Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số đối với đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia với 222 chỉ tiêu được phân tổ thành 20 nhóm, bao gồm 23 chỉ tiêu thống kê phản ánh chuyển đổi số, nền kinh tế số và xã hội số.
Cụ thể hóa tiêu chí đo lường
Các chỉ tiêu kinh tế số quy định trong dự thảo Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; dung lượng băng thông Internet quốc tế; tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động; tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng di động; lưu lượng Internet băng rộng…
Trong 23 chỉ tiêu thống kê, Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm 9 chỉ tiêu; Bộ Y tế chịu trách nhiệm 1 chỉ tiêu; Bộ Công thương chịu trách nhiệm 1 chỉ tiêu; Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chịu trách nhiệm 12 chỉ tiêu.
Bà Dương Thị Kim Nhung, Phó Vụ trưởng Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, dự thảo Phụ lục – Danh mục mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã quy định chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP”. Đây là chỉ tiêu quan trọng để đo lường quy mô của nền kinh tế số.
Dưới góc độ kỹ thuật, việc xác định, đo lường quy mô của nền kinh tế số hay sự đóng góp của kinh tế số trong GDP là công việc khó khăn, là chỉ tiêu tổng hợp rất khó.
Để biên soạn được chỉ tiêu này đòi hỏi ngành thống kê cần phải nỗ lực, chủ động xác định nguồn dữ liệu hiện có cũng như xây dựng phương án thực hiện khả thi… Trước mắt, cần tập trung biên soạn và công bố chính thức quy mô kinh tế số theo phạm vi lõi bao gồm: giá trị gia tăng của ngành công nghệ thông tin - truyền thông và tổng số việc làm trong ngành này.
Nghiên cứu và xác định nguồn thông tin để tính kinh tế số theo phạm vi hẹp, phạm vi rộng, quy mô kinh tế số được xác định thông qua giá trị gia tăng của các giao dịch số và đóng góp của công nghệ thông tin – truyền thông vào giá trị gia tăng (chứ không phải doanh thu) của các ngành, lĩnh vực kinh tế số.
Thí dụ, ngành thương mại điện tử có giá trị gia tăng được tạo ra từ các giao dịch số như: đặt hàng trên nền tảng số; giao hàng trên nền tảng số; hoạt động của các nền tảng số (platform-enabled). Lựa chọn các chỉ tiêu cốt lõi, phản ánh toàn diện nhất về kinh tế số ở tầm vĩ mô để quy định trong Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số.
Đây là bức tranh tổng thể về đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế và tác động của kinh tế số đối với xã hội, đồng thời cũng là cơ sở phân công trách nhiệm đối với bộ, ngành có liên quan trong thu thập, tổng hợp và công bố chỉ tiêu kinh tế số. Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số phải được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm phản ánh toàn diện đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế cũng như tác động của kinh số đối với đời sống xã hội…
Kinh nghiệm quốc tế
Đại hội Đảng XIII đã xác định kinh tế số là 1 trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới: Đến năm 2025, kinh tế số phải khoảng 20% GDP, và đạt khoảng 30% vào đến năm 2030.
Hiện chưa có đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá quy mô kinh tế số Việt Nam. Tại báo cáo Đo lường quy mô kinh tế số - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam do Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố tháng quý III/2021, Nhóm tác giả chỉ ra: Quy mô kinh tế số chưa rõ là tính theo doanh thu hay giá trị gia tăng, chỉ bao gồm ngành công nghệ thông tin – truyền thông hay cả các ngành/lĩnh vực khác có ứng dụng công nghê thông tin.
Nếu tính theo doanh thu của 6 ngành thuộc ngành công nghệ thông tin – truyền thông năm 2020 thì quy mô kinh tế số Việt Nam (dù là theo nghĩa hẹp nhất về kinh tế số như nêu trên) đã lên tới 38% GDP. Nếu tính theo giá trị gia tăng (doanh thu trừ chi phí trung gian và giá trị đầu vào nhập khẩu) của các ngành công nghệ thông tin – truyền thông thì đóng góp của ngành này chỉ khoảng 6-8% GDP (tương đương mức công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông là 8,2%GDP).
Đây cũng là vấn đề mà nhiều nước OECD, Trung Quốc đã gặp phải khi chưa xác định chính xác, đầy đủ về phương pháp luận, cách tính và chỉ tiêu đo lường kinh tế số. Nếu tính theo doanh thu của ngành công nghệ thông tin – truyền thông thì quy mô kinh tế số của Ireland lên tới 87% GDP và Trung Quốc lên tới 32% GDP, nhưng nếu tính theo giá trị gia tăng thì chỉ khoảng 12,5% và 6% GDP.
Từ thực tế này, việc sớm xây dựng bộ tiêu chí thống kê, đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế là rất cần thiết để có thể xác định phạm vi, đo lường chính xác, đầy đủ hơn quy mô kinh tế số và bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các chiến lược, chương trình của Chính phủ về phát triển kinh tế số. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ hai diễn ra từ ngày 20/10.
Tác giả bài viết: TÔ HÀ
Nguồn tin: https://nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn