PV: Làm thế nào để nâng cao chất lượng thông tin thống kê? Đó vẫn luôn là câu hỏi thường trực không riêng gì của ngành Thống kê. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 khi được thông qua liệu có giải quyết được câu chuyện này, thưa ông?
TS. Nguyễn Bích Lâm: Để làm ra được số liệu thống kê đó là kết quả của cả một quá trình và là một xâu chuỗi các chủ thể sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin và chủ thể nào dù ít hay nhiều đều có vị trí quan trọng, không thể thay thế. Để giải quyết câu chuyện chất lượng số liệu có nhiều vấn đề, nhiều mắt xích được Ban soạn thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đưa ra bàn thảo và thấy rằng cần phải được sửa đổi, bổ sung trong Luật thống kê năm 2003.
Thứ nhất, tại Dự thảo Luật đã có nhiều nội dung của hoạt động thống kê được kết cấu lại theo hướng phân tách những nội dung quan trọng của hoạt động thống kê thành cấp quốc gia và cấp bộ, ngành để từ đó phân định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện. (…)
Thứ hai, bổ sung, sửa đổi một số điều khoản nhằm tăng cường vai trò của người thực hiện thu thập, tổng hợp và biên soạn thông tin thống kê. Cụ thể: Bổ sung hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê (Điều 10): Khai man hoặc ép buộc người khác khai man dữ liệu, thông tin thống kê (điểm b khoản 1); Mọi hành vi can thiệp làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê (điểm c khoản 1). Hay bổ sung tăng quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê; bổ sung quyền “Được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan để tổng hợp số liệu thống kê phục vụ việc lập báo cáo được phân công thực hiện trong chế độ báo cáo thống kê (điểm c khoản 1 Điều 47). (…)
Thứ ba, kết cấu lại một số điều khoản để làm rõ chức năng của Cơ quan Thống kê Trung ương trong thẩm định các nội dung quan trọng trong hoạt động thống kê của bộ, ngành, như: Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; phương án điều tra thống kê (cả trong và ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia) do bộ, ngành quyết định; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành và thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Thứ tư, bổ sung Mục 2 Chương III “Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước” nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tăng tính chính xác, kịp thời của thông tin thống kê, tiết kiệm chi phí và giảm phiền hà, gánh nặng cho người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin thống kê. Dự thảo cũng bỏ quy định cụ thể về chế độ báo cáo thống kê cơ sở và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp, chỉ quy định chung là chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành. Điều này là phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng nguồn dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhằm giảm bớt phiền hà và gánh nặng cho tổ chức thực hiện chế độ báo cáo. Đồng thời cũng bổ sung các mức độ của số liệu thống kê được công bố (số liệu thống kê ước tính, số liệu thống kê sơ bộ, số liệu thống kê chính thức), nhằm minh bạch hóa việc công bố thông tin thống kê của cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước.
PV: Ông nói nhiều về các nội dung liên quan đến chủ thể sản xuất thông tin, vậy với đối tượng cung cấp và phổ biến thông tin thì sao, bởi đây cũng là đối tượng quan trọng trong bài toán chất lượng thông tin thống kê?
TS. Nguyễn Bích Lâm: Đúng vậy, để có được số liệu thống kê khách quan, kịp thời thì việc cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng. Đó chính là quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê, điều này được thể hiện tại Điều 33 của Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015. (…)
Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng thông tin thống kê được đặt ra là việc nâng cao trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê. Năm 2007, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), các nhà quản lý, xây dựng chính sách phát triển, các nhà nghiên cứu và những người làm thống kê của trên 100 quốc gia trên thế giới đã họp Hội nghị với chủ đề: “Thống kê - Tri thức - Chính sách”để thảo luận các giải pháp nhằm biến thông tin thống kê thành tri thức của người dùng tin và được họ sử dụng trong trình xây dựng chính sách phát triển đất nước. (…)
PV: Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Góp ý cho Dự thảo Luật, một số cử tri cho rằng cơ quan Thống kê nên là cơ quan độc lập như Kiểm toán Nhà nước. Ông có ý kiến gì về điều này?
TS. Nguyễn Bích Lâm: Việc cơ quan thống kê nằm ở đâu sẽ do Quốc hội quyết định. Tuy nhiên tôi cho rằng, dù nằm ở đâu nếu cơ quan thống kê không đảm bảo được tính độc lập chuyên môn thì số liệu thống kê cũng không khách quan. Vì lí do đó, tại Dự thảo Luật thống kê (sửa đổi) năm 2015, Ban soạn thảo Luật đã nghiên cứu Luật mẫu của Liên hợp quốc, Luật Thống kê của các nước trên thế giới, trưng cầu ý kiến của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia ở trong và ngoài ngành và đặc biệt là từ thực tiễn Việt Nam để soạn thảo Luật với mục tiêu nhằm nâng cao tính độc lập chuyên môn của hoạt động thống kê. (…)
PV: Trân trọng cảm ơn Ông!