Cần thiết phải sửa đổi
Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 đã được thực hiện khẩn trương và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Danh mục này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thực hiện trong thời kỳ 2016 - 2020. Danh mục đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu so sánh quốc tế; đáp ứng nhiều hơn nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và quốc tế. Do số lượng chỉ tiêu giảm so với trước, nên việc thu thập tổng hợp, công bố nhanh hơn, chính xác, nghiêng về chất lượng hơn… qua đó đáp ứng được nhu cầu thông tin tốt hơn. Kết quả tích cực đó góp phần làm cho “ngũ giác” mục tiêu (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp, môi trường) của Việt Nam thời kỳ 2016 - 2020 phù hợp với thực tế, làm cho các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), chiến lược 10 năm (2021 - 2030) vừa thể hiện quyết tâm cao, vừa có tính khả thi.
Bên cạnh đó, danh mục còn có một số hạn chế. Một số chỉ tiêu thiếu tính khả thi, chưa thật cần thiết hoặc không còn cần thiết trong điều kiện mới cần được bỏ bớt. Một số chỉ tiêu về tên gọi, nội hàm không còn phù hợp thực tiễn hay chuẩn mực quốc tế cũng cần được sửa đổi. Quan trọng hơn là cần bổ sung những chỉ tiêu phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn và xu hướng phát triển mới của đất nước, gồm các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, logistics, đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, mức độ ứng dụng công nghệ (chữ ký số), năng lực cạnh tranh quốc gia; phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia…
Các nguyên tắc cơ bản để sửa đổi, bổ sung
Việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định.
Một là, chỉ tiêu được sửa đổi, bổ sung quy định tại danh mục phải phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế; phản ánh, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách trong bối cảnh mới. Đó là những thông tin, số liệu về kinh tế - xã hội chủ yếu ở tầm quốc gia phản ánh các nội dung của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng Công nghiệp 4.0, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới; kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm và quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Hai là, chỉ tiêu phải bảo đảm tính khả thi - tức là chỉ tiêu phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trong thực tế. Đơn cử, sẽ bỏ chỉ tiêu “Chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị”, vì hiện nay dữ liệu không đầy đủ, không đồng nhất nên việc tính toán chỉ số này không khả thi.
Ba là, phải bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc.
Ngoài những nguyên tắc chung trên, đối với chỉ tiêu cụ thể thì việc xác định, lựa chọn từng chỉ tiêu cũng bảo đảm nguyên tắc SMART. Theo đó, S (Simply): Đơn giản (dễ phân tích và dễ sử dụng); M (Measurable): Có thể đo lường được (dễ xác nhận số liệu thống kê, tái sản xuất và thể hiện rõ xu hướng); A (Accessible): Có thể tiếp cận (được giám sát định kỳ, hiệu quả và nhất quán); R (Reference): Tương thích (trực tiếp đáp ứng những vấn đề hoặc những mục đích và thống nhất); T (Timely): Kịp thời (cung cấp những cảnh báo sớm về các vấn đề tiềm năng).
Cùng với nguyên tắc cơ bản, các đặc điểm quan trọng khác cần được ngành thống kê cân nhắc chỉnh sửa, bổ sung các chỉ tiêu. Đó là: Có thể sử dụng với tất cả các bên liên quan; thích hợp với các khung quốc tế hiện hành; tính toàn cầu; định hướng hành động; rõ ràng, thống nhất về khái niệm; thích ứng rộng rãi với thông tin hệ thống; được xây dựng từ những nguồn dữ liệu tin cậy; được phân loại; tập trung kết quả nếu có thể; cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp số liệu; chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị có liên quan; tính sẵn có về số liệu của từng chi tiêu.
Một số kiến nghị cụ thể
Bỏ bớt so với danh mục hiện hành các chỉ tiêu không thật cần thiết như: Giá trị tăng thêm trên 01 đồng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp; GDP xanh (có thể cài đặt trong chỉ tiêu tốc độ tăng GDP); Chỉ số giá xây dựng; diện tích rừng được bảo vệ.
Bổ sung một số chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, Chi phí logistics so với tổng sản phẩm trong nước, Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước, Tỷ lệ tổng phương tiện thanh toán so với tổng sản phẩm trong nước, Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu, Tỷ lệ nghèo đa chiều, Tổng số chứng thư số đang hoạt động, Chi cho chuyển đổi số…
Đào Ngọc Lâm
Nguyên Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ, Tổng cục Thống kê
Nguồn tin: https://www.daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn