Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực kinh tế – xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc. Cụ thể:
(1) Sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so với tháng trước (tháng 9 tăng 2,3%) và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,7%.
Trong tháng 10, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá cao 8,3% so với cùng kỳ năm 2019, tuy thấp hơn mức tăng 10,8% của tháng 10/2019 nhưng với bối cảnh hiện nay, đây là một điểm sáng cho thấy sự phục hồi mạnh của hoạt động sản xuất, mở ra hy vọng ngành công nghiệp sẽ phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt được kết quả trên là nhờ đóng góp tích cực của các ngành: Sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tháng 10/2020 tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do sản phẩm linh kiện điện thoại tăng cao 30,3%); sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng 22,6% với đóng góp chủ yếu của Lọc hóa dầu Nghi Sơn Thanh Hóa; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,9%; sản xuất kim loại tăng 15,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,4%.
(2) Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2020 ước tính đạt 450,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3%.
Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng Mười mặc dù nền kinh tế còn chịu những thiệt hại nặng nề của thiên tai, bão lũ ở miền Trung nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ mức giảm của tháng 8/2020 (giảm 2,7% so với tháng trước) đã đạt mức tăng dương trong tháng 9 và duy trì mức tăng trong tháng 10, kết quả này thể hiện cầu tiêu dùng trong dân vẫn đang tiếp tục tăng.
(3) Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản:
– Sản xuất lúa đạt kết quả tích cực, người dân được mùa được giá. Năng suất lúa các vụ đều tăng so với năm 2019 khẳng định việc cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, giống lúa mới chất lượng cao cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống, trong đó ước tính năng suất lúa mùa tăng 0,3 tạ/ha; năng suất lúa hè thu tăng 0,9 tạ/ha; năng suất lúa thu đông tăng 0,4 tạ/ha. Giá gạo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng nên mặc dù lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm nay giảm 4% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD, tăng 8,2%.
– Chăn nuôi lợn trong tháng tiếp tục đà phục hồi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với tổng số lợn tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 giảm 20%). Giá thịt lợn hơi giảm khá nhanh trong tháng 10, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc (68 nghìn đồng/kg), giá lợn hơi bình quân cả nước hiện nay khoảng 72 nghìn đồng/kg, giảm 8,2% so với tháng trước.
– Giá cá tra trong tháng đã tăng lên 23.000-24.000 đồng/kg sau 9 tháng liên tiếp ở mức thấp dưới 20.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ chân trắng ổn định, xuất khẩu có dấu hiệu tích cực, sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 10 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
(4) Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì được mức tăng dương. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2020 ước tính đạt 439,82 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7%; nhập khẩu đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2020 ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD. Đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đã đạt mức tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm nay giảm 0,8%), trong đó nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chỉ giảm nhẹ 0,02% (gần như tương đương với cùng kỳ năm trước) trong khi 9 tháng giảm 1,1%, điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi trong hoạt động sản xuất của nền kinh tế.
(5) Đầu tư công là điểm sáng của nền kinh tế trong tháng 10 cũng như 10 tháng năm 2020 với tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 là 42,2% so với cùng kỳ năm trước và 10 tháng tăng 34,4%, đều là mức tăng cao nhất trong giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020. Đây là kết quả của việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
(6) Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10/2020 khởi sắc so với tháng trước. Cả nước có 12,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 18,4% so với tháng 9/2020 và có hơn 5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,4%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể) đang theo xu hướng giảm với gần 8,3 nghìn doanh nghiệp, giảm 9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 148,9 nghìn doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động), tuy giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế bao gồm vốn đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 21,4%.
(7) Lạm phát được kiểm soát tốt, bảo đảm mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 cùng mức tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Ngay từ đầu năm, công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát được thực hiện hàng tháng, mức tăng CPI 8 tháng năm nay (3,96%) bắt đầu xuống dưới mức 4%, 9 tháng tăng 3,85% và 10 tháng tiếp tục xu hướng tăng thấp dần với 3,71%. Điều này cho thấy chúng ta còn dư địa để điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận với giá thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế còn tồn tại nhiều hạn chế, thách thức, thể hiện qua một số nội dung chính như sau:
(1) Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản:
– Sản xuất lúa mặc dù tăng về năng suất nhưng do diện tích gieo trồng các vụ đều giảm nên sản lượng lúa cả nước năm nay ước tính sẽ giảm khoảng 1,6% so với năm trước.
– Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, theo Ủy ban phòng chống thiên tai, tính đến ngày 22/10/2020 có hơn 6 nghìn con gia súc, 741 nghìn con gia cầm bị chết và cuốn trôi. Ngoài ra, bão lũ còn làm hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại. Bên cạnh việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các ngành chức năng cần có kế hoạch hỗ trợ phục hồi sản xuất, bảo đảm gieo trồng các loại hoa màu đúng thời vụ, không để ảnh hưởng tới vụ đông xuân 2021.
– Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đến ngày 25/10/2020, cả nước còn 377 xã của 31 tỉnh/thành phố có dịch. Các cơ quan chuyên ngành cần phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan trên diện rộng. Đáng chú ý là giá lợn hơi ở Trung Quốc hiện nay cao hơn giá tại Việt Nam khoảng 48%. Vì vậy, trong trường hợp nguồn cung trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thì có thể xúc tiến việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, giá lợn hơi tại Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần nên cần khuyến cáo bà con nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu thận trọng và cân nhắc kỹ khi quyết định xuất khẩu lợn sang thị trường này.
– Trong tháng Mười, bão, áp thấp và lũ lụt tại các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng tới nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi thủy sản lồng bè và khai thác thủy sản biển. Mặc dù giá cá tra có dấu hiệu hồi phục nhưng do phải chịu lỗ trong một thời gian dài nên người dân hạn chế nuôi, làm cho nguồn cung cá tra giảm mạnh, sản lượng cá tra trong tháng 10 giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm sú trong tháng cũng giảm tới 16,3% do diện tích thu hoạch ở một số tỉnh giảm nhiều như Sóc Trăng giảm 23%, Bến Tre giảm 7%.
– Hiện tượng chặt, phá rừng đang ở mức báo động nên các cơ quan chức năng cần ngăn chặn sớm để hạn chế thiệt hại về rừng. Trong 10 tháng năm nay có 746 ha rừng bị chặt, phá, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đắk Nông có 94 ha; Quảng Nam 80,7 ha; Gia Lai 50,6 ha và Lào Cai 47,2 ha.
(2) Tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện điện thoại, trong khi nhiều ngành mũi nhọn khác vẫn tiếp tục tăng trưởng âm như: Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2020 của ngành sản xuất trang phục giảm 4,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,8%; sản xuất xe máy giảm 10%; dệt giảm 0,5%; sản xuất ô tô giảm 10,8%; sản xuất đồ uống giảm 5,3%. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có giải pháp hữu hiệu để phát triển công nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường vai trò của các doanh nghiệp nội địa.
(3) Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020 nhưng chưa thể hiện được rõ vai trò tác động tích cực. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang EU tháng 8 đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 7 nhưng sang tháng 9 giá trị kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm 5,6% so với tháng 8, sang tháng 10 tiếp tục giảm 0,1% so với tháng 9. Đối với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam, do hưởng ưu đãi thuế quan nên giá hàng hóa nhập khẩu thấp hơn nhưng tháng 8 đạt 1,28 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng trước, sang tháng 9 giảm 5,9% và tháng 10 tăng trở lại 3,6%. Trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn tới việc tận dụng cơ hội từ EVFTA để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Khuyến khích đầu tư các vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo truy xuất nguồn gốc phục vụ nguồn cung nông sản xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu.
(4) Đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng do quy mô kế hoạch đầu tư năm nay lớn hơn so với năm 2019 nên cho đến nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước bằng 69,8% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2019 bằng 68,8%), trong đó vốn Trung ương quản lý bằng 67,7% và vốn địa phương quản lý bằng 70,3%. Với kết quả này, để giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm nay sẽ là một thách thức, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án, công trình, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế./.
Nguồn tin: https://www.gso.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn