TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 3, QUÝ I NĂM 2024

Thứ năm - 28/03/2024 15:00
Thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động, những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng toàn cầu. Lạm phát đã ở các nước mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Đồng thời, xung đột tại U-crai-na và giải Gaza còn phức tạp. Hậu quả đại dịch COVID-19 đã giảm ở hầu hết các quốc gia, nhưng những làn sóng kéo dài của nó vẫn tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế. Tại thời điểm tháng 3/2024 hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024. Cụ thể, Liên hợp quốc (UN) nhận định trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài, tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ chậm lại từ mức 2,7% năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024; Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,4%, giảm so với mức 2,6% trong năm 2023; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định GDP toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 2,9%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% của năm 2023; Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng toàn cầu (không bao gồm EU) năm 2024 đạt 3,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023. Riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 bằng với năm 2023, ở mức 3,1%.

Trong nước, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để phát triển kinh tế -xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2024 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, bên cạnh những khó khăn chung, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều các yếu tố gây bất lợi như: Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, rét hại,… gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của Nhân dân trong tỉnh. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm túc, linh hoạt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 vào tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý I năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên như sau: 

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp quý I năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được hạn chế. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Nuôi trồng và khai thác thủy sản được duy trì phát triển tốt. 

a) Nông nghiệp

* Trồng trọt

Cây hàng năm: Quý I năm 2024 toàn tỉnh đã gieo trồng được 14.476,43 ha cây hàng năm các loại, giảm 1,63%, trong đó:

Lúa đông xuân: Tính đến trung tuần tháng Ba cơ bản đã kết thúc gieo trồng, dự ước toàn tỉnh gieo cấy được 9.706,03 ha, giảm 2,09%  so chính thức cùng kỳ năm trước, vượt 0,21% kế hoạch.

Các loại cây hoa màu khác: 

- Cây ngô: Diện tích gieo trồng được 1.975,28 ha, giảm 6,07%; trong đó ngô vụ đông đã thu hoạch xong là 320,13 ha, tăng 2,20%; năng suất đạt 36,62 tạ/ha; sản lượng thu được 1.172,16 tấn, tăng 4,19%.

- Cây khoai tây: Trồng được 188,50 ha, toàn bộ diện tích được trồng và thu hoạch của vụ đông; năng suất đạt 165,12 tạ/ha, tăng 12,81% ; sản lượng đạt 3.095,01 tấn, tăng 2.955,96 tấn. 

- Cây có hạt chứa dầu: Trồng được 307,66 ha , tăng 16,87%. 

- Cây rau các loại: Trồng được 2.281,86 ha, tăng 2,05%. Rau vụ đông gieo trồng được 1.122,92 ha, tăng 3,35%, diện tích tăng chủ yếu do được chuyển đổi từ diện tích trồng cây hàng năm khác sang trồng rau; sản lượng thu được 22.569,31 tấn, tăng 3,32%; rau vụ xuân 1.158,94 ha; ước sản lượng thu được 245,15 tấn; 

Tiến độ gieo trồng một số cây hàng năm trong quý 1 năm 2024 chưa đảm bảo được đúng kế hoạch và chưa mang tính ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ đầu tư về giống, mặt khác lượng nước tưới tiêu không đủ cho bà con gieo trồng đúng lịch thời vụ làm chậm tiến độ gieo trồng các loại cây vụ xuân. 

Cây lâu năm: Dự ước toàn tỉnh diện tích hiện có 20.216,86 ha, tăng 18,93%. Nhóm diện tích cây ăn quả chiếm ưu thế với 11.054,14 ha, chiếm 54,68% tổng diện tích cây lâu năm, tăng 35,43%; ngoài ra diện tích một số cây lâu năm chủ yếu của tỉnh như: Cao su 5.015,9 ha, giảm 0,01%; cà phê 2.758,56 ha, tăng 4,51%; cây chè 630,31 ha. Bên cạnh các loại cây đã được quy hoạch theo vùng trọng điểm như trên, đến nay mô hình trồng cây ăn quả tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai thực hiện trên địa bàn. Các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Bưởi diễn, bưởi da xanh, xoài Đài Loan, nhãn chín muộn, dứa, chuối, mít thái… được bà con trồng nhiều tại các địa phương.

Trong quý I năm 2024, một số cây công nghiệp lâu năm đã cho thu hoạch, trong đó: Sản lượng chè búp tươi đạt 24,62 tấn, giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước; chuối thu được 1.975,91 tấn, tăng 3%; dứa thu được 591,5 tấn, tăng 4,51%; bưởi thu được 171,5 tấn, tăng 4,76%; cao su thu được 147,87 tấn, tăng 5%. Sản lượng cây ăn quả quý I đều tăng so với cùng kỳ năm trước, do thời tiết thuận lợi, một số cây có tỷ lệ đậu quả cao, cho năng suất thu hoạch cao hơn năm trước, bà con quan tâm đầu tư chăm sóc cho cây trồng, đặc biệt một số cây có giá trị kinh tế cao như chuối, dứa, táo,…được đầu tư trồng giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn.

- Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Trong quý I năm 2024, các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời không để sâu, bệnh hại cây trồng lây lan ra diện rộng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn một số sâu, bệnh xuất hiện và gây hại đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 2.582,8 ha, tăng 253,98 ha so với tháng trước, tăng 386,58 ha so với cùng kỳ năm trước; Trong đó: cây lúa diện tích nhiễm 1.550,38 ha, cây cà phê 231,2 ha, cây ăn quả 580,5 ha, cây lâm nghiệp, cây rừng (thông, keo) 220,7 ha. Tổng diện tích phòng trừ  2.281 ha.

* Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Đàn trâu, đàn bò vẫn luôn được trú trọng phát triển, các chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống và đầu tư chuồng trại vẫn tiếp tục được quan tâm giúp các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất. 

Trong quý I năm 2024 xuất hiện một số bệnh rải rác trên địa bàn tỉnh  làm chết 17 con trâu, bò do bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng; 06 con lợn chết do Dịch tả lợn Châu Phi; 05 con chó chết do bệnh dại. Trong quý chưa thực hiện công tác tiêm phòng; công tác kiểm dịch vận chuyển cho gia súc, gia cầm được 3.105 con lợn, 72 con trâu, bò và 10.976 kg thịt trâu, bò; công tác kiểm soát giết mổ được 1.088 con trâu, bò và 11.361 con lợn.

Quý I năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra nhiều hoạt động lớn như: tết Nguyên đán; năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024; Lễ hội Hoa Ban năm 2024 làm nhu cầu tiêu thụ các loại thịt trong quý tăng. Mặt khác, do trọng lượng bình quân thịt hơi xuất chuồng trên con của đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ năm trước nên sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng.

b)  Lâm nghiệp

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/03/2024  tổng số vụ vi phạm quy định về QLBVR 102 vụ, trong đó: Phá rừng trái phép 82 vụ (trong đó: phá rừng làm nương 74 vụ; phá rừng mục đích khác 8 vụ), tăng 55 vụ so với cùng kỳ năm trước, diện tích bị phá 37,41 ha, tăng 33,39 ha so với cùng kỳ năm trước. Khai thác rừng trái phép 5 vụ (giảm 11 vụ); vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng 02 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 05 vụ; tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biên lâm sản trái pháp luật 07 vụ (giảm 9 vụ), vi phạm các quy định chung của Nhà nước về BVR 01 vụ. Cơ quan chức năng đã tịch thu 36,827 m3 gỗ các loại; tổng số tiền thu nộp ngân sách trong quý 356,574 triệu đồng (giảm 187,595 triệu đồng).

Trong tháng dự ước khai thác được 957 m3 gỗ, tăng 0,74% so với thực hiện cùng kỳ năm trước; củi khai thác được 65.933 ste, giảm 1,88%. Tính chung quý I năm 2024, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.861 m3, giảm 0,73%; sản lượng củi khai thác đạt 194.643 ste, giảm 1,27%. 

c) Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển ổn định. Dự ước toàn tỉnh có 2.740,06 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích nuôi cá 2.738,56 ha; diện tích nuôi tôm 0,6 ha, diện tích nuôi thủy sản khác 0,9 ha. Tổng số lượng lồng bè hiện có trên địa bàn tỉnh là 341 lồng với tổng thể tích 45.766 m3; mô hình nuôi cá hồi bằng bể bồn tại xã Tênh Phông huyện Tuần Giáo với 600 m3. Phần lớn do thể tích nuôi bể bồn mang lại năng suất thấp, chi phí chăn thả cao nên doanh nghiệp đã chuyển đổi sang nuôi lồng bè. 

Sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt 396,9 tấn, tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 384,67 tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 4,14 tấn; thủy sản khác đạt 8,09 tấn, tăng 0,37%. Tính chung quý I năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 1.199,8 tấn, tăng 3,91% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 1.164,48 tấn, tăng 4,05%; tôm đạt 12 tấn, giảm 1,48%; thủy sản khác đạt 23,32 tấn, giảm 0,13%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 372,68 tấn, tăng 3,91% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 368,63 tấn, tăng 3,97%; tôm đạt 1,06 tấn, giảm 2,75%; thủy sản khác 2,99 tấn, giảm 0,33%. Tính chung quý I năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 1.128,93 tấn, tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 1.116,07 tấn, tăng 4,25%; tôm đạt 3,59 tấn, giảm 2,45%. 

Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng dự ước đạt 24,22 tấn, tăng 0,37% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 16,04 tấn, tăng 0,12%; tôm đạt 3,08 tấn, tăng 0,98%. Tính chung quý I năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 70,87 tấn, giảm 0,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 48,41 tấn, giảm 0,31%; tôm đạt 8,41 tấn, giảm 1,06%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 3/2024 ước tăng 9,99% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,59%; tính chung quý I năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,06% so với quý I năm 2023. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2024 ước tính tăng 9,99%  so với tháng trước và tăng 7,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 57,62% và tăng 1,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,61% và tăng 8,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,4% và tăng 8,17% , cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,71% và tăng 2,81% .

Tính Tính chung quý I năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp  ước tăng 9,06% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 6,6%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 6,43%  (cùng kỳ năm 2023 giảm 20,6%); ngành chế biến, chế tạo tăng 14,86% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,22%); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,52%  (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,08%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,37%).

Chỉ số sản xuất quý I năm 2024 của một số ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất gường, tủ bàn ghế tăng 33,66%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 24,42%; sản xuất đồ uống tăng 17,07%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,04; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ gường, tủ, bàn, ghế) tăng 13,82%; dệt tăng 11,68%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,8%; sản xuất trang phục tăng 7,98%;...Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm sâu so cùng kỳ năm trước: Khai thác than cứng và than non giảm 79,24%; khai khoáng quặng kim loại giảm 52,26%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 47,83%.

Một số sản phẩm công nghiệp trong quý I năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước: Xi măng Portland đen tăng 9,72%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc trụ cột chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 11,31%; điện thương phẩm tăng 9,26%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 5,04%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Than đá (than cứng) loại khác giảm 79,24%; sản phẩm in khác (quy khổ 13cm x19cm) giảm 35,14%; bàn bằng gỗ các loại giảm 9%; gường gỗ các loại giảm 6%. 

Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý I/2024 có mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 5 năm. Tuy nhiên mức độ tăng giảm giữa các ngành không đồng đều và chủ yếu tăng ở ngành công nghiệp chế biến.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 bằng so với tháng trước và giảm 86,77% so với cùng thời điểm năm trước. 

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2024 tăng 17,42% so với tháng trước và giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,37% so với cùng kỳ năm 2023.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2024 tăng 1,26% so với tháng trước và giảm 1,81% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định và tăng 0,26%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 2,16% và giảm 3,2%. Tính chung quý I năm 2024 số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,24% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,04%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 5,41%).

3. Hoạt động của doanh nghiệp

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong quý I năm 2024 toàn tỉnh dự kiến có 43 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,5% so với cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký trên 195 tỷ đồng và bằng 68,17% so với số vốn đăng ký của các doanh nghiệp cùng kỳ năm trước. Có 79 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 21,54% so với cùng kỳ; giải thể tự nguyện 1 doanh nghiệp. Dự ước số doanh nghiệp đăng ký mới thực tế đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh quý I năm 2024 là 12 doanh nghiệp, chiếm khoảng 28% số doanh nghiệp thành lập mới và sử dụng khoảng 58 lao động chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, thương mại và tư vấn xây dựng; có 24 doanh nghiệp khôi phục mã số thuế quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh. 

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp 

Từ đầu năm đến nay có rất nhiều thuận lợi từ các cơ chế, chính sách của tỉnh khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất và lợi ích kinh tế có được từ sự kiện lớn trên địa bàn Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024, tuy nhiên quý I hoạt động bị gián đoạn do nghỉ tết Nguyên đán, số ngày hoạt động ít hơn quý trước nên trong tổng số các doanh nghiệp chọn mẫu được hỏi có 87,5% nhận định tốt lên so với quý trước, có 6,25% giữ nguyên và có 6,25% doanh nghiệp lựa chọn khó khăn hơn, chỉ số cân bằng quý I so với quý trước đạt 81,25%. Một số doanh nghiệp nhận định trong quý II/2024 có 12,5% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên; 50% cố gắng duy trì như quý I/2024, có 37,5% doanh nghiệp dự báo xu hướng tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2024 khó khăn hơn quý I/2024.

4. Xây dựng 

Quý I năm 2024 thời tiết thuận lợi, một số công trình thuộc vốn đầu tư công được thực hiện đúng theo hợp đồng kinh tế giữa nhà thầu và chủ đầu tư; là quý có tết Nguyên đán nên các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình/hạng mục công trình để nghiệm thu bàn giao, thanh toán, các đơn vị nhà thầu huy động nguồn lực một cách tối đa đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. 

Giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành trên địa bàn tỉnh Điện Biên quý I năm 2024 ước đạt 2.170,73 tỷ đồng, giảm 56,52% so với quý trước và tăng 8,58% so với cùng kỳ năm trước.

 Chia theo loại hình sở hữu: Doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 1.134,55 tỷ đồng (chiếm 52,27%), giảm 61,29% và tăng 11,07%. Các loại hình khác bao gồm xây dựng của các xã, phường, thị trấn; hoạt động của các đội xây dựng cá thể và xây dựng tự làm, tự ở của các hộ gia đình đạt 1.036,82 tỷ đồng (chiếm 47,73%), giảm 49,72% và tăng 5,99%. 

Chia theo loại công trình: Công trình nhà ở đạt 903,65 tỷ đồng (chiếm 41,63%), giảm 54,82% và tăng 6,21%. Công trình nhà không để ở đạt 270,69 tỷ đồng (chiếm 12,47%), giảm 64,47% và tăng 17,15%. Công trình kỹ thuật dân dụng đạt 957,2 tỷ đồng (chiếm 44,14%), giảm 55,52% và tăng 8,94%. Hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 38,19 tỷ đồng (chiếm 1,76%), giảm 49,42% và tăng 1,5%.

5. Thương mại, dịch vụ, vận tải

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 3/2024 rất sôi động, trong tháng với sự kiện Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024... đã thu hút đồng đảo lượng khách du lịch đến với Điện Biên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,43% so với tháng trước và  tăng 16,54% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,63% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2024 ước tính đạt 1.985,82 tỷ đồng, tăng 2,43% so với tháng trước, tăng 16,54% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.813,21 tỷ đồng, tăng 15,63% so với cùng kỳ năm trước.

* Bán lẻ hàng hoá 

Xét theo ngành hoạt động trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2024 và 3 tháng đầu năm 2024 như sau:

* Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 3/2024 ước đạt 82,95 tỷ đồng, tăng 5,82% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 9,23 tỷ đồng, tăng 10,32% và 22,54%; dịch vụ ăn uống đạt 73,72 tỷ đồng, tăng 5,28% và 20,02%. Tính chung quý I năm 2024 đạt 237,66 tỷ đồng, tăng 17,14% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 25,83 tỷ đồng, tăng 15,83%; dịch vụ ăn uống đạt 211,83 tỷ đồng, tăng 17,31%.

* Dịch vụ khác

Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 3/2024 ước tính đạt 262,66 tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước, tăng 8,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2024 đạt 785,38 tỷ đồng, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước.

b) Hoạt động Vận tải

Trong tháng với nhiều sự kiện quan trọng diễn ra để chào mừng lễ Khai mạc năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024… Tác động tích cực đến hoạt động vận tải cả về vận tải hành khách và hàng hóa, trong đó: vận chuyển hành khách tăng 18,81% và luân chuyển hành khách tăng 19,54% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 14,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 14,35%.

Tính chung quý I năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 13,10% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 13,63% và vận chuyển hàng hóa tăng 10,95%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,92%. 

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi ước thực hiện tháng 3/2024 đạt 141,89 tỷ đồng, tăng 4,91% so với tháng trước và tăng 15,22% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2024 ước đạt 405,7 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hành khách ước đạt 82,69 tỷ đồng; tăng 13,27%; vận tải hàng hóa ước đạt 318,87 tỷ đồng, tăng 10,92%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4,14 tỷ đồng, giảm 2,37%.

Vận tải hành khách tháng 3/2024 ước đạt 262,322 nghìn hành khách, tăng 6,14% so với tháng trước, tăng 18,81% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 41,68 triệu HK.km, tăng 7,14% và tăng 19,54%. Tính chung quý I năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 744,263 nghìn hành khách, tăng 13,10% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 117,65 triệu HK.Km, tăng 13,63%.

Vận tải hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 726,124 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 4,31% so với tháng trước, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 32,97 triệu tấn.km, tăng 4,41% so với tháng trước, tăng 14,35% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 2.085,364 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 94,61 triệu tấn.km, tăng 10,92%.

*Vận tải hàng không: Doanh thu dịch vụ của Cảng hàng không Điện Biên ước đạt 3.037,19 triệu đồng, giảm 17,46% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt khách thông qua Cảng hàng không dự tính đạt 45.091 hành khách (trong đó, chiều khách đi 22.559 hành khách, chiều khách đến 22.532 hành khách), so với cùng kỳ năm trước số lượt khách tăng 15,08% (chiều khách đi tăng 19,39%, chiều khách đến tăng 11,06%). Số lượng hàng hóa bốc xếp qua Cảng hàng không ước đạt 1,76 tấn.

c) Bưu chính viễn thông

Dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục đà tăng trưởng; cơ sở hạ tầng được mở rộng; chất lượng dịch vụ có nhiều đổi mới, đa dạng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thị trường.

Doanh thu dịch vụ bưu chính viễn thông ước quý I năm 2024 đạt 228,13 tỷ đồng, (trong đó: doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 37,51 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 190,62 tỷ đồng), so với cùng kỳ năm trước doanh thu bưu chính viễn thông tăng 0,25% (dịch vụ bưu chính tăng 0,56%, dịch vụ viễn thông tăng 0,19%); 

Số thuê bao điện thoại (có đến cuối kỳ báo cáo) ước đạt 567.218 thuê bao, trong đó: (thuê bao cố định đạt 5.702 thuê bao; thuê bao di động đạt 561.516 thuê bao); so với năm trước giảm 3,67% (thuê bao cố định giảm 5,2%; thuê bao di động tăng 3,78%); số thuê bao internet (có đến cuối kỳ báo cáo) ước đạt 72.000 thuê bao so với cùng kỳ năm trước tăng 20,79%.

II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

1. Hoạt động ngân hàng 

Ngành ngân hàng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trong thực hiện quản lý hoạt động tài chính, tiền tệ trên địa bàn đảm bảo chặt chẽ, đúng định hướng; ưu tiên tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án trọng điểm của tỉnh; kịp thời thực hiện các yêu cầu, giải pháp theo chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động ước thực hiện đến 31/3/2024 là 18.890 tỷ đồng, tăng 3,85% so với 31/12/2023, tăng 0,96% so với tháng trước. Tiền gửi VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, 99,5%/tổng nguồn vốn huy động. Nguồn vốn huy động tiếp tục tăng ở tiền gửi tiết kiệm trong khi giảm ở tiền gửi thanh toán, nguồn vốn huy động từ phát hành giấy tờ có giá tiếp tục giữ ổn định.

Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ tín dụng ước thực hiện đến 31/3/2024 là 20.029 tỷ đồng, giảm 3,20% so với 31/12/2023, giảm 0,66% so với tháng trước. Cho vay bằng VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dư nợ trên địa bàn (99,21%). Tín dụng cho vay nền kinh tế có xu hướng giảm dần cho vay ngắn hạn trong khi tăng dần cho vay dài hạn. Các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền và áp dụng nhiều hình thức huy động vốn khác nhau, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.

Nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn ước thực hiện đến ngày 31/3/2024 là 312 tỷ đồng, chiếm 1,56%/tổng dư nợ.

2. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý I năm 2024 tăng trưởng khá, ước tính đạt 3.629,64 tỷ đồng, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý quý I năm 2024 đạt 17,82% kế hoạch và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2023. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 3/2024 ước đạt 263,24 tỷ đồng, tăng 6,04% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 184,2 tỷ đồng, tăng 5,47% và giảm 6,98%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 72,9 tỷ đồng, tăng 7,55% và tăng 28,64%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 6,14 tỷ đồng, tăng 5,51% và tăng 7,51%. 

 

Tính chung quý I năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 774,07 tỷ đồng, tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước, bằng 17,82% kế hoạch. Cụ thể: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 537,13 tỷ đồng, giảm 4,27%, bằng 18,89%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 218,78 tỷ đồng, tăng 36,23%, bằng 16,39%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 18,16 tỷ đồng, tăng 10,3%, bằng 10,91%.

 Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 3/2024 ước đạt 1.222,14 tỷ đồng, tăng 3,57% so với tháng trước, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 557,3 tỷ đồng, tăng 3,92% và giảm 4,01% (vốn Trung ương quản lý đạt 262,06 tỷ đồng, tăng 4,03% và giảm 11,85%; vốn địa phương quản lý đạt 295,24 tỷ đồng, tăng 3,82% và tăng 4,18%); vốn ngoài Nhà nước đạt 664,84 tỷ đồng, tăng 3,27% và 3,88%. 

Tính chung quý I năm 2024, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 3.629,64 tỷ đồng, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm trước, bằng 17,32% kế hoạch. Cụ thể: vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 1.653,13 tỷ đồng, giảm 4,01%, bằng 17,01% (vốn Trung ương quản lý đạt 776,1 tỷ đồng, giảm 11,85%, bằng 16,13%; vốn địa phương quản lý đạt 877,03 tỷ đồng, tăng 4,18%, bằng 17,86%); vốn ngoài Nhà nước đạt 1.976,52 tỷ đồng, tăng 3,88%, bằng 17,6%.

3. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước ba tháng đầu năm 2024 ước giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước giảm 11,61% so với cùng kỳ năm trước, thu chi ngân sách đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 3 năm 2024 ước đạt 97,93 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ba tháng đầu năm 2024 đạt 349,89 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- Thu nội địa tháng 3 năm 2024 ước đạt 95,83 tỷ đồng; lũy kế ba tháng đầu năm 2024 ước đạt 293,75 tỷ đồng (chiếm 83,95%), giảm 24,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: các khoản thu về nhà đất ước đạt 30,38 tỷ đồng (chiếm 8,68%), giảm 74,8% so cùng kỳ năm trước.

- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu tháng 3 năm 2024 ước đạt 1,24 tỷ đồng; lũy kế ba tháng đầu năm 2024 ước đạt 9,28 tỷ đồng (chiếm 2,65%), tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước. 

b) Chi ngân sách Nhà nước

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 3 năm 2024 ước đạt 1.454,74 tỷ đồng; lũy kế ba tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.440,37 tỷ đồng, giảm 11,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 1.192,19 tỷ đồng (chiếm 34,65%), giảm 34,89%; chi thường xuyên đạt 2.245,11 tỷ đồng (chiếm 65,26%), tăng 9,05%.

4. Hoạt động xuất - nhập khẩu 

Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và hoạt động trao đổi thương mại biên giới quý I năm 2024 tương đối ổn định, không có tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Quý I ước đạt 39,74 triệu USD, tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, đạt 30,57% kế hoạch năm. Trong đó: 

- Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 22,56 triệu USD, bằng 75,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 25,64% so với kế hoạch năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong quý là hàng nông sản (quả bưởi tươi, củ gừng tươi…) và vật liệu xây dựng (sắt thép xây dựng…). 

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 17,18 triệu USD, tăng 2 lần so với thực hiện Quý cùng kỳ năm trước, đạt 40,9% so với kế hoạch năm. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong Quý qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang: Gỗ, hàng nông sản, máy móc thiết bị. 

5. Giá cả

a) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

 Trong tháng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024 và Lễ hội Hoa Ban năm 2024 đã thu hút đông đảo du mọi miền đất nước cũng như người dân địa phương đến tham gia lễ hội. Du khách đến thăm quan, mua sắm đã tác động làm chỉ số một số nhóm hàng tăng so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2024 tăng 0,15% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,28% và so kỳ gốc năm 2019 tăng 10,85%. Bình quân quý I năm 2024, CPI tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,15% của CPI tháng 3/2024 so với tháng trước có 5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số bình ổn và 4 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm. 

(1) Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: 

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,32% (lương thực tăng 0,63% , thực phẩm tăng 0,3% ,  và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,25%).

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,26%, cụ thể: Vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính tăng 0,12%; điện sinh hoạt tăng 0,87% so với tháng trước. Giá gas được điều chỉnh giá bán lẻ theo Quyết định số 164/PLXĐB-QĐ ngày 01/3/2024 của Tổng công ty Xăng dầu tăng 13.992 đồng/bình 12 kg đã tác động làm chỉ số giá gas bình quân trong tháng 2,92%.

Nhóm Giao thông tăng 0,17% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá làm chỉ số mặt hàng xăng A95 III tăng 0,56%.

Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%, trong tháng diễn ra lễ hội Hoa Ban không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn cả du khách thập phương đến với Điện Biên. Tác động chỉ số giá du lịch trong nước tăng 0,29%; du lịch nước ngoài tăng 0,36%; khách sạn tăng 0,72%; nhà khách tăng 0,65%; hoa cảnh trong tháng tăng 0,25%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%.

(2)Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: 

Nhóm đồ uống thuốc lá giảm 0,17%, do nhu cầu của người dân về một số mặt hàng trong nhóm giảm đã tác động làm giảm giá bán các sản phẩm trong nhóm, cụ thể: Nước giải khát có ga giảm 0,54%; bia chai giảm 0,65%; bia lon giảm 0,75%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,22%, nguyên nhân, ra Tết sức mua của người dân giảm đã tác động làm chỉ số giá giảm.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,09%, cụ thể: Máy điều hòa nhiệt độ giảm 0,80%; bình nước nóng nhà tắm giảm 0,56%; lò vi sóng, lò nướng, bếp từ giảm 0,14%; giường giảm 0,56%; tủ các loại giảm 1,1%; đệm giảm 0,86%; chiếu, ga trải gường giảm 0,93%; chăn, màn, gối giảm 0,33%; rèm cửa giảm 1,50%; thảm, tấm trải sàn giảm 1,18%.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14%, nhóm bưu chính viễn thông giảm chủ yếu ở 2 mặt hàng máy điện thoại di động thông thường giảm 0,46%; máy điện thoại thông minh và máy tính bảng giảm 0,19%.

(3) Hai nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và Nhóm giáo dục.

CPI bình quân quý I năm 2024 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023 do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

(1). Giá gạo các loại tăng do nhu cầu mua sắm của người dân tăng để làm quà biếu Tết và chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng. Bên cạnh đó, những năm trước lượng thóc, gạo được thương lái vận chuyển từ nơi khác đến (miền Nam) tuy nhiên năm nay lượng thóc, gạo tại địa phương được xuất khẩu nhiều, năng suất thấp không đủ để chuyển đi các tỉnh, lượng cung không đủ đáp ứng lượng cầu đã tác động làm tăng giá bán mặt hàng gạo.

(2). Vào dịp cuối năm các cơ sở sản xuất thu mua với lượng lớn thịt tươi để làm nguyên liệu thịt sấy khô phục vụ nhu cầu tại chỗ và vận chuyển đi các tỉnh bạn làm quà biếu, tặng Tết.

(3). Thời điểm cuối năm là thời điểm mà sức mua của người dân về một số các mặt hàng như: Quần áo, giày dép, đồ nội thất, gường, tủ, bàn ghế tăng đã tác động làm tăng chỉ số một số nhóm hàng.

(4). Trong quý có ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày lễ tình yêu 14/2, ngày vía thần tài ngày 10 tháng 01 âm lịch nên nhu cầu về mặt hàng hoa tươi tăng cao.

(5). Trong quý trên địa bàn tỉnh diễn ra Lễ hội Đua thuyền đuôi Én lần thứ IX, Giải vô địch các câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thức IV và Lễ hội Hoa Anh Đào - Pá Khoang - Điện Biên năm 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 đã tác động làm chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng.

(6). Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết các tháng 02 và tháng 3 diễn biến bất thường, tỷ lệ người mắc các bệnh hô hấp tăng cao cũng là nguyên nhân tác động làm các cửa hàng thuốc tăng giá bán.

(7).Trong quý Tập đoàn xăng dầu Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu đã tác động làm chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD và giao thông tăng.

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 3 tăng 2,85% so với tháng trước, tăng 19,85% so với cùng kỳ năm trước, tăng 106,18% so với kỳ gốc 2019 và bình quân quý I năm 2024 tăng 16,27%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 tăng 0,84% so với tháng trước, tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,39% so với kỳ gốc 2019 và bình quân quý I năm 2024 tăng 3,91%.

b) Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2023 Chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên quý I năm 2024 tăng 1,82% so với quý trước, tăng 3,66% so với cùng quý năm trước. Trong 3 nhóm sản phẩm chính đều có chỉ số giá tăng, cụ thể: sản phẩm nông nghiệp tăng 1,93% và tăng 3,85%; sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,77% và tăng 2,16%; sản phẩm thủy sản nuôi trồng, khai thác tăng 0,7% và tăng 1,44%.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý I/2024 tăng 1,18% so với quý trước, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: 3 nhóm có chỉ số tăng là: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,98% và tăng 1,25%; nhóm điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,6% và tăng 4,64%; nhóm Nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8% và tăng 1,37%. 1 nhóm còn lại có chỉ số giảm: Sản phẩm khai khoáng giảm 0,18% và tăng 0,19%;

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2024 tăng 0,87% so với quý trước, tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm 2024 tăng so với quý trước là do (1). Đầu năm là thời điểm nhiều chủ đầu tư cũng như cá nhân đã và đang triển khai các công trình, dự án nên tác động làm giá nguyên vật liệu dùng cho xây dựng tăng; (2). Trong quý Tổng công ty xăng dầu Việt Nam đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu đã tác động làm chỉ số giá xăng dầu tăng so với quý trước (3). Trong quý là thời gian gieo trồng một số loại cây lương thực vụ Đông xuân đã tác động làm tăng giá các sản phẩm.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Tình hình lao động, việc làm quý I năm 2024 có xu hướng ổn định và tăng trưởng ở lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

 Với đặc thù là tỉnh miền núi, dân số sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn với hoạt động sản xuất là nông, lâm nghiệp và thủy sản. Do vậy, nguồn lao động của tỉnh có sự phân biệt rõ rệt giữa 2 khu vực và được tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I năm 2024 ước tính là 346.049 người, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động ở khu vực thành thị có 52.737 người (chiếm 15,24%) và khu vực nông thôn là 293.312 người (chiếm 84,76%). 

Có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nhiều sự lựa chọn cho người lao động, số người thất nghiệp giảm. Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm, trong quý I năm 2024 có 234 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (giảm gần 20% so cùng kỳ năm trước); có 77 hồ sơ từ kỳ trước chuyển sang; số người được hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp trong quý là 245 người với tổng số tiền trợ cấp là 2.383,54 triệu đồng.

Dự tính lao động có việc làm trong quý I  năm 2024 là 344.907 người, trong đó lao động ở khu vực thành thị là 51.998 người và nông thôn là 292.909. Chuyển dịch cơ cấu có xu hưởng giảm tỷ lệ lao động trong các ngành nông lâm thủy sản và tăng tỷ lệ lao động ở các ngành xây dựng và dịch vụ.

2. Đời sống dân cư, an sinh xã hội

a) Đời sống dân cư

Đời sống các tầng lớp dân cư tỉnh Điện Biên trong quý I năm 2024 tương đối ổn định. Là năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế, gắn với Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Đây là cơ hội thuận lợi cho các ngành nghề dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là phát triển về du lịch. Ngoài ra các ngành công nghiệp cũng có cơ hội phát triển mạnh khi các sản phẩm OCOP được giới thiệu và chào bán với khách du lịch đến Điện Biên. Mặc dù vẫn còn những thiệt hại do thiên tai gây ra làm thiệt hại về tài sản, và thiệt hại trong việc sản suất nông nghiệp của bà con nông dân. Nhưng nhận được sự quan tâm sát sao, và vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan, nên đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển và càng ngày càng ổn định hơn trước

Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Đến nay tỉnh Điện Biên chưa có xã nông thôn mới kiểu mẫu, 03 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 50/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 22 xã đạt chuẩn NTM và 28 xã cơ bản đạt chuẩn NTM đạt từ 15-18 tiêu chí); số tiêu chí bình quân ước đạt 14,12 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 145 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên quý I năm 2024, nhìn chung giữ được ổn định và có sự tăng trưởng, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp và khối hành chính sự nghiệp. Khối cơ quan, sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động, trợ giúp thăm hỏi nhau lúc khó khăn được duy trì thường xuyên. Ước quý I năm 2024, thu nhập người lao động trong khu vực nhà nước là 8.135 ngàn đồng/người/tháng, khu vực doanh nghiệp nhà nước là 6.920 ngàn đồng/người/tháng, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 1.910 ngàn đồng/người/tháng.

b) Kết quả thực hiện chăm lo tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho người có công, bảo trợ xã hội

Đối với người có công: Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Lao động đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiếp nhận quà của Chủ tịch nước, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức thăm hỏi, tặng 3.488 suất quà trị giá 1.492,76 triệu đồng cho gia đình người có công và thân nhân, trong đó: 1.349 suất quà của Chủ tịch nước trị giá 408.6 triệu đồng, 55 suất quà của tỉnh trị giá 35,95 triệu đồng, 1.334 suất quà của huyện trị giá 680,01 triệu đồng, 562 suất quà của xã, phường, thị trấn trị giá 162 triệu đồng, 188 suất quà của các đơn vị, tập thể, cá nhân trị giá 206,2 triệu đồng.

Bảo trợ xã hội: Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện tiếp nhận hỗ trợ, tặng 20.313 suất quà trị giá 14.980,6 triệu đồng cho hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội (quà cho hộ nghèo và cận nghèo là 19.924 suất quà trị giá 14.822 triệu đồng; quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 389 suất quà trị giá 158,6 triệu đồng).

Hỗ trợ thiếu đói dịp tết Nguyên đán cho 4.720 hộ (giảm 24 hộ so với cùng kỳ năm trước) với 19.350 khẩu (giảm so với cùng kỳ năm trước 1.543 khẩu), số gạo hỗ trợ 290.250 kg.

Về cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế, tính đến ngày 18/03/2024 đã phát miễn phí 458.910 thẻ (tăng so với cùng kỳ năm 2023 là 3.635 thẻ) trong đó: Trẻ em dưới 6 tuổi 77.389 thẻ, bảo trợ xã hội và cựu chiến binh 7.382 thẻ, người nghèo 159.711 thẻ, cận nghèo 4.291 thẻ và người dân tộc nằm trong vùng đặc biệt khó khăn 210.137 thẻ.

c) Tình hình thiếu đói trong dân cư 

Trong quý I/2024 tình hình đời sống nhân dân ổn định, không phát sinh thiếu đói trong dân.

d) Công tác giảm nghèo

Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ước trong quý I năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn toàn tỉnh là 36,97% với tổng số hộ là 51.715 hộ. Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo là 25,68% tương ứng 35.922 hộ; Tỷ lệ hộ cận nghèo là 11,29% tương ứng 15.793 hộ.

e) Giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp

Ước thực hiện kết quả giải quyết việc làm mới quý I/2024 cho khoảng 2.511 lao động, đạt 27,29%/KH tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm là 566 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khoảng 1.106 người (doanh nghiệp ngoài tỉnh 1.012 lao động); đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 36 lao động ; tuyển dụng vào các cơ quan đảng, đoàn thể và thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác là 803 lao động . 

Kết quả tuyển sinh Quý I năm 2024: Toàn tỉnh tuyển sinh 1.494 người (cao đẳng: 04 người, sơ cấp: 1.164 người, đào tạo dưới 3 tháng: 326 người); đạt 17,58% kế hoạch năm, thấp hơn 10,22% so với cùng kỳ năm 2023.

3. Giáo dục - Đào tạo

a) Quy mô trường, lớp, học sinh, sinh viên 

Năm học 2023-2024, ngành GDĐT có 486 trường, trung tâm (169 trường mầm non, 296 trường phổ thông, 17 trung tâm , 04 trường cao đẳng) với 7.396 lớp và 208.066 học sinh, học viên, sinh viên; học sinh người DTTS chiếm 85,69%. So với cùng kỳ năm học trước tăng 02 trường; giảm 05 lớp; tăng 521 học sinh, sinh viên, vượt 0,16%. So với kế hoạch UBND tỉnh giao tăng 01 trường (vượt 0,2% kế hoạch); 7330 lớp (đạt 99,25% kế hoạch), 205.953 học sinh (đạt tỷ lệ 99,5% kế hoạch).

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp xây dựng trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia theo Kế hoạch số 830/KH-UBND ngày 29/3/3021 của UBND tỉnh. Toàn tỉnh có 363/465 trường mầm non và phổ thông (chiếm 78,06%) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; có 355/465 trường mầm non và phổ thông (chiếm 76,34%) đạt kiểm định chất lượng giáo dục

b) Tình hình giáo viên và cơ sở vật chất 

Năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo có tổng số 15.746 công chức, viên chức và người lao động, trong đó: 108 công chức, 1.256 cán bộ quản lý, giảm 07 người với năm học trước; 12.133 giáo viên, tăng 173 người so với năm học trước; 2.249 nhân viên giảm 28 người với năm học trước.

Toàn tỉnh có 7.450 phòng học, 1.431 phòng học bộ môn, 3. 652 phòng nội trú học sinh, 1.747 phòng công vụ giáo viên.

4. Y tế

a) Tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch 

Tình hình dịch bệnh: Tình hình dịch trên địa bàn toàn tỉnh ổn định; không có ổ dịch nào xảy ra.

Công tác phòng chống dịch: Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động về phòng, chống dịch trên địa bàn. Tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, đặc biệt là các bệnh lây qua đường tiêu hóa và các dịch bệnh mùa hè; duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư để chủ động đối phó với dịch. Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức giúp cho người dân hiểu và chủ động phòng chống dịch bệnh.  

b) Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS 

Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 31/01/2024, có 120/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.795 ca nhiễm HIV (08 ca mắc mới được phát hiện trong tháng, 01 ca chuyển đi tỉnh khác); tích lũy số ca AIDS là 5.491 (không có ca nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS mới trong tháng); tử vong do AIDS lũy tích 4.154 ca (11 ca tử vong mới trong tháng). Tổng số ca nhiễm HIV được quản lý là 3.405 chiếm 93,9% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,52%.

c) Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm 

Đã tăng cường công tác truyền thông và kiểm tra, giám sát về VSATTP tại các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh và dịch vụ ăn uống trên địa bàn, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, Lễ hội Xuân, Lễ hội Hoa Anh Đào, Lễ hội Hoa Ban và các Lễ hội khác của tỉnh. Kết quả: Trong 02 tháng đã tổ chức 126 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP. Thực hiện thanh, kiểm tra đối với 1.318 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Kết quả: 100% cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu. Trong quý không xảy ra ca ngộ độc thực phẩm.

5. Hoạt động văn hóa, thông tin, Thể dục thể thao và du lịch

a) Tổ chức Khai mạc Năm Quốc gia – Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024

Lễ hội diễn ra từ ngày 16/3/2024 - 18/3/2024 với nhiều hoạt động ; đặc việt là chương trình Khai mạc Lễ hội đầu tư quy mô hoành tráng với sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Bộ, ngành TW; các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên nổi tiếng đến từ các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương; lực lượng quần chúng đến từ các trường học, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phầm văn hóa, du lịch; Cuộc thi ảnh “Lung linh miền hoa ban” năm 2024;... được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về con người, bản sắc văn hóa đặc sắc, các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và các sản phẩm, điểm đến du lịch đặc trưng, gắn với vẻ đẹp hoa ban của tỉnh Điện Biên; tổ chức các hoạt động tại không gian văn hóa vùng cao: Hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian, truyền thống các dân tộc và thi đấu thể thao...đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, các du khách ngoài tỉnh và quốc tế đến tham quan, du lịch, mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về văn hóa, con người Điện Biên.

b) Hoạt động quản lý Nhà nước và văn hóa, văn nghệ

Công tác tuyên truyền: Công tác tuyên truyền, cổ động các hoạt động, sự kiện của tỉnh, của đất nước được thực hiện tập trung ở khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và ở các đơn vị cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú: Các đội tuyên truyền lưu động toàn tỉnh đã thực hiện 310 buổi hoạt động tuyên truyền trên 145 nghìn lượt người; căng treo gần 4.000 băng, cờ, khẩu hiệu. Trong đó, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh thực hiện gần 600 băng, cờ, khẩu hiệu; Đội tuyên truyền lưu động thực hiện 37 buổi tuyên truyền đạt 28% kế hoạch; sáng tác 05 tranh mẫu, xuất bản 1/200 bản cuốn văn hóa, thể thao, du lịch gửi cơ sở tuyên truyền; dựng 9 phim phóng sự, bổ sung 150 pa nô và dựng các cụm cổ động tuyên truyền trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.

Hoạt động văn nghệ quần chúng: Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh chủ trì tổ chức 16 hoạt động văn hóa, văn nghệ ; 06 hoạt động văn hóa, văn nghệ tại sân Hành lễ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; toàn tỉnh hiện có 1.208 đội văn nghệ quần chúng, tổ chức 1.491 buổi biểu diễn với 94 nghìn lượt người xem.

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Đoàn nghệ thuật tổ chức dàn dựng, tập luyện 02/5 chương trình nghệ thuật và biểu diễn 31 chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đạt 23% Kế hoạch năm 2024, phục vụ gần 72 nghìn lượt xem. Trong đó tiêu biểu là Chương trình nghệ thuật Khai mạc Lễ hội Đua thuyền đuôi Én lần thứ IX, Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn Quốc gia lần 2 thứ IV, năm 2024 và Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên tại thị xã Mường Lay; chương trình nghệ thuật mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024; Phối hợp thực hiện Chương trình nghệ thuật Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024.

Hoạt động phát hành phim và chiếu bóng, phát hành sách: Tổ chức chiếu phim lưu động vùng cao: 303 buổi; chiếu phim tại Rạp: 37 buổi; chiếu phim phục vụ chính trị 18 buổi. Thực hiện dịch, lồng tiếng 01 phim bằng tiếng dân tộc Thái, Mông. Duy trì 9 cơ sở phát hành và phát hành được trên 2,389 nghìn bản sách.

Hoạt động hệ thống Thư viện: Trong tháng, bổ sung mới 620 bản; Luỹ kế quý I/2023 Hệ thống thư viện nhập bổ sung 1.302 bản sách nâng số sách có đến cuối kỳ báo cáo là 233.888 bản; cấp trên 1,83 nghìn thẻ cho độc giả; phục vụ gần 92 nghìn lượt độc giả; có trên 196 nghìn lượt tài nguyên thông tin được phục vụ. 

Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong tháng, hai bảo tàng và các điểm di tích đón 48.133 lượt khách đến tham quan, trong đó có 734 lượt khách nước ngoài. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 đón 99.509 lượt khách tham quan, trong đó 1.801 lượt khách nước ngoài.

c) Hoạt động thể dục thể thao

 Tổ chức Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn Quốc gia lần thứ IV, năm 2024, tại Lễ hội Đua thuyền đuôi Én ần thứ IX; tham dự giải Bóng đá giao hữu thanh thiếu niên “Cúp Lan Thương - Trà mã cổ đạo” năm 2024 tại thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; tổ chức các hoạt động biểu diễn trò chơi dân gian tại Tuần Văn hoá du lịch Điện Biên - Thanh Hoá năm 2024; Phối hợp tổ chức, điều hành các cuộc thi đấu thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh; tham mưu Quyết định thành lập Ban tổ chức, Quyết định thành lập các tiểu ban giúp việc, Thông báo phân công nhiệm vụ thành viên Ban Tổ chức Giải THACO Marathon Vì an toàn giao thông - Điện Biên Phủ 2024. Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các Giải thể thao cấp tỉnh, cấp ngành. 

Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh; Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục nhận được sự tham gia hưởng ứng của Nhân dân. Toàn tỉnh có tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33,24% trên tổng số dân toàn tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 21,2% trên tổng số hộ gia đình toàn tỉnh; có 433 Câu lạc bộ TDTT cơ sở; 100% số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa.

Thể thao thành tích cao: Duy trì công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; thành lập đoàn vận động viên, huấn luyện viên tham gia giải thi đấu khu vực và toàn quốc.

d) Lĩnh vực du lịch

Tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên năm 2024, tại thị xã Mường Lay; Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên, trong khuôn khổ Tuần Văn hoá - Du lịch Điện Biên tại tỉnh Thanh Hoá; phối hợp tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Điện Biên phát huy tiềm năng lợi thế phát triển du lịch bền vững", tại thành phố Điện Biên Phủ.

Tổ chức các hoạt động trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm văn hoá du lịch trong khuôn khổ Lễ hội ; tổ chức gian hàng giới thiệu du lịch Điện Biên. Kết nối với các đơn vị và doanh nghiệp phối hợp trưng bày các sản phẩm OCOP, nhạc cụ truyền thống; cuộc thi ảnh “Lung linh miền Hoa Ban” năm 2024; thiết kế, lắp đặt sơ đồ bố trí các hoạt động, cổng, gian hàng trưng bày; sản xuất 1.000 tờ rơi, 50 phướn, stande phục vụ tuyên truyền Lễ hội; thực hiện sản xuất 02 video quảng bá du lịch, 1.000 Tập gấp giới thiệu một số chương trình du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh (tiếng Việt); 1.400 cuốn Cẩm nang du lịch Điện Biên (tiếng Việt – Tiếng Anh); 2.000 Bản đồ du lịch Điện Biên (Tiếng việt -Tiếng Anh); 1.000 logo du lịch ĐIện Biên; 600 Biểu trưng năm Du lịch Quốc gia; thiết kế, thay 16 pano giới thiệu du lịch Điện Biên. 

Dự ước tháng 3 đón khoảng 210 ngàn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 1.300 lượt. Tính chung 3 tháng năm 2024 lượng khách du lịch đạt 440.600 lượt, tăng 1,46 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: khách quốc tế đạt 3.285 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 777 tỷ đồng, tăng 1,48 lần so cùng kỳ năm trước. 

6. Tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm môi trường

a) Tai nạn giao thông

Từ 15/01/2023 đến 14/02/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nan giao thông làm chết 06 người, bị thương 11 người, ước thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Nguyên nhân do người điều Không chú ý quan sát, đi sai làn đường, phần đường, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ…

Lũy kế từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/01/2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 32 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 10 người chết, 32 người bị thương. So cùng kỳ năm trước: Số vụ tai nạn tăng 3,23%, số người chết tăng 42,86%, số người bị thương giảm 3,03%. Nguyên nhân do người điều khiển sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện, người đi bộ sang đường sai quy định, vượt xe không đúng quy định...

b) Cháy nổ 

Từ 15/11/2023 đến 14/02/2024, không xẩy ra.

c) Tình hình vi phạm môi trường

Trong tháng 3/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện 67 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 29 vụ với tổng số tiền phạt 97,05 triệu đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện 141 vụ vi phạm môi trường, tăng 113,81%, so cùng kỳ năm trước, trong đó xử lý 98 vụ, tăng 117,91% với tổng số tiền phạt 641,35 triệu đồng, tăng 17,86%. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là phá rừng làm nương, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật. 

7. Tình hình thiệt hại do thiên tai

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024 xảy ra một đợt rét đậm, rét hại kéo dài  đã gây ra thiệt hại về chăn nuôi. Thiệt hại xảy ra trên 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, gồm: thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà, Nậm Pồ. Đợt rét đậm, rét hại làm chết 146 con gia súc với ước thiệt hại khoảng 1.247 triệu đồng.

Khái quát lại, kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên quý I năm 2024 tương đối ổn định, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết tâm của các Sở, ban ngành tỉnh; sự cố gắng của vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, với khí thế thi đua, lập thành tích, tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024 gắn với chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá xăng dầu tăng; chăn nuôi vẫn ảnh hưởng của dịch bệnh; hạn hán kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất điện; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn.... Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây: 

- Tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng đúng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đảm bảo cân đối để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

- Tiếp tục thực hiện các kế hoạch đề án phát triển sản xuất phát triển nông, lâm nghiệp  chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác theo kế hoạch, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch hại trên cây trồng vật nuôi đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm, thực hiện các biện pháp PCCCR, bố trí lực lượng thường trực tại các vùng rừng có nguy cơ cháy cao. 

- Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm theo chuỗi liên kết giá trị, gia tăng các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và phục vụ du lịch.

- Duy trì hoạt động vận hành khai thác ổn định, có hiệu quả các nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành. Chủ động nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện đang triển khai.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư công; đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn từ các chủ đầu tư giải ngân chậm sang các đơn vị chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn.

-Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đặc biệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan đến công tác quy hoạch, đất đai để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

- Tăng cường quản lý thị trường giá cả, trong đó cần kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Chủ động ứng phó trước những biến động của thị trường. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới.

- Khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, trong tỉnh đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu thông qua việc chuẩn bị các nguồn hàng đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất sang các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước nói chung, trong tỉnh nói riêng và quyền lợi của người tiêu dùng. 

- Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống dân cư. Tập trung quan tâm các xã, thôn bản khó khăn. Triển khai các hoạt động giám sát trong thực hiện chương trình giảm nghèo và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người nghèo.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động phòng ngừa và xây dựng kế hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai nhằm ổn định sản xuất và đời sống.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây