Từ ngày 23-24/5/2024 tại hội trường tầng 4, Cục Thống kê tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị Tập huấn điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024. Tham dự hội nghị có Lãnh đạo, công chức các phòng thuộc Cục Thống kê, Ban Dân tộc tỉnh, Chi cục Thống kê và phòng Dân tộc các huyện, thị xã, thành phố.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Nguyễn Xuân Thọ, Phó cục trưởng phụ trách Cục Thống kê tỉnh Điện Biên cho biết: Đây là lần thứ 3 Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức thu thập thông tin đánh giá về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số trên phạm vi toàn quốc; lần điều tra đầu tiên thực hiện vào năm 2015, lần thứ 2 vào năm 2019.
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số; trong đó quy định Tổng cục Thống kê chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện cuộc điều tra này với chu kỳ 05 một lần.
Tổng cục trưởng TCTK đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-TCTK ngày 14/7/2023 về việc ban hành Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trong đó có 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống. Theo quy định của Phương án điều tra, cuộc điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn trong 1,5 tháng từ ngày 01/7 đến ngày 15/8/2024.
Đ/c Nguyễn Xuân Thọ, Phó Cục trưởng phụ trách phát biểu tại Hội nghị
Chỉ đạo Hội nghị, đồng chí nhấn mạnh đây là cuộc điều tra mẫu quy mô lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống dân cư vùng dân tộc thiểu số, thu thập thông tin phục vụ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030, qua đó làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam, giúp các cấp chính quyền địa phương cũng như Đảng, Quốc hội, Chính phủ điều hành, hoạch định chính sách dân tộc, phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện đối với vùng dân tộc thiểu số.
Với những nội dung ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc điều tra, đồng chí Nguyễn Xuân Thọ đề nghị các giảng viên hướng dẫn đầy đủ các nội dung trong tài liệu; cách thức và kỹ năng phỏng vấn, khai thác thông tin, ghi chép thông tin vào phiếu hỏi điều tra; nhấn mạnh những điểm mới trong phương án điều tra; Tăng cường thực hành, đưa ra các tình huống để thống nhất xử lý, không bị động khi gặp trong thực tế phát sinh; Kết hợp trình bày với tổ chức thực hành trên phiếu điều tra điện tử CAPI và trang Web quản lý, tác nghiệp điều tra; tích cực tương tác với các đại biểu tham dự, dành nhiều thời gian cho việc thảo luận; tổng hợp toàn bộ ý kiến, câu hỏi để xử lý và thống nhất chung trước khi triển khai tại 10 huyện, thị xã, thành phố.
Đối với đại biểu tham dự tập huấn: Cần tham gia tập huấn đầy đủ, đúng thành phần, chấp hành nghiêm quy chế hội nghị, hội thảo; nắm bắt đầy đủ các nội dung tại Hội nghị; tích cực trao đổi, thảo luận để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện điều tra tại địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị Tập huấn.
Sau bài phát biểu của đồng chí Phó Cục trưởng phụ trách, các học viên tham gia hội nghị được các báo cáo viên hướng dẫn, phổ biến hệ thống kiến thức nghiệp vụ căn bản và thống nhất về cách thức, phương pháp, nội dung, thời gian điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, Điện Biên sẽ tiến hành điều tra, thu thập thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở 431 địa bàn, gồm 42 địa bàn ở khu vực thành thị và 389 địa bàn ở khu vực nông thôn. Trong số địa bàn ở khu vực nông thôn có 16 địa bàn thuộc nhóm 1 (sẽ điều tra toàn bộ các hộ dân tộc thiểu số), 356 địa bàn thuộc nhóm 2 (mỗi địa bàn điều tra 30 hộ) và 59 địa bàn thuộc nhóm 3 (mỗi địa bàn điều tra 40 hộ).
Tác giả bài viết: Hùng Trường - Phòng Thu thập thông tin Thống kê
Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn