Chuẩn bị điều kiện cần thiết tận dụng cơ hội xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực

Thứ năm - 12/03/2020 11:09
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và sớm có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020.
Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Bộ Công Thương chỉ đạo, phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Những tác động của Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác. Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Trước việc xuất khẩu có thể còn chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tại Chỉ thị về các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước Covid-19, giao nhiệm vụ cho Cục xuất nhập khẩu phối hợp  với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các đơn vị này phải phối hợp chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19. Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, song nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Tính đến 10/3/2020, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thấp hơn nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh.

Số liệu tổng hợp về Bộ Công Thương cho biết, trong ngày 9/3, tổng số xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, hàng may mặc) xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 710 xe, trong đó: 338 xe xuất; 372 xe nhập và 2 toa tàu.

Tại cửa khẩu Hữu Nghị, xuất 114 xe, nhập 336 xe, tồn 166 xe xuất khẩu (nông sản, linh kiện điện tử).Cửa khẩu Tân Thanh ghi nhận 118 xe xuất khẩu, 35 xe nhập khẩu và còn tới 377 xe nông sản, hoa quả tồn,  đang chờ làm thủ tục xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới được Bộ Công Thương nhận định có thể đến từ Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực.

Ngày 12/2/2020,  Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA, và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.

EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tác giả bài viết: Thế Hoàng

Nguồn tin: https://baodautu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây