I. KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 11 tập trung vào thu hoạch lúa và các loại cây hoa màu vụ mùa; chú trọng chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng mới tập trung với loại cây phù hợp với phát triển kinh tế đồi, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.
a) Nông nghiệp
* Trồng trọt
- Sản xuất vụ mùa: Tính đến trung tuần tháng 11, toàn tỉnh đã thu hoạch xong toàn bộ 45.641,32 ha lúa mùa , tăng 0,84% cùng kỳ năm trước.
Vụ mùa năm nay thời tiết cơ bản thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, mặt khác bà con chuyển sang trồng nhiều giống lúa mới cho năng suất và sản lượng cao. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa mùa năm nay ước đạt 32,98 tạ/ha, tăng 0,34 tạ/ha so với vụ mùa năm trước; sản lượng ước đạt 150.504,08 tấn, tăng 1,89% (2.197,21 tấn). Trong đó: Lúa ruộng 20.934,89 ha, tăng 1,14%; sản lượng ước đạt 113.790,69 tấn; lúa nương 24.706,43 ha, tăng 0,58%, sản lượng ước đạt 36.713,39 tấn.
Bên cạnh việc thu hoạch lúa các địa phương đang tiếp tục chăm sóc và thu hoạch các loại cây hoa màu vụ mùa. Tiến độ thu hoạch trong tháng các cây hoa màu vụ mùa trên diện tích 30.784,17 ha, giảm 4,36% .
- Sản xuất vụ đông: Tập trung chủ yếu ở các huyện vùng thấp, đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng được 568,19 ha , tăng 5,38% do bà con tận dụng đất lúa giữa hai vụ để gieo trồng ngô vụ đông; mặt khác khoai lang đang được ưa chuộng trên thị trường nên trong kỳ bà con tăng diện tích trồng tại huyện Điện Biên. Nhìn chung gieo trồng cây vụ đông trên địa bàn tỉnh thường không ổn định, bà con còn phụ thuộc vào thời tiết, nhu cầu tiêu thụ để tiến hành gieo trồng cây hoa màu vụ đông.
- Các loại cây nông nghiệp lâu năm: Tập trung chăm sóc những diện tích hiện có để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh việc chăm sóc các loại cây trồng bà con nông dân đang tập trung thu hoạch sản phẩm một số cây như cà phê, cao su, chè, chuối, bưởi, cam, quýt…
- Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Trong tháng các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời ngăn chặn không để sâu, bệnh hại trên cây trồng lây lan ra diện rộng. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 1.565,50 ha, tăng 317,50 ha so với cùng kỳ năm trước, diện tích phòng trừ 253,50 ha.
* Chăn nuôi:
Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Trong tháng tình hình dịch bệnh đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi đã khống chế tốt, chăn nuôi lợn tăng nhẹ, các cơ sở, hộ dân đã dần phục hồi sản xuất, tái đàn trở lại.
Dự ước số lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước: Trâu 855 con, tăng 3,51%; bò 884 con, tăng 4,86%; lợn 22.003 con, tăng 2,53%.
Từ ngày 15/10/2023 đến ngày 15/11/2023 xuất hiện một số bệnh rải rác trên địa bàn tỉnh làm chết 2 con bò và 296 con lợn, trong đó số lợn chết do Dịch tả lợn Châu Phi 202 con . Trong tháng thực hiện tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm 607.308 liều vắc xin; công tác kiểm soát giết mổ được 4.715 con trâu, bò, lợn.
b) Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 11/2023 ước đạt 468,58 ha, tăng 523,11% so với cùng kỳ năm trước ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 19,73 nghìn cây, giảm 91,74% ; sản lượng củi khai thác đạt 66.158 ste, tăng 2,61%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.158 m3, tăng 3,87%. Tính chung 11 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 1.450,96 ha, tăng 332,49% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 291,5 nghìn cây, giảm 63,88%; sản lượng củi khai thác đạt 718.851 ste, tăng 0,28%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.075 m3, giảm 0,51%.
Trong tháng không xảy ra cháy rừng, tuy nhiên đã có 08 vụ phá rừng; 10 vụ Khai thác rừng trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến lâm sản trái pháp luật. Cơ quan chức năng thu giữ 42,23 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trong tháng 152,83 triệu đồng.
Diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng làm nương rẫy trong tháng là 0,39 ha, tăng 21,37% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 97,68 ha rừng bị thiệt hại, tăng 92,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2,95 ha (cùng kỳ năm trước không xẩy ra cháy rừng); diện tích rừng bị chặt, phá là 94,73 ha, tăng 86,91%.
c) Thủy sản
Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển tốt, dự ước toàn tỉnh có 2.762,3 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản , tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước, mô hình nuôi cá bể bồn tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với 2.205 m3 cá hồi. Tổng số lượng lồng bè hiện có trên địa bàn tỉnh là 339 lồng với tổng thể tích 45.742 m3, chủ yếu nhận được hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sản lượng thủy sản tháng 11/2023 ước đạt 405,63 tấn, tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 396,36 tấn, tăng 3,93%; tôm đạt 3,61 tấn, tăng 1,69%; thủy sản khác đạt 5,66 tấn, tăng 1,62% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 4.324,65 tấn, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 4.201,61 tấn, tăng 3,62%; tôm đạt 38,90 tấn, tăng 1,38%; thủy sản khác đạt 84,14 tấn, tăng 0,97%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 11/2023 ước tính đạt 382,01 tấn, tăng 4,05% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 378,17 tấn, tăng 4,06%; tôm đạt 1,71 tấn, tăng 3,01%; thủy sản khác 2,13 tấn, tăng 2,90%. Tính chung 11 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 4.066,09 tấn, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 4.019,01 tấn, tăng 3,74%; tôm đạt 14,50 tấn, tăng 1,83%; thủy sản khác đạt 32,58 tấn, tăng 0,99%.
Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 11/2023 dự ước đạt 23,62 tấn, tăng 1,20% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 18,19 tấn, tăng 1,34%; tôm đạt 1,90 tấn, tăng 0,53%. Tính chung 11 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 258,56 tấn, tăng 1,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 182,60 tấn, tăng 1,08%; tôm đạt 24,40 tấn, tăng 1,12%.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 11 cao điểm của mùa xây dựng, nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào như đá, cát sỏi, xi măng tăng mạnh. Một số ngành công nghiệp chế biến cũng phát triển mạnh. Tuy nhiên thời tiết mùa khô gây nhiều bất lợi cho ngành thủy điện.
Sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 ước giảm 5,91% so với tháng trước và tăng 4,36% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2,49% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2023 ước giảm 5,91% so với tháng trước và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 9,09% và tăng 6,67% ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chế tạo tăng 9,97% và tăng 10,32% ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 33,21% và giảm 8,52% ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,54% và tăng 5,01%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 2,49% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 22,23%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,6% (nguyên nhân chính: sản lượng than thấp, do giá bán than thấp, nhu cầu sử dụng than giảm nên doanh nghiệp khai thác cầm chừng; sản lượng quặng thô thu được thấp hơn nhiều so với năm trước do doanh nghiệp khai thác theo phương pháp hầm lò thủ công, vỉa quặng không ổn định); ngành chế biến, chế tạo tăng 11,48%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 17,74% do nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, lưu lượng nước ở các lòng hồ giảm sâu không đủ nước cho các thủy điện vận hành; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,55%.
Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp cấp II giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Khai thác than cứng và than non giảm 29,21%; sản xuất điện giảm 17,74%; khai khoáng quặng kim loại giảm 16,61%; sản xuất trang phục giảm 12,45%. Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành tăng cao so cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 104,17%; sản xuất đồ uống tăng 22,07%; sản xuất than cốc tăng 13,38%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ gường, tủ, bàn, ghế) tăng 16,99%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,07%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 10,71%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 8,96%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,54%.
Một số sản phẩm công nghiệp trong 11 tháng năm 2023 giảm sâu so cùng kỳ năm trước: Than đá (than cứng) loại khác giảm 29,21%; sản phẩm in khác (quy khổ 13cm x19cm) giảm 27,28%; điện sản xuất giảm 19,12%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Giường bằng gỗ các loại tăng 23,81%; bàn bằng gỗ các loại tăng 12,84%; điện thương phẩm tăng 10,18%; xi măng Portland đen tăng 8,41%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc trụ cột chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 8,14%.
Như vậy, trong vòng 5 năm trở lại đây, 11 tháng năm 2023 là giai đoạn có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sâu nhất, nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng và đặc biệt là ngành sản xuất thủy điện giảm mạnh do nhiều nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến chỉ số chung của toàn ngành.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2023 ổn định so với tháng trước. So với tháng cùng kỳ năm trước giảm 8,83%, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,69%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 10,91%. Tính chung 11 tháng năm 2023 số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,24% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,76%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 1,44%).
Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 11/2023 và 11 tháng năm 2023 có mức tăng trưởng chưa cao so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng giữa các ngành chưa đồng đều, nhiều ngành còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, tiêu thụ sản phẩm cùng với yếu tố thời tiết đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy điện.
3. Đầu tư
Tháng 11 thời tiết hanh khô, giá cả vật liệu xây dựng ổn định, thuận lợi cho việc thi công các công trình xây dựng. Tính chung 11 tháng năm 2023 vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tính đạt 16.344.37 tỷ đồng, tăng 16,08% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 78,97% so với kế hoạch năm và tăng 29,79% so với cùng kỳ năm 2022).
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2023 ước đạt 371,99 tỷ đồng, tăng 3,56% so với tháng trước, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 282,05 tỷ đồng, tăng 3,54%, giảm 9,48%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 81,59 tỷ đồng, tăng 3,68%, giảm 2,05%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 8,35 tỷ đồng, tăng 2,79%, giảm 48,33%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.651,82 tỷ đồng, bằng 78,97% kế hoạch năm và tăng 29,79% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,9%). Cụ thể: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.761,99 tỷ đồng, bằng 78,64% và tăng 33,33%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 803,9 tỷ đồng, bằng 80,2% và tăng 27,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 85,93 tỷ đồng, bằng 78,11% và giảm 21,6%.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 11/2023 ước đạt 1.682,38 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước, giảm 1,94% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 782,33 tỷ đồng, tăng 6,48%, giảm 10,76% (vốn Trung ương quản lý đạt 367,18 tỷ đồng, tăng 9,2%, giảm 11,86%; vốn địa phương quản lý đạt 415,15 tỷ đồng, tăng 4,18%, giảm 9,75%); vốn ngoài Nhà nước đạt 900,05 tỷ đồng, tăng 2,66%, tăng 7,28%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 16.344,37 tỷ đồng, bằng 81,15% kế hoạch năm và tăng 16,08% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 7.432,71 tỷ đồng, bằng 78,99%, tăng 9,35% (vốn Trung ương quản lý đạt 3.375,87 tỷ đồng, bằng 79,39%, giảm 5,76%; vốn địa phương quản lý đạt 4.056,84 tỷ đồng, bằng 78,67%, tăng 26,18%); vốn ngoài Nhà nước đạt 8.911,66 tỷ đồng, bằng 83,04%, tăng 22,36%.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2023 ước tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 24,35% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
a) Thu ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 11 năm 2023 ước đạt 145,2 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2023 đạt 1.393,58 tỷ đồng, tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Thu nội địa tháng 11 năm 2023 ước đạt 139,7 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng năm 2023 đạt 1.333,96 tỷ đồng (chiếm 95,72%), tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước (một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn tăng cao như: Các khoản thu về nhà đất tăng 49,21%; thu khác tăng 16,88%).
- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 ước đạt 5,46 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 19,18 tỷ đồng (chiếm 1,38%), giảm 7,77% so với cùng kỳ năm trước.
b) Chi ngân sách Nhà nước
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 11 năm 2023 ước đạt 1.197,11 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 12.630,35 tỷ đồng, tăng 24,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.484,68 tỷ đồng, chiếm 35,51%, tăng 60,08%; chi thường xuyên đạt 8.141,32 tỷ đồng, chiếm 64,46%, tăng 11,08%.
5. Thương mại, dịch vụ, giá cả, vận tải
a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong tháng có mức tăng nhẹ so với tháng trước với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước tăng 0,43% so với tháng trước và tăng 25,24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 34,39% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước tính đạt 1.717,85 tỷ đồng, tăng 0,43% so với tháng trước, tăng 25,24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 18.119,00 tỷ đồng, tăng 34,39% so với cùng kỳ năm trước.
* Bán lẻ hàng hoá
Xét theo ngành hoạt động trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2023 và 11 tháng đầu năm 2023 như sau:
* Dịch vụ lưu trú và ăn uống
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11/2023 ước đạt 74,51 tỷ đồng, tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 17,13% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 8,36 tỷ đồng, tăng 0,25% và tăng 18,81%; dịch vụ ăn uống đạt 66,15 tỷ đồng, tăng 0,34% và tăng 16,92%.
Tính chung 11 tháng năm 2023 đạt 787,92 tỷ đồng, tăng 33,62% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 88,22 tỷ đồng, tăng 60,79%; dịch vụ ăn uống đạt 699,69 tỷ đồng, tăng 30,83%.
* Dịch vụ khác
Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 11/2023 ước tính đạt 78,1 tỷ đồng, tăng 1,18% so với tháng trước, tăng 12,53% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023 đạt 807,89 tỷ đồng, tăng 22,96% so với cùng kỳ năm trước.
b) Giá cả
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): tháng 11/2023 giảm 0,16% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,7% và so kỳ gốc năm 2019 tăng 10,07%. Bình quân 11 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 0,91% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức giảm 0,16% của CPI tháng 11/2023 so với tháng trước có 5 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm, 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm có chỉ số bình ổn.
(1) Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm:
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,2%, trong đó: Thực phẩm giảm 0,31% ; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,08%; lương thực tăng 0,49% .
Nhóm đồ uống thuốc lá giảm 0,06% do nhu cầu về một số mặt hàng giải khát của người dân giảm, cụ thể: Bia chai giảm 0,21%; bia lon giảm 0,45%.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,09% , cụ thể: Vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác giảm 0,55%; nước sinh hoạt giảm 0,36%; điện sinh hoạt giảm 0,43%; dầu hỏa giảm 0,55%.
Nhóm giao thông giảm 0,76%, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/11/2023, 13/11/2023 và 23/11/2023 nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm cụ thể: Xăng A95 III giảm 1,40%; dầu mỡ nhờn giảm 0,48%; dầu Diezel giảm 7,14%.
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,3%, chủ yếu ở mặt hàng máy điện thoại di động thông thường giảm 1,02%. Nguyên nhân thời điểm cuối năm các nhãn hàng giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng đã tác động làm chỉ số giá bán giảm.
(2) Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19%, do thời tiết trong tháng đã chuyển sang mùa lạnh nên nhu cầu mua sắm các loại quần, áo mùa đông tăng cao đã đẩy giá các mặt hàng này so với tháng trước tăng đáng kể, cụ thể: Quần, áo cho nam (13 tuổi trở lên) tăng 0,16%; quần, áo cho nữ (13 tuổi trở lên) tăng 0,36%; quần áo cho trẻ em trai (từ 2 đến dưới 13 tuổi) tăng 0,47%; quần áo cho trẻ em gái (từ 2 đến dưới 13 tuổi) tăng 0,57%; quần áo cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 2 tuổi) tăng 0,54%. Bên cạnh đó trong tháng có ngày 20/11 nhu cầu thuê các loại quần áo cũng tăng 0,44% so với tháng trước.
Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,22%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: Bình nước nóng nhà tắm tăng 0,73%; đèn điện thắp sáng tăng 0,29%; lò vi sóng, lò nướng, bếp nướng tăng 0,39%; gường tăng 0,65%; tủ các loại 0,81%; đệm tăng 0,90%; ly, cốc, lọ hoa tăng 0,40%; chiếu, ga trải gường tăng 0,60%; chăn, màn, gối tăng 0,30%; thảm, tấm trải sàn tăng 0,92%; vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,76% so với tháng trước.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%, chủ yếu ở nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 0,89%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: Máy dùng điện cho chăm sóc cá nhân tăng 0,71%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,33%; túi xách, valy, ví tăng 0,40%; đồ trang sức tăng 0,73%; đồng hồ đeo tay tăng 0,39%; vật dụng về hỉ tăng 0,88%; dịch vụ về hỉ tăng 0,62% so với tháng trước.
(3) Hai nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục.
* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 11/2023 tăng 1,34% so với tháng trước, tăng 4,63% so với cùng kỳ năm trước, tăng 81,33% so với kỳ gốc 2019 và bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 1,48%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2023 tăng 0,08% so với tháng trước, giảm 1,16% so với cùng kỳ năm trước, tăng 5,27% so với kỳ gốc 2019 và bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 1,99%.
* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất: Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.
c) Hoạt động Vận tải
Hoạt động vận tải trong tháng 11 duy trì đà tăng trưởng cả về vận tải hành khách và hàng hóa, trong đó: Vận chuyển hành khách tăng 11,76% và luân chuyển hành khách tăng 12,87% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 17,22% và luân chuyển hàng hóa tăng 16,80%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 54,93% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 55,42%; vận chuyển hàng hóa tăng 41,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 40,55%.
Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi ước thực hiện tháng 11/2023 đạt 125,96 tỷ đồng, tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 13,51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, ước đạt 1.362,64 tỷ đồng, tăng 42,59% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hành khách ước đạt 274,73 tỷ đồng, tăng 58,94%; vận tải hàng hóa ước đạt 1.082,52 tỷ đồng, tăng 40,48%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 5,39 tỷ đồng, giảm 55,79% .
Vận tải hành khách tháng 11/2023 ước đạt 229,33 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 11,76% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 36,47 triệu HK.km, tăng 0,62% và tăng 12,87%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 2.461,42 nghìn hành khách vận chuyển, tăng 54,93% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 389,52 triệu HK.km, tăng 55,42%.
Vận tải hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 648,31 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 17,22% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 29,72 triệu tấn.km, tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2023 vận tải hàng hóa đạt 7.033,37 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 41,80% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 321,23 triệu tấn.km, tăng 40,55%.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Thiếu đói trong dân
Trong tháng tình trạng thiếu đói không xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Tính chung 11 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt với 11.625 hộ (54.985 khẩu), so cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói giảm 8,77% (số khẩu thiếu đói giảm 7,28%). Số gạo hỗ trợ cứu đói giáp hạt đợt đầu năm 824,78 tấn cho 11.625 hộ với 54.985 khẩu. Bên cạnh đó còn hỗ trợ thiếu đói dịp tết Nguyên đán là 313,4 tấn gạo cho 4.744 hộ với 20.893 khẩu.
2. Y tế
a) Tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch
Tình hình dịch bệnh: Trong tháng xảy ra 02 ổ dịch với 68 ca mắc, không có trường hợp tử vong (01 ổ dịch tay chân miệng với 17 ca mắc và 01 ổ dịch đau mắt đỏ với 51 ca mắc). Các ổ dịch trên đã được điều tra, xác minh, chẩn đoán và triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.
Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: trong tháng có 03 ca mắc sốt xuất huyết (02 trường hợp tại thành phố Điện Biên Phủ; 01 trường hợp tại huyện Mường Ảng), trên địa bàn tỉnh không có dịch sốt rét xảy ra.
Công tác phòng chống dịch: Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động về phòng, chống dịch trên địa bàn. Tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, đặc biệt là các bệnh lây qua đường tiêu hóa và các dịch bệnh mùa hè; duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư để chủ động đối phó với dịch. Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức giúp cho người dân hiểu và chủ động phòng chống dịch bệnh.
b) Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS
Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 30/10/2023, có 120/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.771 ca nhiễm HIV (08 ca mắc mới được phát hiện trong tháng); tích lũy số ca AIDS là 5.496 (không có ca nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS mới trong tháng); tử vong do AIDS lũy tích 4.134 ca (05 ca tử vong mới trong tháng). Tổng số ca nhiễm HIV được quản lý là 3.405 chiếm 93,8% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,52%.
c) Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát VSATTP tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoạt động kiểm tra ATTP: Trong tháng thành lập 01 đoàn hậu kiểm về ATTP đối với các cơ sở bếp ăn tập thể thuộc phân cấp tuyến tỉnh quản lý, tiến hành kiểm tra 10 cơ sở. Kết quả 100% cơ sở đạt yêu cầu về ATTP.
Công tác giám sát an toàn thực phẩm: Tại tuyến tỉnh và huyện thực hiện giám sát định kỳ đối với 229 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Kết quả, 100% cơ sở đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP.
Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy kế cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đạt 97%.
Trong tháng 11, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm. Lũy kế 11 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 06 vụ ngộ độc thực phẩm với 71 ca mắc, 0 có ca tử vong (cùng kỳ năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 09 ca mắc, tử vong 0).
3. Giáo dục và đào tạo
Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục.
Giáo dục Mầm non - Tiểu học: Thực hiện Chương trình học kỳ I năm học 2023-2024. Tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5. Chỉ đạo các xã hoàn thiện hồ sơ kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Chỉ đạo xây dựng trường Mầm non, Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia năm học 2023-2024.
Giáo dục phổ thông: Thực hiện Chương trình học kì I năm học 2023-2024 đối với Giáo dục trung học, tập trung nâng cao chất lượng từng môn học. Tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 12 cấp trung học. Tham gia các chương trình tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức Giải thi đấu thể thao ngành Giáo dục và Đào tạo (giai đoạn II); Giải Cầu lông, Bóng bàn ngành Giáo dục mở rộng năm 2023. Tham gia Đoàn kiểm tra giáo dục quốc phòng an ninh của Hội đồng giáo dục quốc phòng an ninh tỉnh; đoàn kiểm tra liên ngành về công tác y tế trường học, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại các cơ sở giáo dục năm 2023.
Giáo dục thường xuyên: Phối hợp kiểm tra, công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục - Xóa mù chữ các huyện, thị xã, thành phố. Tham gia Đoàn kiểm tra Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2023. Tiếp nhận, đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào năm học 2023-2024. Tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại các cơ sở giáo dục thường xuyên" trên địa bàn tỉnh.
4. Văn hoá, thể thao và du lịch
a) Hoạt động quản lý Nhà nước và văn hóa, văn nghệ
Hoạt động Tuyên truyền: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, ngành trong tháng 11. Tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của sở và các đơn vị; trên fanpage và facebook …
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng: Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Dàn dựng, trưng tập nghệ nhân, diễn viên tham gia luyện tập, biểu diễn Chương trình Liên hoan dân ca năm 2023. Thành lập Đoàn tham dự liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Biểu diễn Chương trình nghệ thuật khai mạc và chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật tại Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc tại tỉnh Luông-pha-bang nước CHDCND Lào; Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân và gặp mặt biểu dương, khen thưởng cán bộ Bộ đội biên phòng tham gia xây dựng khu vực Biên giới vững mạnh.
Hoạt động Phát hành phim, chiếu bóng và phát hành xuất bản phẩm: Tổ chức 06 buổi chiếu phim tại Rạp, 112 buổi chiếu bóng vùng cao, phát hành xuất bản phẩm được 440 bản. Lũy kế mười một tháng tổ chức được 43 buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; 136 buổi chiếu phim tại Rạp; thực hiện 1.086 buổi chiếu bóng lưu động tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dịch, lồng tiếng 05 phim bằng tiếng dân tộc Thái, Mông; phát hành 11,83 nghìn bản xuất bản phẩm.
Hoạt động thư viện: Trong tháng, bổ sung mới 1.616 bản sách; phục vụ 12.789 lượt độc giả đến thư viện. Tổng số lượt tài nguyên thông tin được phục vụ 25.578 lượt; Số lượt độc giả truy cập CSDL thư viện điện tử 1.550 lượt.
Dự ước 11 tháng năm 2023 hệ thống thư viện công cộng đã nhập bổ sung 12.158 bản sách; thực hiện cấp thẻ cho 4.658 độc giả; phục vụ trên 255,84 nghìn lượt độc giả; số lượt độc giả truy cập CSDL thư viện điện tử 90,02 nghìn lượt; có trên 546,06 nghìn lượt tài nguyên thông tin được phục vụ.
Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong tháng, hai bảo tàng và các điểm di tích đón 28.697 lượt khách đến tham quan, trong đó có 546 lượt khách nước ngoài. Lũy kế 11 tháng năm 2023 đón 425.318 lượt khách tham quan, trong đó 6.104 lượt khách nước ngoài.
b) Lĩnh vực thể dục thể thao
Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh. Sở văn hóa đã phối hợp tổ chức các giải: Bóng chuyền đoàn kết Công - Nông - Binh tỉnh Điện Biên lần thứ 40 năm 2023; giải thi đấu thể thao ngành Giáo dục và Đào tạo; Giải Cầu lông, Bóng bàn ngành Giáo dục mở rộng năm 2023. Tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023 đạt 01 HCV, 02 HCB, 03 HCĐ.
Dự ước đến hết tháng 11 năm 2023, toàn tỉnh có tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 32,9% trên tổng số dân toàn tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 21,9% trên tổng số hộ gia đình toàn tỉnh; có 430 Câu lạc bộ TDTT cơ sở.
c) Lĩnh vực du lịch
Dự ước tháng 11/2023 đón khoảng 70,6 nghìn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 881 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 121,9 tỷ đồng. Tính chung 11 tháng năm 2023 lượng khách du lịch đạt 929,63 nghìn lượt, tăng 1,11 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khách quốc tế đạt 7,448 nghìn lượt, tăng 2,07 lần. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.626,41 tỷ đồng, tăng 1,17 lần so với cùng kỳ năm trước.
5. Tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm môi trường
a) Tai nạn giao thông
Từ 15/9/2023 đến 14/10/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm bị thương 4 người. Nguyên nhân do người điều khiển sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện, người đi bộ sang đường sai quy định.
Lũy kế từ 15/11/2022 đến 14/10/2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 32 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 11 người chết, 31 người bị thương. So cùng kỳ năm trước: Số vụ tai nạn tăng 39,13%, số người chết giảm 42,11%, số người bị thương tăng 121,43%. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý quan sát, người đi bộ không đi sát lề đường bên phải; người điều khiển xe ô tô không đi đúng làn đường quy định; sử dụng rượu, bia, chất kích thích có cồn, vi phạm tốc độ, chuyển hướng sai quy định.
b) Cháy nổ
Từ 15/9/2023 đến 14/10/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy. Không thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính 2,9 tỷ đồng (01 vụ cháy nhà tại thị xã Mường Lay, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 0,1 tỷ đồng, nguyên nhân do chập điện; 01 vụ cháy tại cơ sở kinh doanh mặt hàng đặc sản Tây Bắc tại thành phố Điện Biên Phủ, thiệt hại về tài sản khoảng 2,8 tỷ đồng). Lũy kế từ 15/11/2022 đến 14/10/2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xẩy ra 16 vụ cháy (nhà ở riêng lẻ, phòng làm việc, phương tiện giao thông, lán nương, thảm thực vật, cơ sở sản xuất kinh doanh) làm 1 người chết và 2 người bị thương, thiệt hại ước tính 6,88 tỷ đồng.
c) Vi phạm môi trường
Trong tháng 11/2023, cơ quan chức năng đã phát hiện 18 vụ vi phạm môi trường, số vụ xử lý 29 vụ với tổng số tiền phạt 152,83 triệu đồng. Tính chung 11 tháng năm 2023 đã phát hiện 395 vụ vi phạm môi trường, tăng 15,84%, so cùng kỳ năm trước, số vụ được xử lý 311 vụ, tăng 18,25% với tổng số tiền phạt 1.807,69 triệu đồng, tăng 69,79%. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là phá rừng làm nương, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật.
6. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng không xảy ra thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá lại của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu hộ cứu nạn, lũy kế thiệt hại từ đầu năm tới thời điểm báo cáo thiên tai đã làm 6 người chết và 2 người bị thương; 1.036 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng; 445,15 ha lúa và 930,9 ha hoa màu bị hư hỏng; 30 con gia súc, 1.645 con gia cầm bị chết, cuốn trôi và một số thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại ước tính là 150,06 tỷ đồng, giảm 11,85% so với cùng kỳ năm 2022.
Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên
Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn