộng. Theo báo cáo của Chi cục Thú y, từ ngày 15/3 đến ngày 14/4/2022 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 2 huyện Điện Biên và Mường Ảng với tổng số lợn mắc bệnh và chết 79 con. Ngoài Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn, bệnh sưng phù đầu ở lợn, … vẫn xảy ra trên địa bàn các huyện Điện Biên, Tủa Chùa và Mường Nhé làm 11 con trâu, bò và 03 con lợn bị chết. 

Ước tính số lượng đầu con gia súc, gia cầm tháng 4 như sau: Đàn trâu 134.528 con, tăng 1,58% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 94.820 con, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn 301.212 con, tăng 1,90% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 4.632,41 nghìn con, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: gà 3.532,21 nghìn con, tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước).

Dự ước số đầu con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 4 như sau: Trâu 798 con, tăng 2,31%; sản lượng 220,74 tấn, tăng 1,94%. Bò 936 con, tăng 4,93%; sản lượng 187,25 tấn, tăng 4,60%. Lợn 20.036 con, giảm 1,80%; sản lượng thịt 988,05 tấn, tăng 0,43%. Gia cầm sản lượng thịt hơi xuất chuồng 400,54 tấn, tăng 3,90%; trứng gia cầm 6.555,37 nghìn quả, tăng 2,25% (thịt gà hơi 282,03 tấn, tăng 0,73%; trứng gà 4.946,50 nghìn quả, tăng 2,45%).

2. Sản xuất lâm nghiệp

Trong tháng, bà con nông dân ở vùng cao đang phát dọn nương rẫy, làm đất để chuẩn bị gieo trồng các loại cây hoa màu trên nương, nên tăng nguy cơ gây cháy và phá rừng trái phép. Chi cục Kiểm lâm và các ban, ngành chức năng đã tăng cường phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh, thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, rà soát kiện toàn lại các tổ phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm về lâm luật. Tuy nhiên, hiện tượng phá rừng và vi phạm quy định QLBVR vẫn xảy ra nhiều. Toàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ vi phạm quy định về QLBVR. Trong đó: phá rừng 51 vụ, với diện tích bị phá 12,21 ha, số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân bà con phá rừng làm nương rẫy tại 7/10 huyện, thị xã, thành phố; khai thác rừng trái phép 02 vụ; mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép, ... 17 vụ. Cơ quan chức năng thu giữ 11,39 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trong tháng 150,94 triệu đồng.

Dự ước sản lượng lâm sản khai thác tháng 4 năm 2022: Gỗ 1.078 m3, giảm 5,44% so với cùng kỳ năm trước; củi 67.107 Ste, giảm 2,42% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng lâm sản khai thác 4 tháng năm 2022: Gỗ 4.083 m3, giảm 5,79% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi được 262.357 Ste, giảm 2,05% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra bà con nông dân thu nhặt các loại nông sản khác như măng đắng, mật ong, song mây và một số sản phẩm khác từ rừng để cải thiện và tăng thêm thu nhập.

3. Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển tốt. Dự ước toàn tỉnh có 2.726,32 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm trước (nuôi cá 2.724,87 ha, tăng 2,48%). Mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước, mô hình nuôi cá bề bồn tại huyện Tuần Giáo vẫn được duy trì và phát triển. Tổng số lượng lồng bè hiện có trên địa bàn tỉnh là 255 cái với tổng thể tích 36.392 m3. Các cơ sở nuôi trồng thường xuyên kiểm tra mực nước và môi trường nuôi đảm bảo cho thủy sản sinh trưởng và phát triển, trong tháng không xảy ra dịch, bệnh. Thời tiết trong tháng có nhiều ngày mưa, nguồn nước cung cấp cho các ao hồ đảm bảo, thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại thủy sản, đặc biệt nguồn thức ăn trong tự nhiên của các loại thủy sản dồi dào hơn. Giá sản phẩm thủy sản ổn định, bà con yên tâm phát triển nuôi trồng thủy sản.

Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 4, 4 tháng và so với cùng kỳ năm trước như sau: Sản lượng nuôi trồng và thu hoạch tháng 4 đạt 382,38 tấn, tăng 9,63%, trong đó: Sản lượng nuôi trồng được 356,91 tấn, tăng 10,28%; sản lượng thuỷ sản khai thác được 25,47 tấn, tăng 1,27%. Dự ước sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác 4 tháng được 1.524,55 tấn, tăng 10,12%, trong đó: Sản lượng nuôi trồng được 1.426,87 tấn, tăng 10,81%; sản lượng thuỷ sản khai thác được 97,68 tấn, tăng 0,99%. 

III. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,78% so với tháng trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 4,38%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,23%; sản xuất và phân phối điện tăng 26,47%; cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải tăng 6,09%. So với tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 12,79%; trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,79%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,62%; sản xuất và phân phối điện tăng 35,91%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 3,37%. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 của tỉnh có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên tốc độ tăng giữa các ngành chưa đồng đều và chỉ tập trung tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng và sản xuất thủy điện và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị). Nhiều ngành vẫn còn khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, hợp đồng dài hạn để cung cấp sản phẩm, nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng như gạch đất nung trên địa bàn tỉnh Điện Biên giá thành cao, sức cạnh tranh kém trên thị trường tiêu thụ sản phẩm so với sản phẩm của một số tỉnh lân cận (Lai Châu);  nhiều hộ dân ưu tiên lựa chọn gạch của Lai Châu để giảm bớt chi phí xây dựng; ngành sản xuất chè cây cao tại Tủa Chùa mặc dù được nhà nước hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến thông qua nguồn kinh phí khuyến công nhưng sản phẩm chưa tìm được đầu ra và chưa cạnh tranh được với các loại chè ở Thái Nguyên, Sơn La,... sản xuất. 

Một số sản phẩm chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất tăng 40,36%; đá xây dựng khác tăng 10,39%; điện thương phẩm tăng 5,69%; sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) tăng 5,05%. Sản phẩm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Đồ nội thất bằng gỗ chưa được phân vào đâu giảm 12,44%; bàn bằng gỗ các loại giảm 11,63%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng ước tăng 8,78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 9,03%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,12%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 24,95%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,53%. Trong 4 tháng đầu năm 2022, một số sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ như: Điện sản xuất tăng 27,39%; điện thương phẩm tăng 9,54%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 10,0%; đá xây dựng tăng 10,27%; bên cạnh đó một số đơn vị sản xuất ngành chế biến đã bị sụt giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước như: Xi măng Điện Biên giảm 5,20%; đồ nội thất bằng gỗ chưa được phân vào đâu giảm 2,10%; bàn bằng gỗ các loại giảm 1,26%. 

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 4 giữ ổn định so với tháng trước và tăng 1,07% so với cùng kỳ năm trước (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,80%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,58%). Tính chung 4 tháng đầu năm 2022 chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,37% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,77%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,64%).  

IV. VỐN ĐẦU TƯ 

1.Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước

 Trong tháng thời tiết khô ráo tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động xây dựng các dự án, công trình được diễn ra liên tục, đảm bảo tiến độ đã ký kết giữa nhà thầu với chủ đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Dự tính vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 4 ước đạt 179,01 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước, giảm 21,35% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 120,51 tỷ đồng, tăng 3,93% và giảm 25,49%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 51,47 tỷ đồng, tăng 2,98 và giảm 11,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7,02 tỷ đồng, tăng 2,45% và giảm 10,45%.

 Dự ước 4 tháng năm 2022 thực hiện được 698,23 tỷ đồng, giảm 9,92% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 498,51 tỷ đồng, giảm 7,17%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 175,74 tỷ đồng, giảm 15,57%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 23,98 tỷ đồng, giảm 19,91%.

2.Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội

Dự ước vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong tháng 4 đạt 1.221,83 tỷ đồng, tăng 5,32% so với tháng trước, tăng 10,15% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 491,50 tỷ đồng, tăng 7,40% và tăng 0,38% (vốn Trung ương quản lý đạt 246,58 tỷ đồng, tăng 10,20% và tăng 24,03%; vốn địa phương quản lý đạt 244,92 tỷ đồng, tăng 4,72% và giảm 15,79%); Vốn ngoài Nhà nước đạt 730,33 tỷ đồng, tăng 3,97% và tăng 17,87%. 

Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện dự tính đạt 4.013,37 tỷ đồng, tăng 14,75% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 1.714,81 tỷ đồng, tăng 4,41% (vốn Trung ương quản lý đạt 813,91 tỷ đồng, tăng 20,66%; vốn địa phương quản lý đạt 900,90 tỷ đồng, giảm 6,91%). Vốn ngoài Nhà nước đạt 2.298,56 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực hiện.

V. THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - GIÁ CẢ - VẬN TẢI 

1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 

Trong tháng 4, có dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày kỷ niệm 30 năm thành lập thành phố Điện Biên Phủ (18/4/1992 – 18/4/2022). Với việc mở cửa hoạt động du lịch trở lại trong điều kiện bình thường mới, sản xuất kinh doanh hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt; sự hiếu khách của Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên và sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội trên địa bàn đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 1.119,44 tỷ đồng, tăng 18,57% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.515,67 tỷ đồng, tăng 23,32% so với cùng kỳ năm trước.

1.1. Bán lẻ hàng hoá

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 1.015,38 tỷ đồng, tăng 0,67% so với tháng trước, tăng 18,48% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ các nhóm hàng cụ thể ở biểu sau:

Biểu 01: Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tháng 4 và 4 tháng năm 2022

1.2. Dịch vụ lưu trú và ăn uống

 Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 4 ước đạt 48,94 tỷ đồng, tăng 1,92% so với thực hiện tháng trước, tăng 19,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ lưu trú đạt 4,24 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 25,71% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ ăn uống đạt 44,70 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước, tăng 19,29% so với cùng kỳ năm trước. 

Dịch vụ lưu trú ăn uống 4 tháng đầu năm 2022 đạt 191,35 tỷ đồng, tăng 16,24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ lưu trú đạt 14,74 tỷ đồng, tăng 9,06% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 176,61 tỷ đồng, tăng 16,88% so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Dịch vụ khác

 Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 4 ước tính đạt 55,01 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 19,10% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 4 tháng đạt 221,87 tỷ đồng, tăng 18,99% so cùng kỳ năm trước.

2. Giá cả

*Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4: So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ chính, có 4 nhóm giảm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%; nhóm may mặc, mũ nón, dày dép giảm 0,09%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 7,78%; nhóm giao thông giảm 0,68%, và 2 nhóm bình ổn là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục, còn lại 5 nhóm tăng nhẹ đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI)  tháng 4 giảm 1,53% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,53% so với kỳ gốc 2019.

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng năm 2022: CPI bình quân 4 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 4,09%, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,07%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,3%; nhóm may mặc, mũ nón, dày dép tăng 1,04%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 15,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,8%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,59%; nhóm giao thông tăng 18,99%, bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm giáo dục tăng 0,35%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,51%; nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 1,08%. 

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 0,68% so với tháng trước, tăng 23,05% so với cùng kỳ năm trước, tăng 75,98% so với kỳ gốc 2019; bình quân 4 tháng tăng 15,55% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4 tăng 0,1% so với tháng trước, giảm 0,69% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,43% so với kỳ gốc 2019; bình quân 4 tháng giảm 1,04% so cùng kỳ năm trước.

* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất: Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.

3. Hoạt động Vận tải

* Hoạt động vận tải tháng 4 năm 2022:  

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi tháng 4 ước đạt 76,7 tỷ đồng, tăng 2,01% so với tháng trước và tăng 23,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách đạt 11,15 tỷ đồng, tăng 4,26% so với tháng trước, tăng 48,17% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đạt 64,86 tỷ đồng, tăng 1,60% so với tháng trước và tăng 19,70% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 103,34 nghìn hành khách, tăng 4,05% so với tháng trước, tăng 49,66% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển đạt 16,21 triệu HK.Km, tăng 4,36% so với tháng trước, tăng 45,41% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 425,51 nghìn tấn, tăng 1,45% so với tháng trước, tăng 19,43% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 19,52 triệu tấn.Km, tăng 1,51% so với tháng trước, tăng 19,66% cùng kỳ năm trước.

* Hoạt động vận tải 4 tháng năm 2022:  

Tổng doanh thu đạt 291,92 tỷ đồng, tăng 16,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 41,72 tỷ đồng, tăng 18,74% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 247,8 tỷ đồng, tăng 16,11% so với cùng kỳ năm trước. 

Khối lượng vận chuyển hành khách ước 4 tháng đạt 368,87 nghìn hành khách, tăng 19,04% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển đạt 60,04 triệu HK.Km, tăng 18,02% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1.632,69 nghìn tấn, tăng 15,98% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 74,64 triệu tấn.Km, tăng 16,15% so với cùng kỳ năm trước. 

B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

I. THIẾU ĐÓI TRONG DÂN

Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh có 9.966 hộ với 46.943 khẩu thiếu đói, xảy ra tại 7/10 huyện, thị xã, thành phố. Tỷ lệ hộ thiếu đói chiếm 7,25% so với tổng số hộ; tỷ lệ nhân khẩu thiếu đói chiếm 7,45% so với tổng số nhân khẩu. So với cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói tăng 50,16% bằng 3.329 hộ; số nhân khẩu thiếu đói tăng 56,99% bằng 17.041 nhân khẩu. Đã cứu trợ 704,15 tấn gạo cho 9.966 hộ thiếu đói. Lũy kế từ ngày 15/12/2021 ngày 15/4/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 10.838 hộ thiếu đói với 50.097 khẩu thiếu đói, xảy ra tại 8/10 huyện, thị xã, thành phố. So với cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói giảm 4,14% bằng 468 hộ; số nhân khẩu thiếu đói giảm 3,34% bằng 1.732 nhân khẩu. Tổng số gạo được cứu trợ là 751,46 tấn cho 10.838 hộ thiếu đói.

II. TÌNH HÌNH Y TẾ

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 4 cơ bản đã được kiểm soát. Tính từ ngày 01/01/2022 đến 18h ngày 20/4/2022 trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 86.490 trường hợp mắc Covid-19, tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố (có 20 trường hợp tử vong). Lũy tích, đến18h ngày 20/4/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 87.124 ca mắc Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi bệnh và ra viện 85.746 ca và có 20 ca tử vong. Hiện tại đang điều trị 1.358 ca tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố.

 Tính đến ngày 14/4/2022, tỉnh Điện Biên tiêm được 1.082.497 liều, cụ thể: Đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được 953.636 liều (01 liều vắc xin 337.977, đạt 99,6%; 02 liều vắc xin 319.879, đạt 94,3%; 03 liều vắc xin 295.780, đạt 87,2%). Đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm được 128.861liều (01 liều vắc xin 67.396, đạt 99,5%; 02 liều vắc xin 61.465, đạt 90,7%).

III. GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục.

Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9, 10, 11 và giải toán trên máy tính lớp 11 năm học 2021-2022 đã có 3.331 thí sinh đăng ký dự thi (đăng ký dự thi các môn văn hoá lớp 9, 10, 11 là 3.095 thí sinh, thi giải toán trên máy tính cầm tay lớp 11 có 236 thí sinh).

Ngày 22/4/2022 UBND tỉnh ban hành Công văn số 1194/UBND-KGVX về việc phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

IV. VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH.

1. Lĩnh vực văn hóa và gia đình:

* Hoạt động Tuyên truyền: 

Sở Văn hóa và Thông tin hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19;... tuyên truyền Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Điện Biên lần thứ XI năm 2022. 

* Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp

 Đoàn Nghệ thuật phối hợp với TTVH-TTTH thành phố biểu diễn chương trình chào mừng Hội nghị giao ban các cụm đô thị vùng Tây Bắc tổ chức tại tỉnh Điện Biên; biểu diễn phục vụ Nhân dân các dân tộc nhân kỷ niệm 15 năm thành lập huyện Mường Ảng; Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại sân hành lễ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

* Hoạt động hệ thống Thư viện: 

Cấp mới và đổi 450 thẻ bạn đọc; luân chuyển 59.406 lượt sách, báo. Tổng số bạn đọc sử dụng thư viện là 20.189 lượt.

* Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa: 

 Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát bảo tồn nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Cống bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; khảo sát kiểm kê di sản văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông đỏ trên địa bàn tỉnh. Trong tháng, bảo tàng tỉnh đón tiếp 250 lượt khách tham quan Nhà trưng bày (trong đó, khách nước ngoài: 20 khách). 

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chỉ đạo xây dựng phương án tạm thời tiếp nhận, quản lý, vận hành Bức tranh Panorama đưa vào phục vụ khách tham quan. Tổng số lượt khách tham quan trong tháng 10.114 lượt người, trong đó khách nước ngoài chiếm 63 lượt người.

Trong tháng 4, tổng số lượt khách tham quan Di tích chiến trường Điện Biên Phủ là 25.386 lượt người, trong đó khách nước ngoài chiếm 10 lượt người. 

2. Lĩnh vực thể dục thể thao:

* Phong trào TDTT quần chúng: 

Duy trì và phát triển tốt, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng.

* Thể thao thành tích cao: 

Tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Điện Biên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Cử đoàn Tham dự giải: Vô địch Karate miền Bắc lần thứ II, năm 2022 tại tỉnh Hải Dương; giải Cầu lông Câu lạc bộ các tỉnh, thành, ngành toàn quốc tại tỉnh Phú Yên.

3. Lĩnh vực du lịch

Triển khai các nội dung phối hợp với Tiktok quảng bá du lịch Điện Biên. Thực hiện lập kênh Du lịch Điện Biên, đăng tải các video clip ngắn giới thiệu về tiềm năng du lịch, các điểm đến, sản phẩm dịch vụ. Kênh đã được đánh dấu Tích xanh, nhiều video đã tiếp cận, thu hút nhiều lượt xem (trên 74 nghìn lượt/01 video).

 Dự ước tháng 4 đón khoảng 35.140 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 31 lượt.

V. TAI NẠN GIAO THÔNG, CHÁY NỔ, VI PHẠM MÔI TRƯỜNG

1. Tai nạn giao thông

Trên địa bàn tỉnh (từ ngày 15/2/2022 đến ngày 14/3/2022) đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông làm chết 7 người, bị thương 1 người, nguyên nhân đi sai làn đường, phần đường; người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện và các nguyên nhân khác. Lũy kế từ 15/11/2021 đến 14/3/2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 11 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 12 người chết, 4 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn bằng năm trước, số người chết tăng 200%, số người bị thương giảm 69,23%. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ tốc độ, không đi đúng làn đường quy định và phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật và các nguyên nhân khác.

2. Cháy nổ

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không xảy ra cháy nổ. Lũy kế từ 15/11/2021 đến 14/3/2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xẩy ra 1 vụ cháy xe ô tô chở vật liệu xây dựng nhưng không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Nguyên nhân của vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện.

3. Vi phạm môi trường

Số vụ vi phạm môi trường trong tháng 4 là 70 vụ; số vụ được xử lý 60 vụ với tổng số tiền xử phạt 150,94 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm tăng 89,19%; số vụ được xử lý tăng 100,0%; tổng số tiền xử phạt giảm 16,92%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm tăng 169,23%; số vụ được xử lý tăng 114,29%; tổng số tiền xử phạt tăng 123,61%. Luỹ kế 4 tháng đầu năm số vụ vi phạm môi trường 182 vụ, tăng 70,09%; số vụ được xử lý 146 vụ, tăng 53,68% với tổng số tiền xử phạt 487,38 triệu đồng, tăng 106,73%. 

VI. THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

Đêm ngày 28/3 đến sáng ngày 29/3/2022 đã xẩy ra  mưa, gió giật mạnh gây ra thiệt hại trên địa bàn huyện Nậm Pồ: làm thiệt hại 7 ngôi nhà, ước tổng thiệt hại khoảng 185 triệu đồng. So với tháng trước, thiệt hại về thiên tai giảm mạnh, giảm 98,03%. Lũy kế từ đầu năm tới thời điểm báo cáo thiên tai làm thiệt hại: 8 ngôi nhà, 475,06 ha lúa, 573 con gia súc bị chết, 30m kênh mương bị sạt lở, 90m khối đất đá sạt lở xuống đường giao thông, 1 điểm trường bị sạt đất từ tà luy dương và nhiều tài sản khác; tổng giá trị thiệt hại là 9.699,7 triệu đồng, tăng 332,44% so cùng kỳ năm trước.

 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây