TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 7 VÀ 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

Thứ hai - 31/07/2023 16:14

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Tháng Bẩy, trên địa bàn tỉnh có nhiều ngày mưa, có nơi mưa to tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân tranh thủ đẩy nhanh tiến độ sản xuất, gieo trồng các loại cây nông nghiệp vụ mùa; đồng thời tiếp tục thu hoạch một số cây hoa mầu vụ xuân, tập trung chăm sóc đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng; nuôi trồng, khai thác thủy sản ngày càng phát triển. 

a) Nông nghiệp

* Trồng trọt

* Sản xuất lúa Mùa: Tính đến trung tuần tháng Bẩy toàn tỉnh đã gieo cấy được 42.619,97 ha , giảm 5,72% so với cùng kỳ năm trước, đạt 95,20% kế hoạch. Nguyên nhân giảm: (1) hệ thống kênh mương, nước tưới tiêu chưa cung cấp đủ, một số chân ruộng đang chờ nước để gieo cấy; (2) diện tích lúa thu hoạch vụ Đông Xuân của 5/10 huyện vùng cao muộn ảnh hưởng tiến độ gieo cấy lúa vụ Mùa.

* Các loại cây hàng năm khác: Tính đến trung tuần tháng Bẩy toàn tỉnh đã gieo trồng được 1.847,07 ha  cây hoa màu các loại, tăng 46,54% so với cùng kỳ năm trước do các huyện đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cho kịp lịch thời vụ.

* Các loại cây nông nghiệp lâu năm: Tập trung chăm sóc những diện tích hiện có để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh việc chăm sóc các loại cây trồng bà con nông dân tranh thủ thu hoạch sản phẩm một số cây như chè, chuối, dứa, hồng xiêm…

* Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Trong tháng các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời ngăn chặn không để sâu, bệnh hại trên cây trồng lây lan ra diện rộng. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 4.327,55 ha, giảm 999,95 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cây lúa 2.304,45 ha (giảm 1.630,4 ha); cây ngô 299,60 ha; cây ăn quả 763,50 ha; cây rừng (thông, keo, tre luồng) 315,50 ha; cây cà phê 637,80 ha. Diện tích phòng trừ 9.064,30 ha. 

* Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Đàn trâu, đàn bò vẫn luôn được trú trọng phát triển, các chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống và đầu tư chuồng trại vẫn tiếp tục được quan tâm giúp các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất. 

Từ ngày 15/6/2023 đến ngày 15/7/2023 xuất hiện một số bệnh rải rác trên địa bàn tỉnh như bệnh tụ huyết trùng, dịch tả lợn Châu Phi, nhiệt thán trên trâu bò. Trong tháng thực hiện công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm với 150.230 liều vắc xin Tụ huyết trùng và nhiệt thán cho trâu bò; 125.500 liều vắc xin dịch tả cho lợn; 276.200 liều vắc xin cúm gia cầm H5N1; 2.026 liều vắc xin phòng bệnh dại; kiểm dịch vận chuyển được 689 con lợn và 413,5 kg thịt trâu, bò; kiểm soát giết mổ được 297 con trâu, bò và 4.059 con lợn.

Dự ước số lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước: Trâu 812 con, tăng 4,37%; bò 871 con, tăng 4,56%; lợn 22.966 con, tăng 3,41%.

Số con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng đều tăng do nhu cầu tiêu dùng trong dân, mặt khác trọng lượng bình quân thịt hơi xuất chuồng trên con của đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ năm trước nên sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng. Mặc dù giá nhiều sản phẩm chăn nuôi tăng, xong giá thức ăn,…(chi phí đầu vào) cho chăn nuôi khá cao, đã làm tăng chi phí trung gian, và giảm giá trị tăng thêm.

b) Lâm nghiệp

Trong tháng  toàn tỉnh không có vụ cháy rừng xảy ra; tuy nhiên, hiện tượng phá rừng và vi phạm quy định QLBVR vẫn còn. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ tại 3/10 huyện, thị xã, thành phố với diện tích phá là 5,37 ha. Khai thác rừng trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến lâm sản trái pháp luật 12 vụ. Cơ quan chức năng thu giữ 4,14 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trong tháng 128,37 triệu đồng.

Cây lâm nghiệp phân tán trong tháng 7 thực hiện trồng được 208,23 nghìn cây, chủ yếu được trồng tại huyện Điện Biên, huyện Nậm Pồ.

Trong tháng dự ước khai thác được 895 m3 gỗ, giảm 4,79% so với thực hiện cùng kỳ năm trước; củi khai thác được 65.246 ste, giảm 0,20%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 6.876 m3, giảm 5,12%; sản lượng củi khai thác đạt 469.654 ste, giảm 0,54%. 

c) Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển tốt, dự ước toàn tỉnh có 2.741,27 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (nuôi cá 2.739,77 ha). Mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước, mô hình nuôi cá bể bồn tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với 2.205 m3 cá hồi. Tổng số lượng lồng bè hiện có trên địa bàn tỉnh là 275 lồng với tổng thể tích 42.542 m3, tăng 18 lồng so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản tháng 7/2023 ước đạt 409,76 tấn, tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 399,3 tấn, tăng 3,27%; tôm đạt 2,83 tấn, giảm 0,35%; thủy sản khác đạt 7,63 tấn, giảm 1,17%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 2.724,51 tấn, tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.640,21 tấn, tăng 3,61%; tôm đạt 24,43 tấn, giảm 1,53%; thủy sản khác đạt 59,87 tấn, giảm 1,07%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 7/2023 ước tính đạt 389,85 tấn, tăng 3,36% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 385,4 tấn, tăng 3,39%; tôm đạt 1,21 tấn, tăng 0,83%; thủy sản khác 3,24 tấn, tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 2.564,70 tấn, tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 2.531,83 tấn, tăng 3,72%; tôm đạt 7,98 tấn, tăng 0,88%. 

Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 7/2023 dự ước đạt 19,91 tấn, giảm 0,6% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 13,9 tấn, tăng 0,07%; tôm đạt 1,62 tấn, giảm 1,22%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 159,81 tấn, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 108,38 tấn, tăng 1,10%; tôm đạt 16,45 tấn, giảm 2,66%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 7/2023 ước tăng 4,02% so với tháng trước và giảm 25,99% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 11,64% so với cùng kỳ năm trước. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 ước tăng 4,02% so với tháng trước và giảm 25,99% so với cùng kỳ năm trước đây. Trong đó: ngành khai khoáng giảm 12,29% và giảm 1,83% ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chế tạo giảm 2,26% và tăng 13,99% ; ngành sản xuất và phân phối điện  tăng 16,68% và giảm 50,69% (dự tính trong tháng 7 thời tiết mưa nhiều hơn tháng trước; lưu lượng nước ở các hồ chứa sẽ tăng trở lại); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,78% và giảm 0,13%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp  ước tính giảm 11,64% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,58%), cũng là mức giảm sâu nhất trong năm năm gần đây . Trong đó, ngành khai khoáng giảm 11,13% (nguyên nhân giảm mạnh do ngành khai thác than giảm 15,45%, do đầu năm 2022 mỏ than mới quay trở lại hoạt động, sản lượng tối đa; năm nay hoạt động khai thác ổn định, sản lượng được duy trì; ngành khai khoáng khác giảm 11,11%, nguyên nhân do mỏ đá của công ty Trường Thọ tại Tủa Chùa phải tạm ngừng khai thác do lượng đá tồn kho lớn. Mỏ của công ty Hoàng Ánh và Công ty Duy Hồng cũng giảm sản lượng khai thác do đá khai thác ra phục vụ chủ yếu nhu cầu trong địa bàn huyện. Trong tháng 2, 3 mỏ đá của công ty Hưng Long ngừng hoạt động để sửa chữa dây chuyền nghiền đá, đây là mỏ đá có công suất lớn, sản lượng chiếm tỷ trọng lớn nên ảnh hưởng đến chỉ số chung của toàn ngành); ngành chế biến, chế tạo tăng 12,21%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 41,12% do nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, lưu lượng nước ở các lòng hồ giảm sâu không đủ nước cho các thủy điện vận hành; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,59%.

Chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2023 của một số ngành công nghiệp cấp II giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất điện giảm 41,12%; khai thác than cứng và than non giảm 15,45%; khai khoáng khác giảm 11,11%; sản xuất trang phục giảm 12,05%. Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành tăng cao so cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 90,21%; sản xuất đồ uống tăng 23,63%; sản xuất than cốc tăng 20,59%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 16,34%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,87%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ gường, tủ, bàn, ghế) tăng 12,66%; khai thác quặng kim loại tăng 12%; sản xuất gường, tủ, bàn ghế tăng 9,59%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,76%. 

Một số sản phẩm công nghiệp trong 7 tháng đầu  năm 2023 giảm sâu so cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất giảm 43,98%; sản phẩm in khác (quy khổ 13cm x19cm) giảm 21,62%; than đá (than cứng) loại khác giảm 15,45%; đá xây dựng khác giảm 12,07%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Giường bằng gỗ các loại tăng 34,91%; than cốc và bán cốc luyện từ than đá tăng 20,59%; bàn bằng gỗ các loại tăng 16,42%; điện thương phẩm tăng 11,95%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc trụ cột chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 11,77%; xi măng Portland đen tăng 10,28%.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, 7 tháng đầu năm 2023 lượng mưa rất ít, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất thủy điện đã tác động đến chỉ số sản xuất chung toàn ngành công nghiệp giảm sâu so với cùng kỳ, nhiều ngành vẫn còn khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, hợp đồng dài hạn để cung cấp sản phẩm...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2023 ổn định so với tháng trước. So với tháng cùng kỳ năm trước giảm 2,65%, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,47%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,62%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023 số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,59% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,9%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,32%).  

3. Đầu tư 

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tháng Bẩy và 7 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng khá, 7 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 10.260,82 tỷ đồng, tăng 26,15% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 47,04% so với kế hoạch năm và tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2022).

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2023 ước đạt 415,4 tỷ đồng, tăng 3,43% so với tháng trước, tăng 49,89% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 313,29 tỷ đồng, tăng 3,68%, tăng 58,49%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 92,31 tỷ đồng, tăng 2,81%, tăng 36,21%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 9,81 tỷ đồng, tăng 1,49%, giảm 16,21%. 

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.175,44 tỷ đồng, bằng 47,04% kế hoạch năm và tăng 43,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%). Cụ thể: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.645,07 tỷ đồng, bằng 46,84% và tăng 50,37%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 480,16 tỷ đồng, bằng 47,9% và tăng 33,46%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 50,22 tỷ đồng, bằng 45,65% và giảm 13,33%.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 7/2023 ước đạt 1.855,2 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước, tăng 28,01% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 866,46 tỷ đồng, tăng 3,35%, tăng 27,62% (vốn Trung ương quản lý đạt 397,28 tỷ đồng, tăng 3,05%, tăng 9,71%; vốn địa phương quản lý đạt 469,17 tỷ đồng, tăng 3,61%, tăng 48,09%); vốn ngoài Nhà nước đạt 988,75 tỷ đồng, tăng 4,38%, tăng 28,36%. 

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 10.260,82 tỷ đồng, bằng 50,94% kế hoạch năm và tăng 26,15% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 4.703 tỷ đồng, bằng 49,98%, tăng 23,28% (vốn Trung ương quản lý đạt 2.236,32 tỷ đồng, bằng 52,59%, tăng 8,02%; vốn địa phương quản lý đạt 2.466,68 tỷ đồng, bằng 47,83%, tăng 41,4%); vốn ngoài Nhà nước đạt 5.557,82 tỷ đồng, bằng 51,79%, tăng 28,68%.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm 2023 ước tăng 0,31% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 18,17% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7/2023 ước đạt 179,14 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 875,21 tỷ đồng, tăng 0,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:

- Thu nội địa tháng 7/2023 ước đạt 153,32 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 813,57 tỷ đồng, chiếm 92,96% và tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước (một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn tăng cao như: Thu từ khu vực công thương ngoài quốc doanh tăng 4,65%; thu từ doanh nghiệp nhà nước tăng 10,16%; thu khác ngân sách tăng 37,63%).

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 7/2023 ước đạt 0,82 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 11,37 tỷ đồng, chiếm 1,3% và giảm 29,55% so với cùng kỳ năm trước.

b) Chi ngân sách Nhà nước

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 7/2023 ước đạt 1.625,9 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 8.739,14 tỷ đồng, tăng 18,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.146,33 tỷ đồng, chiếm 36%, tăng 57,79%; chi thường xuyên đạt 5.581,72 tỷ đồng, chiếm 63,87%, tăng 3,59%.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả, vận tải

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong tháng tiếp tục tăng so với tháng trước với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước tăng 0,67% so với tháng trước và tăng 35,85% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 37,95% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước tính đạt 1.688,46 tỷ đồng, tăng 0,67% so với tháng trước, tăng 35,85% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 11.290,43 tỷ đồng, tăng 37,95% so với cùng kỳ năm trước.

* Bán lẻ hàng hoá 

Xét theo ngành hoạt động trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7/2023 và 7 tháng đầu năm 2023 như sau:

* Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 7/2023 ước đạt 73,19 tỷ đồng, tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 34,37% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 8,27 tỷ đồng, tăng 1,07% và tăng 51,27%; dịch vụ ăn uống đạt 64,93 tỷ đồng, tăng 0,48% và tăng 32,49%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023 đạt 491,65 tỷ đồng, tăng 40,57% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 54,92 tỷ đồng, tăng 90,92%; dịch vụ ăn uống đạt 436,73 tỷ đồng, tăng 36,06%.

* Dịch vụ khác

Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 7/2023 ước tính đạt 74,43 tỷ đồng, tăng 1,51% so với tháng trước, tăng 21,15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023 đạt 500,88 tỷ đồng, tăng 27,51% so với cùng kỳ năm trước.

b) Giá cả

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,43% và so kỳ gốc năm 2019 tăng 9,2%. Bình quân 7 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,13% của CPI tháng 7/2023 so với tháng trước có 7 nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 1 nhóm có chỉ số bình ổn. 

(1) Bẩy nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: 

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%: Lương thực giảm 0,14% ; thực phẩm tăng 0,28% ; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,1%;

Nhóm đồ uống thuốc lá tăng 0,11%, do thời tiết trong tháng oi bức nên nhu cầu về một số mặt hàng giải khát của người dân tăng cao;  

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,08%, do thời tiết oi bức nhu cầu của người dân về một số mặt hàng quần áo mùa hè tăng đã đẩy chỉ số giá một số mặt hàng trong nhóm tăng;

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; 

Nhóm giao thông tăng 0,15%, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong tháng điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ đã tác động đến chỉ số mặt hàng Xăng, dầu. 

Nhóm văn hoá giải trí du lịch tăng 0,26%, do tháng 7 vẫn là thời gian học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi chơi và du lịch của các gia đình tăng; 

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,72%, nhu cầu mua sắm của người dân về một số đồ dùng cá nhân và dịch vụ phục vụ cá nhân tăng. Bên cạnh đó nguyên nhân chính là do mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng làm chỉ số nhóm bảo hiểm y tế tăng 20,77%. 

(2) Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: 

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,04%, do giá thép xây dựng giảm tác động chỉ số giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính giảm 0,75%; giá gas bình quân trong tháng giảm 12,21%. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nước tăng 2,14%, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 4,3%. Nguyên nhân, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước trong tháng của người dân tăng;

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,06%, thời tiết nắng nóng nhu cầu  các mặt hàng đệm, ga, chăn giảm nhiều. Ở chiều ngược lại máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng cao;

Nhóm giáo dục giảm 0,05%, tháng 7 vẫn là thời gian nghỉ hè của các cấp học nên nhu cầu về một số mặt hàng trong nhóm giảm.

(3) Một nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm bưu chính viễn thông.

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 7/2023 tăng 0,01% so với tháng trước, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước, tăng 72,59% so với kỳ gốc 2019 và bình quân 7 tháng đầu năm 2023 tăng 0,6%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2023 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 1,22% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,79% so với kỳ gốc 2019 và bình quân 7 tháng đầu năm 2023 tăng 2,56%.

* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất: Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.

c) Hoạt động Vận tải

Hoạt động vận tải trong tháng Bẩy duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa, trong đó: Vận chuyển hành khách tăng 66,71% và luân chuyển hành khách tăng 61,14% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 65,2% và luân chuyển hàng hóa tăng 62,82%. 

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 114,48% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 108,97% và vận chuyển hàng hóa tăng 79,76%, luân chuyển hàng hóa tăng 76,77%. 

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi ước thực hiện tháng 7/2023 đạt 145,34 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 61,74% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, ước đạt 998,34 tỷ đồng, tăng 83,62% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hành khách ước đạt 198,9 tỷ đồng, tăng 117,25%; vận tải hàng hóa ước đạt 793,52 tỷ đồng, tăng 78,11%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 5,92 tỷ đồng, giảm 10,81% . 

Vận tải hành khách tháng 7/2023 ước đạt 265,19 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 0,68% so với tháng trước, tăng 66,71% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 40,89 triệu HK.km, tăng 0,93% và tăng 61,14%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 1.804 nghìn hành khách vận chuyển, tăng 114,48% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 275,87 triệu HK.km, tăng 108,97%.

Vận tải hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 756,03 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 0,43% so với tháng trước và tăng 65,20% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 34,36 triệu tấn.km, tăng 0,41% so với tháng trước và tăng 62,82% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023 vận tải hàng hóa đạt 5.190,97 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 79,76% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 235,44 triệu tấn.km, tăng 76,77%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Thiếu đói trong dân

Trong tháng, đời sống nhân dân ổn định không xẩy ra thiếu đói. Trong 7 tháng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt với 9.973 hộ (46.701 khẩu), so cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói giảm 21,73% (số khẩu thiếu đói giảm 21,08%). Số gạo đã được hỗ trợ thiếu đói dịp tết Nguyên đán là 313,4 tấn cho 4.744 hộ với 20.893 khẩu. 

2. Y tế

a) Tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch 

Dịch bệnh COVID-19: Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn được kiểm soát. Từ ngày 15/5/2023 đến 17h ngày 14/7/2023 trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 207 bệnh nhân mắc COVID-19/tử vong 0.

Tính từ ngày 01/01/2023 đến 17h ngày 14/7/2023, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 624 bệnh nhân mắc COVID-19, điều trị khỏi và xuất viện 584 bệnh nhân, không có bệnh nhân tử vong, hiện đang điều trị 40 bệnh nhân mắc COVID-19.

Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn toàn tỉnh ổn định, không có ổ dịch nào xảy ra.

Công tác phòng chống dịch COVID-19: Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động về phòng, chống dịch COVID-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ

Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19: Ngành y tế tiếp tục tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo các Kế hoạch của Sở Y tế, của UBND tỉnh. Kết quả: Lũy tích đến ngày 16/7/2023, tỷ lệ tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên được tiêm: Mũi 1 đạt 99,4%; mũi 2 đạt 96,1%; nhắc lại lần 1 đạt 95,3%; nhắc lại lần 2 đạt 98,8%. Tỷ lệ tiêm chủng từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm: mũi 1 đạt 98,6%, mũi 2 đạt 97,8%; mũi 3 đạt 91,9%. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm: mũi 1 đạt 99,8%, mũi 2 đạt 92,4%. 

b) Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS 

Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 30/6/2023, có 120/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.737 ca nhiễm HIV (09 ca mắc mới được phát hiện trong tháng); tích lũy số ca AIDS là 5.501 (không có ca nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS mới trong tháng); tử vong do AIDS lũy tích 4.118 ca (09 ca tử vong mới trong tháng). Tổng số ca nhiễm HIV quản lý được là 3.392 chiếm 93,6% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,52%. 

c) Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm 

Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát VSATTP tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. 

Công tác thanh tra ATTP: Thực hiện thanh tra đối với 06 cơ sở sản xuất nước đóng chai; kết quả 6/6 cơ sở được thanh tra đạt yêu cầu về ATTP. Tiến hành lấy 10 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP. Kết quả 10/10 mẫu đạt yêu cầu (chiếm 100%). 

Công tác giám sát an toàn thực phẩm: Tuyến tỉnh thành lập 02 tổ giám sát ATTP đối với 04 cơ sở thực phẩm. Kết quả: 100% cơ sở đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP; Tuyến huyện thực hiện giám sát định kỳ đối với 162 cơ sở. Kết quả: 100% cơ sở đạt yêu cầu về ATTP.

Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy tích cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đạt 97%.  

Trong tháng 7 năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 25 ca mắc, 0 có ca tử vong tại huyện Mường Nhé. Nguyên nhân nghi ngộ độc do nước ngọt đóng chai (Soda kem Leo).

3. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục. Chỉ đạo công tác chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho chấm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tăng cường tập trung truyền thông công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024. 

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được công bố đồng loạt trên toàn quốc vào lúc 8h00’ ngày 18/7/2023. Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống tra cứu điểm thi dành riêng cho các thí sinh dự thi tại tỉnh Điện Biên nhằm thuận tiện trong việc tra cứu của thí sinh dự thi và người dân có nhu cầu; hạn chế tối đa việc quá tải hệ thống tra cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục Mầm non: Xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với cấp học Mầm non. Tham gia các lớp tập huấn nội dung giáo dục thường xuyên năm học 2023-2024 đối với CBQL, GV cấp Mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Kiểm tra việc thực hiện các hoạt động trong hè 2023 tại các cơ sở GDMN. Rà soát đăng ký tổ chức thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo tại tỉnh. 

Giáo dục phổ thông: Dự thảo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 theo cấp học. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1,2,3,6,7,10. Tổ chức xét tuyển sinh các trường THPT tổ chức thi tuyển, xét tuyển. Tham gia tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. 

Giáo dục thường xuyên: Phối hợp tổ chức thành công kỳ thi thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023; tư vấn, hướng dẫn học sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tuyển sinh học viên theo học Chương trình GDTX cấp THCS, THPT năm học 2023-2024; Tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh cử tuyển năm 2023. 

4. Văn hoá, thể thao và du lịch

a) Lĩnh vực văn hóa và gia đình

Hoạt động Tuyên truyền: Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Truyền thanh truyền hình các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tập trung vào các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn trong tháng.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng: Tổ chức 02 chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị; 01 chương trình văn hóa, văn nghệ tại sân Hành lễ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Đoàn Nghệ thuật tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật tại các sự kiện chính trị của tỉnh . Biểu diễn 09 buổi tại tại các xã thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó có 07 buổi biểu diễn vùng cao, biên giới; phục vụ 11.175 lượt người xem. 

Hoạt động Phát hành phim, chiếu bóng: Tổ chức 01 buổi chiếu phim thực hiện chính trị, 107 buổi chiếu phim vùng cao; 12 buổi chiếu phim tại Rạp. 

Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong tháng, hai bảo tàng và các điểm di tích đón 26.717 lượt khách đến tham quan, trong đó có 140 lượt khách nước ngoài. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023 đón 332.216 lượt khách tham quan, trong đó 4.515 lượt khách nước ngoài.

b) Lĩnh vực thể dục thể thao

Phong trào TDTT quần chúng: Phối hợp tổ chức thành công Liên hoan, giao lưu khiêu vũ, dân vũ tỉnh Điện Biên năm 2023. Tổ chức thành công Giải Cầu lông Gia đình tỉnh Điện Biên lần thứ III năm 2023; giải thể thao xã Quài Tở trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2023.

Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 32,56% trên tổng số dân toàn tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 21,56% trên tổng số hộ gia đình toàn tỉnh; có 426 câu lạc bộ thể thao cơ sở.

Thể thao thành tích cao: Tham gia các giải thể thao quốc gia tổ chức tại các tỉnh, thành trên toàn quốc, gồm: Giải Vô địch trẻ Vovinam; giải Vô địch Điền kinh các nhóm tuổi trẻ quốc gia tại tỉnh Bến Tre; giải Vô địch trẻ Karate lần thứ XXIX tại Khánh Hòa; Giải Cầu lông các nhóm tuổi thiếu niên quốc gia tại thành phố Đà Nẵng; kết quả đạt 12 huy chương các loại: 03 HCV, 03 HCB, 06 HCĐ. 

c) Lĩnh vực du lịch

Triển khai tổ chức Hội thảo quảng bá, xúc tiến du lịch vùng Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Luông-pha-bang, nước CHDCND Lào; phân công nhiệm vụ tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc và thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Luông-pha-bang, nước CHDCND Lào (lần 2); Ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Điện Biên, năm 2023. Tổ chức các các lớp tập huấn, bồi dưỡng trong lĩnh vực du lịch năm 2023.

Tiếp tục tham mưu kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Điện Biên năm 2023; kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên năm 2024. Hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố xây dựng sản phẩm du lịch.

Dự ước tháng 7 đón khoảng 36,5 ngàn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 337 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 63,8 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm 2023 lượng khách du lịch đạt 662,48 nghìn lượt. Trong đó: khách quốc tế đạt 5,19 nghìn lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.159,2 tỷ đồng.

5. Tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm môi trường.

a) Tai nạn giao thông

Từ 15/5/2023 đến 14/6/2023, trên địa bàn tỉnh trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông làm bị thương 2 người. Nguyên nhân do người điều khiển xe máy đi sai làn đường, phần đường. Lũy kế từ 15/11/2022 đến 14/6/2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 9 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 7 người chết, 9 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giảm 40%, số người chết giảm 56,25%, số người bị thương tăng 50%. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý quan sát, người đi bộ không đi sát lề đường bên phải; người điều khiển xe ô tô không đi đúng làn đường quy định; vượt sai quy định và sử dụng rượu, bia, chất kích thích có cồn.

b) Cháy nổ

Từ 15/5/2023 đến 14/6/2023 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ. Lũy kế từ 15/11/2022 đến 14/6/2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xẩy ra 11 vụ cháy nhà ở riêng lẻ và phương tiện giao thông, cháy lán nương, thảm thực vật làm 01 người chết và 02 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng 3,54 tỷ đồng. 

c) Vi phạm môi trường

Trong tháng 7/2023, cơ quan chức năng đã phát hiện 27 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 32 vụ với tổng số tiền phạt 128,37 triệu đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 298 vụ vi phạm môi trường, tăng 12,45%, so cùng kỳ năm trước, trong đó xử lý 194 vụ, giảm 9,55% với tổng số tiền phạt 1.279,98 triệu đồng, tăng 16,14%. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là phá rừng làm nương, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật. 

6. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 đợt mưa lớn . đã làm 02 người bị chết (do lượng nước mương lớn chảy mạnh làm xe đổ cuốn trôi người), làm 6 ngôi nhà bị sạt lở; 24,44 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; có 01 con gia súc bị cuốn trôi; 01 trường học và 01 điểm trường  bị thiệt hại; 420m3 đất tràn vùi lấp đường giao thông; Ước giá trị thiệt hại khoảng 1.791,9 triệu đồng. 

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023 thiên tai đã làm 742 ngôi nhà bị thiệt hại; 136,09 ha lúa và 908,6 ha hoa màu bị thiệt hại; 02 con gia súc, 1.533 con  gia cầm bị chết và cuốn trôi. Ước tính tổng giá trị thiệt hại là 13,65 tỷ đồng, giảm 84,29% bằng 73,24 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây