I. XU HƯỚNG KINH TẾ VĨ MÔ TOÀN CẦU
1. Tăng trưởng toàn cầu được cải thiện đáng kể
Tình hình kinh tế thế giới khá khởi sắc trong 9 tháng năm 2021 khi triển khai tiêm phòng vắc-xin nhanh chóng đã giúp giảm nhanh số ca lây nhiễm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng của các nền kinh tế cho thấy sự khác biệt do tốc độ triển khai vắc-xin và hỗ trợ chính sách khác nhau ở các quốc gia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng 6,0% năm 2021. Tuy nhiên, một số tổ chức điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 đạt 5,7%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 5/2021; Fitch Ratings dự báo GDP thế giới sẽ tăng 6,0% vào năm 2021, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo của tổ chức này trong tháng 6/2021.
2. Tổng quan biến động thị trường thế giới
Thương mại toàn cầu. Thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng có xu hướng chậm dần. WTO dự báo khối lượng thương mại hàng hóa thế giới chỉ tăng 8% trong năm 2021 và có sự phân hóa giữa các khu vực. UNCTAD có cùng nhận định với WTO nhưng dự báo mức tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đạt 9,5% trong năm 2021 do dòng chảy thương mại hàng hóa cuối năm 2020 tăng mạnh dẫn đến các mô hình dự báo của UNCTAD đưa ra cao hơn.
Giá cả và lạm phát. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá nhiều mặt hàng đã tăng mạnh trong năm 2021 so với năm 2020. Giá dầu Brent, giá kim loại cơ bản, giá một số mặt hàng nông sản đều tăng.
IMF và OECD cùng nhận định lạm phát giá tiêu dùng trên toàn thế giới tăng trong những tháng gần đây do giá hàng hóa cao hơn, trở ngại từ phía cung, nhu cầu tiêu dùng mạnh khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Rủi ro lạm phát trong ngắn hạn đang tăng lên. Tác động của chi phí vận chuyển và giá hàng hóa tăng sẽ khiến gia tăng lạm phát có khả năng kéo dài đến hết năm 2022.
Thị trường tài chính. Theo WB, điều kiện tài chính toàn cầu khá khác biệt giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Ở các nền kinh tế phát triển, các điều kiện tài chính tương đối hỗ trợ. Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, các điều kiện tài chính đã thắt chặt hơn kể từ giữa tháng 6/2021. Việc chưa thể kiểm soát dịch bệnh và rủi ro của từng quốc gia tiếp tục tạo ra chênh lệch lãi suất và chi phí đi vay, đồng thời làm suy yếu đồng nội tệ tại một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Đầu tư quốc tế. Các biện pháp phong tỏa để đối phó với đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại các dự án đầu tư hiện có. Cuộc khủng hoảng đã tác động tiêu cực đến hầu hết các loại hình đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp vào các dự án công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh ở các nền kinh tế phát triển và chuyển đổi, tuy nhiên giảm vừa phải ở các nền kinh tế đang phát triển do gia tăng luồng đầu tư vào châu Á. Tại Đông Nam Á, FDI có thể sẽ tăng lên, phụ thuộc vào mức độ các quốc gia trong khu vực kiềm chế làn sóng đại dịch mới bùng phát trong năm 2021.
Rủi ro và các yếu tố phi kinh tế khác. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới đang đối mặt với bốn rủi ro và yếu tố phi kinh tế sau:
Thứ nhất, tăng trưởng sẽ yếu hơn dự báo nếu các rào cản hậu cần trong việc mua sắm và phân phối vắc xin ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển làm chậm tốc độ tiêm chủng so với dự kiến. Sự thận trọng trong sử dụng khoản tiết kiệm của hộ gia đình đi kèm với lo lắng về triển vọng việc làm và thu nhập sẽ ảnh hưởng đến tổng chi tiêu dùng nói chung.
Thứ hai, ngoài các yếu tố liên quan đến đại dịch, kích thích tài chính tại Mỹ có thể yếu hơn dự kiến, làm tăng trưởng của Mỹ thấp hơn dẫn đến lan tỏa yếu hơn đến các đối tác thương mại của quốc gia này.
Thứ ba, tăng trưởng có thể sẽ không như kỳ vọng khi các điều kiện tài chính bị thắt chặt đột ngột. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển nói riêng có thể phải đối mặt với tác động kép từ các điều kiện tài chính bên ngoài thắt chặt hơn và cuộc khủng hoảng sức khỏe, làm gia tăng đứt gãy trong quá trình phục hồi toàn cầu. Ngoài ra, tăng trưởng yếu hơn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến dư nợ và rủi ro tài khóa kép.
Thứ tư, bất ổn xã hội, căng thẳng địa chính trị, các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, hoặc thiên tai ngày càng tăng về tần suất và cường độ do biến đổi khí hậu có thể tiếp tục gây áp lực lên phục hồi kinh tế toàn cầu.
II. TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ
1. Mỹ
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 6% năm 2021, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức dự báo 6,5% trong tháng 4/2021 do tốc độ tăng GDP Quý II/2021 yếu hơn dự kiến.
OECD cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống 6,0%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với mức dự báo 6,9% trong tháng 5/2021.
Fitch Ratings điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống còn 6,2%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 6,8% đưa ra trong T6/2021.
Theo Trading Economics, GDP Quý III/2021 của Mỹ dự báo tăng 5,1% so với quý trước và tăng 3,7% so với Quý III/2020. Chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ dự kiến đạt 58,0 điểm vào cuối Quý III/2021.
2. Khu vực đồng Euro
OECD nâng mức dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro năm 2021 lên 5,3%, điều chỉnh tăng 1 điểm phần trăm so với mức dự báo 4,3% trong tháng 5/2021.
ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro lên 4,6% năm 2021, tăng 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo 4,3% đưa ra vào tháng 4/2021.
Fitch Ratings điều chỉnh tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro năm 2021, tăng 0,2 điểm phần trăm, từ mức 5,0% dự báo hồi tháng 5/2021 lên 5,2%.
Nguyên nhân điều chỉnh tăng là do khu vực này triển khai nhanh chóng tiêm phòng vắc-xin Covid-19. Ngoài ra, nhu cầu bị kìm nén, chính sách tiền tệ phù hợp và tiến độ giải ngân vốn từ chương trình hỗ trợ NextGenerationEU là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thương mại hàng hóa toàn cầu mạnh mẽ và sự phục hồi của ngành du lịch cũng đóng góp vào tăng trưởng trong năm 2021.
Trading Economics dự báo chỉ số PMI tổng hợp của khu vực đồng Euro đạt 58,5 điểm vào cuối Quý III/2021.
3. Nhật Bản
ADB dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,2% năm 2021, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với mức dự báo 2,9% trong tháng 4/2021. OECD dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt 2,5% năm 2021, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo 2,6% trong tháng 5/2021.
Theo Trading Economics, GDP Quý III/2021 của quốc gia này dự báo tăng 1,5% so với quý trước và tăng 4,5% so với Quý III/2020.
4. Trung Quốc
ADB giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc ở mức 8,1% năm 2021, bằng với dự báo của Fitch Ratings.
OECD giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc năm 2021 như đã đưa ra hồi tháng 5/2021, theo đó tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2021 đạt 8,5%.
Theo Trading Economics, tăng trưởng GDP Quý III/2021 của quốc gia này dự báo đạt 1,1% so với Quý II/2021 và đạt 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
5. Đông Nam Á
Tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á (gồm cả Đông Ti-mo) được ADB dự báo ở mức 3,1% trong năm 2021, giảm so với mức 4,4% đưa ra vào tháng 4/2021. Trong đó, ADB giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á như In-đô-nê-xi-a (từ 4,5 xuống 3,5%), Ma-lai-xi-a (từ 6,0 xuống 4,7%), Thái Lan (từ 3,0% xuống 0,8%) và Việt Nam (từ 6,7% xuống 3,8%); không thay đổi dự báo của Phi-li-pin (4,5%); duy chỉ có Xin-ga-po được dự báo tăng so với báo cáo trước đây (từ 6,0% lên 6,5%).
6. Việt Nam
Trong Báo cáo điểm lại tháng 9/2021, WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021. Dự báo này được điều chỉnh giảm so với con số 6,6% cho năm 2021 trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2021 và giữ nguyên so với dự báo đưa ra vào tháng 8/2021 của tổ chức này.
Theo ADB, tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt ở khu vực phía Nam của Việt Nam, ở Hà Nội và các khu công nghiệp lân cận đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. ADB giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 từ mức 6,7% xuống 3,8%.
Vụ Thống kê Nước ngoài và Hợp tác quốc tế
Tổng cục Thống kê
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn