TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 8 NĂM 2024

Thứ hai - 02/09/2024 10:49

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa mùa; đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây hoa màu vụ Mùa. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh như tụ huyết trùng, cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi. Thực hiện tốt việc triển khai các chương trình, dự án trồng rừng và chăm sóc các loại cây ăn quả lâu năm. Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản được duy trì phát triển tốt.

a) Nông nghiệp

* Trồng trọt:

- Sản xuất lúa Mùa: Tính đến ngày 20/8/2024, toàn tỉnh gieo cấy được 44.771,38 ha, giảm 2,04% so với chính thức cùng kỳ năm trước, đạt 98,95% kế hoạch. Trong đó: Lúa ruộng 21.294,03 ha, tăng 1,43%; lúa nương 23.477,35 ha, giảm 4,98%. Nguyên nhân giảm: (1) Thời tiết cuối tháng 7, đầu tháng 8 diễn ra nhiều đợt mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất toàn tỉnh bị mất trắng 248,7 ha lúa; (2) Diện tích lúa nương giảm do một số địa phương chuyển đổi sang trồng sắn.

- Các loại cây hàng năm khác: Toàn tỉnh gieo cấy được 1.687,46 ha cây hàng năm các loại , giảm 16,08% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng diện tích ngô, lạc giảm sâu so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao, bà con chuyển đổi giống cây trồng sang trồng sắn cho hiệu quả kinh tế cao hơn; mặt khác thời tiết trong tháng mưa lớn ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa. 

- Các loại cây lâu năm: Trong tháng, các địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm sóc những diện tích hiện có  để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với việc chăm sóc các loại cây trồng bà con nông dân tranh thủ thu hoạch sản phẩm một số cây như chè, chuối, dứa, hồng xiêm…

- Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 2.895,1 ha , giảm 764,4 ha so với chính thức cùng kỳ năm trước; diện tích phòng trừ 4.593,8 lượt ha.

* Chăn nuôi: 

Trong tháng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định.

Dự ước số lượng gia súc xuất chuồng trong tháng và so với cùng kỳ năm trước: Trâu 829 con, tăng 2,09%; bò 804 con, tăng 2,16%; lợn 21.519 con, tăng 2,95%. 

Số con xuất chuồng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng tăng do việc chăn thả đã dần chuyển sang nuôi nhốt tập trung, nuôi vỗ béo, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp phối trộn làm thức ăn để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả trong chăn nuôi, tăng trọng lượng bình quân thịt hơi xuất chuồng trên con của đàn gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Tuy nhiên, thời gian gần đây nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục xảy ra, đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng đàn, tái đàn của người dân và các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tình hình thiệt hại do dịch bệnh : từ ngày 15/7/2024 đến ngày 15/8/2024 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 8/10 huyện với tổng số lợn mắc bệnh và chết 227 con ; bệnh tụ huyết trùng làm chết 01 con lợn, 02 con trâu và 01 con bò. Công tác tiêm phòng trong tháng thực hiện được 8.747 liều bệnh dại ở chó; kiểm dịch động vật được 4 con ngựa xuất tỉnh Bắc Giang, 541,5 kg thịt trâu, bò xuất Hà Nội. Kiểm soát giết mổ được 3.935 con lợn và 387 con trâu, bò.

b) Lâm nghiệp 

Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 8/2024 ước đạt 100 ha, giảm 50,35% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 46 nghìn cây, tăng 8,89 lần; sản lượng gỗ khai thác đạt 886 m3 gỗ, giảm 3,17%; củi khai thác được 57.890 ste, tăng 0,62%. Tính chung tám tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 122 ha, giảm 39,43% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 47,96 nghìn cây, giảm 78,08%; sản lượng gỗ khai thác đạt 7.749 m3, giảm 3,46%; sản lượng củi khai thác đạt 522.597 ste, giảm 1,15%.

Trong tháng toàn tỉnh xảy ra 15 vụ phá rừng làm nương thiệt hại 1,18 ha rừng. Vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ; tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến lâm sản trái pháp luật 01 vụ; vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản 01 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trong tháng 101,83 triệu đồng, lâm sản tịch thu 0,11 m3.

c) Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển tốt, dự ước toàn tỉnh có 2.720,47 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, giảm 0,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích nuôi cá 2.718,97 ha. Các mô hình nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, duy trì số lượng 332 lồng với thể tích 45.940 m³; mô hình nuôi cá hồi bằng bể bồn tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với thể tích 600 m3.

Sản lượng thủy sản tháng 8 năm 2024 ước đạt 406,63 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 397,86 tấn, tăng 3,80%; tôm đạt 2,79 tấn, giảm 0,36%; thủy sản khác đạt 5,98 tấn, giảm 0,33 %. Tính chung 8 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 3.239,11 tấn, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 3.145,02 tấn, tăng 4,16%; tôm đạt 26,79 tấn, giảm 3,29%; thủy sản khác đạt 67,30 tấn, tăng 0,54%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 382,55 tấn, tăng 4% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 379,31 tấn, tăng 4,03%; tôm đạt 1,26 tấn, tăng 0,8%; thủy sản khác đạt 1,98 tấn, tăng 1,02%. Tính chung 8 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 3.050,36 tấn, tăng 4,23% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 3.014,12 tấn, tăng 4,28%; tôm đạt 9,28 tấn, tăng 2,20%; thủy sản khác đạt 26,96 tấn, tăng 0,33%.

Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 24,08 tấn, giảm 0,78% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 18,55 tấn, giảm 0,70%; tôm đạt 1,53 tấn, giảm 1,29%; thủy sản khác 4,0 tấn, giảm 0,99%. Tính chung 8 tháng  năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 188,75 tấn, tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 130,90 tấn, tăng 1,63%; tôm đạt 17,51 tấn, giảm 5,96%; thủy sản khác đạt 40,34 tấn, tăng 0,67%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng Tám tiếp tục xu hướng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tăng 10,15% so với tháng trước và tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 16,86% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 năm 2024 ước tính tăng 10,15% so với tháng trước và tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 4,62% và 0,04% ; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,25% và 0,44% ; sản xuất và phân phối điện tăng 15,19% và 3,72% , cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,03% và giảm 0,12%.

Trong chu kỳ 12 tháng IIP của tỉnh tăng giảm không đồng đều và ảnh hưởng chủ yếu là do ngành thủy điện, IIP tăng cao vào các tháng mùa mưa và giảm mạnh vào các tháng mùa khô.

Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 16,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 8,45%; ngành chế biến, chế tạo tăng 7,48%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 36,83% ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,55%. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 của một số ngành cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất điện tăng 36,83%; sản xuất giường, tủ bàn ghế tăng 23,6%; sản xuất đồ uống tăng 14%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,63%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,22%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ gường, tủ, bàn, ghế) tăng 10,15%;...Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm sâu so cùng kỳ năm trước: Khai thác than cứng và than non giảm 63,15%; khai thác quặng kim loại giảm 82,59%; khai thác than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 52,27%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tám tháng năm 2024 tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất (thủy điện) tăng 38,73%; điện thương phẩm tăng 8,88%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc trụ cột chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 5,54%; báo in tăng 7,53%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Than đá (than cứng) loại khác giảm 63,15%; sản phẩm in khác (quy khổ 13cm x 19cm) giảm 32,62%; giường bằng gỗ các loại giảm 9,18%; xi măng Portlan đen giảm 7,1%.

Như vậy trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất điện luôn biến động tăng giảm đột ngột, nguyên nhân do yếu tố khách quan của thời tiết và biến đổi khí hậu; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giữ vững đà tăng trưởng dương.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 tăng trưởng tương đối cao. Tuy nhiên tốc độ tăng giảm không đồng đều giữa các ngành, ngành khai khoáng bị giảm sâu do nhu cầu sử dụng đá giảm. Đặc biệt ngành thủy điện tăng cao do mùa mưa năm nay đến sớm, lượng mưa lớn, từ tháng 5 có thêm 01 nhà máy thủy điện phát điện thúc đẩy sản lượng điện tăng cao, ảnh hưởng tích cực đến chỉ số sản xuất chung của toàn ngành.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 giảm 0,05% so với tháng trước và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định và giảm 0,52%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,09% và 0,93%. Tính chung 8 tháng năm 2024 số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,67% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,15%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,71%) .

3. Đầu tư

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tháng Tám và 8 tháng năm 2024 tăng trưởng còn thấp, 8 tháng năm 2024 ước tính đạt 10.993,83 tỷ đồng, tăng 0,16% so với cùng kỳ năm trước (Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 51,42% kế hoạch và giảm 5,87% so với cùng kỳ năm trước).

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 năm 2024 ước đạt 324,05 tỷ đồng, tăng 1,29% so với tháng trước, giảm 11,26% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 225,20 tỷ đồng, tăng 1,32%, giảm 18,0%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 90,21 tỷ đồng, tăng 1,15%, tăng 10,98%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 8,64 tỷ đồng, tăng 1,85%, giảm 6,63%. 

Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.340,73 tỷ đồng, giảm 5,87% so với cùng kỳ năm trước và đạt 51,42% kế hoạch năm. Cụ thể: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.627,07 tỷ đồng, giảm 12,77% và đạt 53,34%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 655,13 tỷ đồng, tăng 16,64% và đạt 49,07%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 58,52 tỷ đồng, giảm 1,83% và đạt 35,15%.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 8/2024 ước đạt 1.508,69 tỷ đồng, tăng 1,03% so với tháng trước, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 685,17 tỷ đồng, tăng 1,41%, giảm 8,10% (vốn Trung ương quản lý đạt 322,29 tỷ đồng, tăng 1,48%, giảm 4,5%; vốn địa phương quản lý đạt 362,88 tỷ đồng, tăng 1,35%, giảm 11,08%); vốn ngoài Nhà nước đạt 823,52 tỷ đồng, tăng 0,71%, tăng 16,44%. 

Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 10.993,83 tỷ đồng, tăng 0,16% so với cùng kỳ năm trước và đạt 52,47% kế hoạch năm. Cụ thể: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 5.048,67 tỷ đồng, giảm 5,71%, đạt 51,41%  (vốn Trung ương quản lý đạt 2.429,28 tỷ đồng, giảm 4,86%, đạt 51,64%; vốn địa phương quản lý đạt 2.619,39 tỷ đồng, giảm 6,49%, đạt 51,19%); vốn ngoài Nhà nước đạt 5.945,16 tỷ đồng, tăng 5,76%, đạt 53,42%.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2024 ước giảm 7,25% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2024 ước tăng 9,81% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định trên địa bàn tỉnh.

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8 năm 2024 ước đạt 137,71 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước tám tháng năm 2024 đạt 963,91 tỷ đồng, giảm 7,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- Thu nội địa tháng 8 năm 2024 đạt 134,99 tỷ đồng; lũy kế tám tháng năm 2024 đạt 811,69 tỷ đồng (chiếm 84,21%), giảm 16,98% so với cùng kỳ năm trước.

- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 năm 2024 đạt 0,56 tỷ đồng; lũy kế tám tháng năm 2024 ước đạt 17,11 tỷ đồng (chiếm 1,77%), giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước. 

 - Thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp tháng 8 năm 2024 đạt 2,15 tỷ đồng; lũy kế tám tháng năm 2024 đạt 135,12 tỷ đồng (chiếm 14,02%), tăng 234,83% so với cùng kỳ năm trước. 

b) Chi ngân sách Nhà nước

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 8 năm 2024 ước đạt 1.080,58 tỷ đồng. Lũy kế tổng chi ngân sách Nhà nước tám tháng năm 2024 đạt 10.122,39 tỷ đồng, tăng 9,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.307,05 tỷ đồng (chiếm 32,67%), giảm 3,59%; chi thường xuyên đạt 6.809,52 tỷ đồng (chiếm 67,27%), tăng 17,72%.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả, vận tải

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2024 ước tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 94,81%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 111,14%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 ước đạt 2.289,17 tỷ đồng, tăng 1,08% so với tháng trước, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 36,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15,11%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 24,15%; may mặc tăng 18,68%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 111,87%; du lịch lữ hành tăng 135,37%. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 17.281,93 tỷ đồng, tăng 24,55% so với cùng kỳ năm trước.

* Bán lẻ hàng hoá 

Phân ngành hoạt động trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2024 và 8 tháng đầu năm 2024 như sau:

* Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 8 năm 2024 ước đạt 155,19 tỷ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 111,87% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 20,03 tỷ đồng, tăng 0,11% và 151,02%; dịch vụ ăn uống đạt 135,16 tỷ đồng, tăng 0,69% và 107,08%. Tính chung 8 tháng đạt 1.097,81 tỷ đồng, tăng 94,81% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 131,71 tỷ đồng, tăng 113,95%; dịch vụ ăn uống đạt 966,1 tỷ đồng, tăng 92,46%.

* Dịch vụ khác

Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 8 năm 2024 ước đạt 272,83 tỷ đồng, tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 10,64% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024 đạt 2.138,46 tỷ đồng, tăng 9,89% so với cùng kỳ năm trước.

b) Giá cả

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Tương đối ổn định và có mức giảm nhẹ so với tháng trước với mức giảm 0,21%. So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,14% và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân tám tháng năm 2024, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong mức giảm 0,21% của CPI tháng 8 năm 2024 so với tháng trước có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, 6 nhóm có chỉ số giá tăng và 2 nhóm có chỉ số bình ổn. 

(1) Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: 

- Nhóm giao thông giảm 2,62% do trong tháng Tập đoàn xăng dầu Việt Nam điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ dầu vào các ngày 01/8/2024; ngày 08/8/2024; ngày 15/8/2024 và ngày 22/8/2024 đã tác động làm giảm chỉ số một số mặt hàng, cụ thể: Xăng A95 III giảm 5,8%; dầu mỡ nhờn giảm 0,96%; dầu Diezel giảm 6,95% so với tháng trước. 

- Nhóm giáo dục giảm 0,11% do sách giáo khoa luôn là một trong những mặt hàng được phụ huynh quan tâm trước thềm năm học mới, thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm của nhà xuất bản, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định, việc hỗ trợ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu, sách giáo khoa năm 2023 tăng gần 10% thì thời điểm năm nay giá sách giáo khoa giảm hơn 13% so với năm trước. 

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%, cụ thể: Du lịch trong nước giảm 0,85%; du lịch nước ngoài giảm 0,53%; khách sạn giảm 0,73%; nhà khách giảm 1,64% so với tháng trước. Do tháng 8 thời gian nghỉ hè của học sinh đã gần kết thúc nên nhu cầu đi chơi và du lịch của các gia đình giảm đã tác động làm cho chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm.

(2) Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,23%, cụ thể:  Lương thực tăng 0,29% ; thực phẩm tăng 0,32% . Nguyên nhân: Là tháng cao điểm của mùa mưa, lượng mưa tương đối lớn gây ngập úng nhiều diện tích lúa, rau, hoa màu, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh luôn diễn biến phức tạp làm cho nguồn cung về lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu ở một số xã trên địa bàn tỉnh thiếu đã tác động làm chỉ số giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau tươi, khô và chế biến tăng. Cùng với đó, dịch tả lợn Châu Phi làm chết 227 con tại 8/10 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, một số loại bệnh như dịch tả cổ điển, tụ huyết trùng cũng có chiều hướng gia tăng đã tác động làm giá thịt lợn, thịt bò tăng; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,12%. 

-  Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25% do chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025 nhu cầu mua sắm các mặt hàng quần áo, giày dép tăng cao đã tác động làm giá một số mặt hàng trong nhóm tăng so với tháng trước.

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,04%, cụ thể: Vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính tăng 0,19%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác tăng 0,30%; Chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,02%; Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,09%. Ở chiều ngược lại giá dầu giảm 5,99% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04% do trong tháng thời tiết thay đổi thất thường trẻ nhỏ và người già có sức đề kháng kém dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa đã tác động làm giá một số loại thuốc tăng, cụ thể: Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,39%; hóc môn và các thuốc tác động vào hệ nội tiết tăng 0,57%; nhóm thuốc tác dụng lên đường hô hấp tăng 0,26%; vitamim và khoáng chất tăng 0,39%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,32%; một số mặt hàng khác tăng 0,23%.

- Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,27%, trong đó: Máy điện thoại cố định tăng 1,46%; máy điện thoại di động thông thường tăng 0,88%; máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng tăng 1,87% so với tháng trước. Nguyên nhân, năm học mới sắp bắt đầu, nhu cầu mua sắm một số mặt hàng trong nhóm của người dân tăng đã tác động làm tăng chỉ số giá sản phẩm so với tháng trước.

-  Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08%, cụ thể: đồ trang sức tăng 0,36%; đồng hồ đeo tay tăng 0,34%; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,46%, bên cạnh đó trong tháng có ngày rằm tháng 7 âm lịch nhu cầu mua sắm một số các mặt hàng thờ cúng tăng đã tác động làm tăng chỉ số giá nhóm vật dụng tang lễ, thờ cúng tăng 0,38%.

(3) Hai nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là Nhóm đồ uống và thuốc lá; Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình.

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 8 năm 2024 tăng 2,78% so với tháng trước, tăng 18,09% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,04% so với tháng 12 năm trước và tăng 104,61% so với kỳ gốc 2019. Bình quân tám tháng năm 2024 tăng 19,48%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8 năm 2024 giảm 0,44% so với tháng trước, tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,96% so với tháng 12 năm trước và tăng 8,58% so với kỳ gốc 2019. Bình quân tám tháng năm 2024 tăng 5,85%.

* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất: Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.

c) Hoạt động Vận tải

Trong tháng, tuy có ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn, nhiều tuyến đường lưu thông nội địa tỉnh bị gián đoạn nhưng với nhiều hình thức quảng bá, tuyên truyền du lịch tỉnh thông qua các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên đã góp phần thúc đẩy tham quan du lịch tăng cao; vận chuyển hàng hoá tiếp tục tăng, đặc biệt là lưu thông các mặt hàng nông sản theo mùa vụ nên doanh thu vận tải tăng nhẹ so với tháng trước.

Hoạt động vận tải trong tháng Tám ghi nhận mức tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hành khách tăng 104,72% và luân chuyển hành khách tăng 101,02%; vận chuyển hàng hóa tăng 22,92% và luân chuyển hàng hóa tăng 22,64%.

Tính chung 8 tháng năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 70,81% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 68,54%; vận chuyển hàng hóa tăng 16,34%, luân chuyển hàng hóa tăng 16,17%.

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi ước thực hiện tháng 8 năm 2024 đạt 175,12 tỷ đồng, tăng 1,55% so với tháng trước và tăng 40,19% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, doanh thu ước đạt 1.258,4 tỷ đồng, tăng 27,66% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 336,96 tỷ đồng, tăng 70,16%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 909,23 tỷ đồng, tăng 16,17%; doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 12,22 tỷ đồng, tăng 142,54%.

Vận tải hành khách tháng 8 năm 2024 ước đạt 461,52 nghìn hành khách, tăng 1,57% so với tháng trước, tăng 104,72% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 71,84 triệu lượt HK.km, tăng 1,73% so với tháng trước, tăng 101,02% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 3.034,62 nghìn hành khách vận chuyển, tăng 70,81% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 473,13 triệu lượt HK.km, tăng 68,54%.

Vận tải hàng hóa tháng 8 năm 2024 ước đạt 792,62 nghìn tấn, tăng 1,44% so với tháng trước, tăng 22,92% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 36,24 triệu tấn.km, tăng 1,49% so với tháng trước, tăng 22,64% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2024 vận tải hàng hóa đạt 5.923,82 nghìn tấn, tăng 16,34% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 269,8 triệu tấn.km, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm trước.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Tình hình đời sống dân cư

Đời sống các tầng lớp dân cư tỉnh Điện Biên trong tháng 8 năm 2024 nhìn chung khá ổn định. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh cũng luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm và chú trọng. Trong tháng, một số cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động tại các cấp được tiến hành để hiểu sâu hơn được thực trạng đời sống nhân dân và đưa ra được những giải pháp thích hợp. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh bắt đầu các hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ hè và chào đón năm học mới.

Trong tháng không xảy ra thiếu đói. Tính chung tám tháng năm 2024 tổng số hộ thiếu đói giáp hạt là 9.962 hộ, tổng số người được hỗ trợ là 44.940 người. Tổng số gạo được hỗ trợ là 674,1 tấn. 

2. Y tế

a) Tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch 

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng, trên địa bàn huyện Tuần giáo có 01 ổ dịch than với 07 ca mắc bệnh, không có người tử vong. Ổ dịch đã được điều tra, xác minh, chẩn đoán và triển khai các biện pháp xử lý kịp thời; Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng, tình hình sốt rét và sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh ổn định, không có bệnh nhân mắc sốt rét và sốt xuất huyết.

Công tác phòng chống dịch: Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động về phòng, chống dịch trên địa bàn. Tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, đặc biệt là dịch bệnh theo mùa và dịch bệnh lưu hành tại địa phương; duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư để chủ động đối phó với dịch. Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức giúp cho người dân hiểu và chủ động phòng chống dịch bệnh.  

b) Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS 

Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 30/7/2024, có 122/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.829 ca nhiễm HIV (07 ca mắc mới được phát hiện trong tháng); tích lũy số ca AIDS là 5.489 (không có ca nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS mới trong tháng); tử vong do AIDS lũy tích 4.196 ca (07 ca tử vong mới trong tháng). Tổng số ca nhiễm HIV được quản lý là 3.410 chiếm 93,9% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,52%.

c) Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm 

Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. 

Hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm: Thành lập các Tổ, đoàn kiểm tra chuyên ngành ATTP thực hiện kiểm tra đối với 242 cơ sở trên địa bàn. Kết quả có 238/242 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 98,3%).

Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy kế cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh là 1.963/2.004 cơ sở (chiếm 97,9%). 

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm. 

3. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục.

Đa số các chỉ tiêu phát triển giáo dục và đào tạo năm học 2023-2024 tiếp tục được duy trì đạt và vượt kế hoạch. Chỉ đạo thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đảm bảo đúng lộ trình kế hoạch.

Toàn ngành đã và đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Các điều kiện về đội ngũ, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, về sách giáo khoa cơ bản đã đáp ứng yêu cầu; các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ các cấp học, các lĩnh vực đã được triển khai. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thời gian năm học.

4. Văn hoá, thể thao và du lịch

a) Lĩnh vực văn hóa, gia đình

Hoạt động Tuyên truyền: Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan bằng các hình thức: Thực hiện 06 buổi xe tuyên truyền cổ động mặt đường, xây dựng các cụm pano, pano, băng zôn, khẩu hiệu, trên hệ thống loa phát thanh và xe thông tin lưu động. Tuyên truyền trên cổng TTĐT, tuyên truyền trên fanpage và facebook của các đơn vị,... Các huyện, thị xã, thành phố bám sát định hướng, nội dung tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền đa dạng về hình thức.

Các hoạt động trưng bày, triển lãm: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức triển lãm chuyên đề “Dấu ấn của Đại  tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ” tại tỉnh Quảng Bình.

Hoạt động văn nghệ quần chúng và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: 

Tham gia các hoạt động tại Hội thi diễn xướng dân gian văn hoá các dân tộc tại tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chào mừng các ngày lễ, Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại sân hành lễ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ: 03 cuộc, Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng 8 thành công (19/8/1945-19/8/2024); Chương trình giao lưu văn nghệ sáng 2/9 và 79 năm Ngày truyền thống ngành văn hoá Việt Nam (28/8/1945-28/8/2024).

Tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tại khu vực trung tâm thành phố và biểu diễn phục vụ cơ sở . Biểu diễn Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam  tỉnh Điện Biên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Hoạt động chiếu phim, phát hành sách: Tổ chức 08 buổi chiếu phim tại rạp; 02  buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục duy trì mở cửa các hiệu sách, thực hiện chương trình “Tuần lễ phát hành sách”, trưng bầy, giới thiệu sách chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn. Dự ước 8 tháng năm 2024: Tổ chức 81 buổi chiếu phim tại rạp; 45 buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; 735 buổi chiếu bóng vùng cao phục vụ 227 nghìn lượt người xem. 

Hoạt động thư viện: Trong tháng, bổ sung mới 1.203 bản sách; cấp và đổi 290 thẻ bạn đọc; phục vụ 32.915 lượt độc giả đến thư viện. Tổng số lượt tài nguyên thông tin được phục vụ 86.789 lượt; số lượt độc giả truy cập CSDL thư viện điện tử 4.265 lượt. Dự ước 8 tháng năm 2024 hệ thống thư viện công cộng đã nhập bổ sung 10.506 bản sách; thực hiện cấp thẻ cho 4.846 độc giả; phục vụ trên 253,74 nghìn lượt độc giả; số lượt độc giả truy cập CSDL thư viện điện tử 53,43 nghìn lượt; có trên 489,95 nghìn lượt tài nguyên thông tin được phục vụ.

Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong tháng, hai bảo tàng và các điểm di tích đón gần 27 nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó có 525 lượt khách nước ngoài. Tính chung tám tháng năm 2024 đón 1.041,76 nghìn lượt khách tham quan, tăng 1,95 lần so cùng kỳ năm trước (trong đó 5.199 lượt khách nước ngoài, tăng 4,57% so cùng kỳ năm trước).

b) Lĩnh vực thể dục thể thao

Tổ chức Giải Bóng rổ trẻ tỉnh Điện Biên tỉnh Điện Biên lần thứ III năm 2024; tổ chức Hội thi thể thao Người cao tuổi tỉnh Điện Biên năm 2024; tổ chức giải thể thao kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và kỷ niệm năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 02/9. Tham gia Giải Cầu lông, Bóng bàn gia đình toàn quốc tại Khánh Hoà.

Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh. Trong tháng duy trì tỷ lệ số người tham gia luyện tập thường xuyên ít nhất 01 môn thể thao là 33,64% tổng số dân trong tỉnh; tỷ lệ số gia đình thể thao là 22,64%, có 437 câu lạc bộ thể thao cơ sở trong toàn tỉnh.

c) Lĩnh vực du lịch

Dự ước tháng 8 năm 2024 đón khoảng 39,1 nghìn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 815 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 70,38 tỷ đồng. Tính chung tám tháng năm 2024 lượng khách du lịch đạt 1.454,2 nghìn lượt, tăng 2,07 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Khách quốc tế đạt 7.951 lượt, tăng 1,42 lần. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.628,08 tỷ đồng, tăng 2.2 lần so cùng kỳ năm trước. 

5. Tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm môi trường 

a) Tai nạn giao thông 

Từ 15/6/2024 đến 14/7/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông làm 04 người chết và bị thương 08 người , ước thiệt hại khoảng 67 triệu đồng. Nguyên nhân do người điều khiển không chú ý quan sát, đi sai làn đường, phần đường.

Lũy kế từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/7/2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 66 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 22 người chết, 72 người bị thương. So cùng kỳ năm trước: Số vụ tai nạn  tăng 13,79%; số người chết tăng 22,22%, số người bị thương tăng 12,5%. Nguyên nhân do vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện, người đi bộ sang đường sai quy định, vượt xe không đúng quy định, đi sai làn đường, phần đường; vi phạm về nồng độ cồn.

b) Cháy nổ

Từ 15/6/2024 đến 14/7/2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy khu vực để xe ô tô điện trẻ em, không có thiệt hại về người, ước giá trị thiệt hại khoảng 45 triệu đồng. Nguyên nhân cháy là do chập thiết bị điện của một trong số ô tô điện tại khu vực để xe. Lũy kế từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/7/2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 08 vụ cháy, tăng 14,29% so cùng kỳ năm trước; không có thiệt hại về người, ước thiệt hại khoảng 1.448 triệu đồng, tăng 3,21%. Nguyên nhân gây ra cháy là do sơ xuất về thiết bị điện và chập thiết bị điện của xe ô tô điện trẻ em.

c) Vi phạm môi trường

Trong tháng 8/2024 các cơ quan chức năng đã phát hiện 38 vụ vi phạm môi trường và xử lý 32 vụ với tổng số tiền phạt 105,33 triệu đồng, giảm 45,24% so với tháng trước và giảm 21,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024 đã phát hiện 390 vụ vi phạm môi trường và xử lý 338 vụ với tổng số tiền phạt là 1.717,38 triệu đồng, tăng 6,53% so với năm trước. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là phá rừng làm nương, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật. 

6. Thiệt hại do thiên tai 

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt và sạt lở làm 07 người chết; 03 người mất tích; 30 nhà bị cuốn trôi; 189 nhà bị hư hỏng; 260,8 ha lúa bị hư hỏng; 35,8 ha rau màu các loại bị hư hỏng; 250 con gia súc, 3.765 con gia cầm bị chết và cuốn trôi thiệt hại về giao thông, thủy lợi và một số thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 75,12 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ từ nhà nước và các nguồn kêu gọi ủng hộ được hơn 9 tỷ đồng. 

Tính chung 8 tháng năm 2024 thiên tai làm 09 người chết, 03 người mất tích, 11 người bị thương; 4.224 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi (trong đó: 401 con gia súc); 839,63 ha lúa và 51,26 ha rau màu bị hư hỏng; 826 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại, 3,4 ha thủy sản bị thiệt hại; 30 nhà bị cuốn trôi, 1.221 nhà bị hư hỏng; thiệt hại về giao thông, thủy lợi và một số thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 124,89 tỷ đồng, tăng 94,38% so với cùng kỳ năm 2023.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây