Tự hào Thống kê Việt Nam - 75 năm xây dựng và phát triển

Thứ năm - 29/04/2021 13:55
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, ngành Thống kê Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đã khẳng định được vai trò, vị trí, uy tín đối với Đảng, Nhà nước, người dùng tin trong nước và quốc tế. Quá trình hình thành và phát triển của ngành Thống kê luôn gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta cho rằng “Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã viết “số liệu thống kê không phải là con số chết, mỗi con số thống kê đều có ý nghĩa của nó; tình hình nước mình thể hiện trong con số, tương lai ở trong con số, kế hoạch cũng ở trong con số”… Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, bộ máy chính quyền các cấp hình thành và đi vào hoạt động với các nhiệm vụ trọng tâm là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Yêu cầu đối với công tác thống kê khi đó rất lớn, do đó việc phải hoàn thiện tổ chức bộ máy thống kê là thực sự cần thiết.

Với nhận thức và yêu cầu của thực tiễn cách đây tròn 75 năm, ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Bộ Quốc dân kinh tế trong đó có Nha Thống kê Việt Nam - tổ chức tiền thân của ngành Thống kê nước ta ngày nay. Từ đó, ngày 06/5 hằng năm được coi là ngày Kỷ niệm thành lập ngành Thống kê Việt Nam. Ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 510/QĐ-TTg lấy ngày 06 tháng 5 hằng năm là ngày Thống kê Việt Nam. Đây là niềm vinh dự, tự hào của tất cả những người làm công tác thống kê trên khắp mọi miền Tổ quốc. Điều này cho thấy sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với những đóng góp to lớn của ngành Thống kê, của những người làm công tác thống kê trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
tu hao thong ke viet nam 75 nam xay dung va phat trien
 
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trao thi đua năm 2020

Thống kê Việt Nam - chép sử bằng những con số

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, ngành Thống kê Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đã khẳng định được vai trò, vị trí, uy tín đối với Đảng, Nhà nước, người dùng tin trong nước và quốc tế. Quá trình hình thành và phát triển của ngành Thống kê luôn gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước.

Giai đoạn đầu khi mới thành lập, từ 1946-1954, Nha Thống kê (sau này là Phòng Thống kê) triển khai nhiều cuộc điều tra nhỏ, bước đầu thực hiện chế độ báo cáo định kỳ để thu thập, xử lý số liệu thuộc nhiều lĩnh vực. Những thông tin thu thập trong thời kỳ này chủ yếu là báo cáo về nông nghiệp, nhất là thống kê đất đai; đồng thời tiến hành thống kê công, thương nghiệp ở vùng tự do. Có thể nói, thời kỳ 1946 - 1954, trong điều kiện khó khăn nhiều mặt và có những hạn chế nhất định nhưng hoạt động thống kê Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu: Tổ chức bộ máy hình thành, nội dung và phương pháp thống kê phù hợp với điều kiện kháng chiến, sản phẩm thống kê bám sát yêu cầu của các ngành, các cấp. Nhờ đó, ngay từ khi mới ra đời, tuy hoạt động chủ yếu trong thời chiến, nhưng ngành Thống kê Việt Nam đã góp phần quan trọng cung cấp thông tin số liệu và tình hình kinh tế - xã hội các vùng, các địa phương, phục vụ yêu cầu của Trung ương Đảng và Chính phủ trong công tác lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc.

Giai đoạn từ 1955-1975, ngành Thống kê đã tổ chức nhiều cuộc điều tra thống kê, đặc biệt tiến hành nhiều cuộc điều tra chuyên đề phục vụ cho yêu cầu công tác quản lý trong thời chiến.

Từ năm 1958, ngành Thống kê đã tính toán và cung cấp nhiều chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, số lượng chỉ tiêu cung cấp ngày càng nhiều để phục vụ cho yêu cầu kiểm tra thực hiện kế hoạch 3 năm, cải tạo và phát triển kinh tế, trong đó đáp ứng yêu cầu cải tạo đối với các thành phần kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư doanh, phát triển thành phần kinh tế quốc doanh. Đến đầu những năm 60, ngành Thống kê đã tính được các chỉ tiêu thống kê tổng hợp quan trọng như chỉ tiêu giá trị tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, đây là những chỉ tiêu rất quan trọng trong việc tính toán cân đối nền kinh tế quốc dân.

Giai đoạn 1961-1965, ngành Thống kê đẩy mạnh thực hiện chế độ báo cáo thống kê và thực hiện nhiều cuộc điều tra. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngày càng được mở rộng để thu được số liệu đầy đủ và chi tiết hơn, các chỉ tiêu thống kê được phân theo thành phần kinh tế (quốc doanh, công tư hợp doanh, cá thể), phân theo Trung ương, địa phương,... Qua đó, các số liệu thống kê phản ánh tương đối đầy đủ kết quả của quá trình phát triển kinh tế và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong các ngành kinh tế, tình hình hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tiến độ sản xuất và xây dựng, nhất là trong các ngành kinh tế trọng điểm.

Từ năm 1964, ngành Thống kê đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản tổ chức xét duyệt hoàn thành kế hoạch Nhà nước, làm báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước hàng năm của các ngành, các địa phương và các đơn vị kinh tế trọng điểm của Nhà nước... Trong giai đoạn này, ngành Thống kê đã sưu tầm, khai thác và biên soạn các báo cáo và hệ thống số liệu thống kê có giá trị như: Thông báo tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước hàng năm; Thông báo tình hình khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa; 3 năm khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa (xuất bản năm 1959); 5 năm xây dựng kinh tế và văn hóa của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (xuất bản năm 1960), số liệu thống kê năm 1961, 1962, số liệu thống kê 1963, 1964, 1965... cung cấp cho các cơ quan quản lý của Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin của các cấp, các ngành.

Bước sang giai đoạn 1966-1975, nhiệm vụ chiến lược của đất nước là bảo đảm thực hiện các mục tiêu cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại. Ngành Thống kê đã phân tích, đánh giá và phản ánh được quá trình củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Thực hiện cuộc vận động 3 xây 3 chống, cải tiến quản lý hợp tác xã, đề xuất được một số kiến nghị về cải tiến quản lý các xí nghiệp nói riêng và quản lý kinh tế nói chung trong các khâu sản xuất, lưu thông phân phối, quản lý thị trường, giá cả,... Những nội dung báo cáo thống kê cũng đã đáp ứng được các yêu cầu tăng cường lực lượng quốc phòng.

Trong thời kỳ này, ngành Thống kê đã tổ chức nhiều cuộc điều tra thống kê, đặc biệt có nhiều cuộc điều tra chuyên đề phục vụ cho yêu cầu công tác quản lý trong thời chiến. Số liệu thu được từ hệ thống báo cáo thống kê định kỳ cùng với kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra thống kê đã cung cấp cho Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành ngày càng nhiều thông tin với chất lượng ngày càng cao về tình hình kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 1976-1986, ngành Thống kê đã triển khai thực hiện chế độ báo cáo nhanh trên phạm vi cả nước đối với tất cả các ngành; đồng thời thực hiện báo cáo thống kê định kỳ chính thức sau khi nước nhà thống nhất. Hệ thống chỉ tiêu báo cáo chính thức đã phản ánh đầy đủ các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội và kế hoạch Nhà nước hàng năm và các kế hoạch 5 năm.

Đối với các tỉnh phía Nam, ngay từ năm đầu giải phóng, để có thông tin phục vụ kịp thời yêu cầu của Trung ương và địa phương, ngành Thống kê còn triển khai cấp tốc các cuộc điều tra như: Kiểm kê tài sản trong các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan nhà nước quản lý vào 0 giờ ngày 01/4/1976, điều tra tình hình cơ bản về đất đai (1978), điều tra tình hình phát triển dân số, điều tra công nhân viên chức và lao động xã hội, điều tra tình hình sở hữu ruộng đất trong nông nghiệp, điều tra toàn diện đối với hợp tác xã, tổ sản xuất, tập đoàn và hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, ở hầu hết các tỉnh phía Nam còn tổ chức điều tra thu thập một số thông tin cần thiết khác phục vụ lãnh đạo địa phương. Công tác điều tra thống kê tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải,… đặc biệt đã tiến hành Tổng điều tra dân số lần đầu tiên vào năm 1979.

Việc thu thập thông tin thống kê bằng các hình thức báo cáo nhanh, báo cáo chính thức và điều tra thống kê đã giúp cho Ngành có được hệ thống chỉ tiêu thống kê tổng hợp và kịp thời nắm được những diễn biến về tình hình kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, đã tập trung phân tích những yếu tố và nguyên nhân dẫn đến những chỉ tiêu hoàn thành và không hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Tuy còn có những hạn chế nhất định nhưng báo cáo thống kê kinh tế tổng hợp hàng năm của Ngành đều được đánh giá cao và có vị trí quan trọng trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước của Chính phủ.

Thống kê Việt Nam - đổi mới và hội nhập

Từ năm 1986 tới nay, Tổng cục Thống kê đã trải qua chặng đường 35 năm gắn liền với sự phát triển và lớn mạnh của đất nước. Đây là thời kỳ Thống kê Việt Nam có nhiều thay đổi trên tất cả các mặt, từ hệ thống tổ chức đến môi trường pháp lý, chuyên môn nghiệp vụ, … .

Sự ra đời của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê (năm 1988), Luật Thống kê (năm 2003), Luật Thống kê sửa đổi (năm 2015) và sắp tới đây, Tổng cục Thống kê trình sửa đổi Luật Thống kê (năm 2015), cùng với đó là sự ra đời của các Nghị định, Thông tư dưới luật… cho thấy đã có bước tiến lớn trong việc củng cố môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Cùng với hệ thống văn bản pháp lý, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, và sắp tới đây, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021,…và nhiều Đề án quan trọng khác được phê duyệt là những căn cứ quan trọng, tầm nhìn chiến lược, định hướng lâu dài cho Thống kê Việt Nam tiếp tục phát triển ngày một vững chắc trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.

Sự chuyển đổi sâu sắc của cơ chế quản lý, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và các cuộc cách mạng khoa học công nghệ yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương,… đòi hỏi hoạt động thống kê phải liên tục cập nhật, nghiên cứu, đổi mới phương pháp luận theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Một số đổi mới căn bản về phương pháp luận thời kỳ này phải kể đến: Áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) thay thế hệ thống bảng cân đối vật chất (MPS), biên soạn các chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế vĩ mô, đảm bảo so sánh quốc tế như (GDP, GNI,…), đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP),… Ngoài ra, nhiều chuyên ngành thống kê được nghiên cứu, chuyển đổi theo hướng vận dụng các phương pháp luận quốc tế vào thực tiễn Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu thử nghiệm sử dụng dữ liệu lớn (Big data) vào thu thập chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá bất động sản, ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào truy xuất nguồn gốc chăn nuôi hay nghiên cứu để làm rõ khái niệm, phạm vi, nguồn thông tin và cách thức thu thập các chỉ tiêu phản ánh kinh tế số, chỉ tiêu logistic,…

Cùng với nghiên cứu, đổi mới phương pháp luận thống kê, hoạt động thu thập, xử lý thông tin thống kê cũng ngày càng hiện đại thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn xử lý, thu thập dữ liệu thống kê. Điều tra, giám sát thu thập thông tin thống kê bằng thiết bị điện tử cầm tay, điều tra trực tuyến,… là những hình thức hiện đại và thu được hiệu quả cao, là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tích cực đến nâng cao chất lượng thông tin thống kê. Việc áp dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh, công nghệ chuỗi khối, dữ liệu mảng,… vào xử lý số liệu các cuộc điều tra, tổng điều tra, cũng như việc ứng dụng các phần mềm chuyên dùng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin, tăng độ chính xác của thông tin tổng hợp. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ cũng góp phần tăng cường hiệu quả xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp, phục vụ tốt việc khai thác chi tiết và sử dụng số liệu lâu dài. Công tác phổ biến thông tin và các hoạt động, kiến thức thống kê cũng được Tổng cục Thống kê đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, các sản phẩm thông tin thống kê ngày càng đa dạng như: Ấn phẩm, đĩa mềm, đĩa CD, file dữ liệu, đồ họa thông tin, video clip, file MP3,… Hình thức phổ biến thông tin cũng phong phú hơn như: Trên website, bảng Led điện tử, họp báo, thông cáo báo chí,… Nhờ đó, thông tin thống kê đến với công chúng rộng mở hơn, vị thế của ngành Thống kê ngày càng được khẳng định.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, quan hệ hợp tác giữa Thống kê Việt Nam với thống kê các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế ngày càng mở rộng. Tổng cục Thống kê tham gia tích cực vào các hoạt động thống kê quốc tế như: Thống kê Liên hợp quốc, thống kê ASEAN; chủ động tích cực, tham gia thường xuyên và có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy hoạt động thống kê của khu vực ASEAN, ESCAP, Đông Á,… Thống kê Việt Nam cũng hợp tác song phương hiệu quả với thống kê nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như: Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, I-ta-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành Thống kê luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Biên soạn và cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin kinh tế - xã hội, những bằng chứng xác thực giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng, giám sát và đánh giá thực hiện Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các bộ, ngành và địa phương. Thống kê chính là công cụ quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp ban hành các quyết sách lớn, quan trọng; đồng thời phản ánh, đánh giá trung thực, khách quan thực trạng kinh tế - xã hội, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành đảm bảo thực hiện theo mục tiêu đã đề ra. Những cố gắng, nỗ lực và đóng góp của ngành Thống kê Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số năng lực thống kê Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Năm 2010, chỉ số này của thống kê Việt Nam đạt 64,44 điểm, đến năm 2020 tăng lên 74,44 điểm; chỉ số phương pháp luận thống kê năm 2010 đạt 30 điểm, đến năm 2020 tăng thêm 20 điểm (đạt 50 điểm).

Thành tựu của ngành Thống kê trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương; sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thống kê các nước trong khu vực và trên thế giới; sự hợp tác cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, thành tựu to lớn này đạt được là nhờ lòng yêu ngành, yêu nghề, sự phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua bao khó khăn, vất vả của biết bao thế hệ công chức, viên chức và người lao động ngành Thống kê.

Với những thành quả đạt được trong 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và xã hội tôn vinh. Nhiều đơn vị, và cá nhân trong Ngành đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý. Toàn ngành Thống kê đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2006), hai lần nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1996 và năm 2011), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2016).

Kế thừa và phát huy những thành tựu và kết quả đạt được trong 75 năm qua, trong thời gian tới, ngành Thống kê sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để phát triển nhanh và vững chắc. Để làm được điều đó, toàn ngành Thống kê sẽ tập trung vào thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau: (1) Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; (2) Xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; (3) Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; (4) Đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê; (5) Đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê; (6) Mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong công tác thống kê; (7) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; (8) Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê; (9) Tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê.

Nhiệm vụ của ngành Thống kê trong giai đoạn mới tuy rất nặng nề song đầy vinh dự và tự hào. Với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức và cơ quan thống kê quốc tế và nỗ lực của công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành, nhất định ngành Thống kê sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy thành quả và truyền thống tốt đẹp trong 75 năm qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN vào năm 2030 và trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới vào năm 2045./.
 TS. Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây