Doanh nghiệp là đơn vị kinh tế thực hiện hạch toán kinh tế độc lập, có đầy đủ tư cách pháp nhân, thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư trực tiếp của nước ngoài hoặc theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ nước ngoài, bao gồm các loại hình doanh nghiệp sau đây:
Doanh nghiệp Nhà nước gồm các loại doanh nghiệp sau: (1) Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động do trung ương quản lý và địa phương quản lý;
(2) Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước do trung ương quản lý và địa phương quản lý; (3) Công ty cổ phần vốn trong nước mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (để thuận lợi cho việc tổng hợp số liệu, quy ước nếu Nhà nước chiếm giữ trên 50% vốn chủ sở hữu được tính là doanh nghiệp Nhà nước).
Doanh nghiệp ngoài Nhà nước gồm các doanh nghiệp vốn trong nước, thuộc sở hữu tư nhân của một người hoặc nhóm người có sở hữu Nhà nước nhưng chiếm từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước gồm: (1) Các doanh nghiệp tư nhân; (2) Các công ty hợp danh; (3) Các công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân; (4) Các công ty cổ phần không có vốn Nhà nước; (5) Các công ty cổ phần có tỷ lệ vốn Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu. Khu vực này có hai loại hình chủ yếu là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài với các đối tác trong nước.
Lao động của doanh nghiệp là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công. Lao động của doanh nghiệp không bao gồm: (1) Những người nhận vật liệu của doanh nghiệp về làm tại gia đình (lao động gia đình); (2) Những người đang trong thời gian học nghề của các trường, trung tâm gửi đến thực tập và doanh nghiệp không quản lý, trả lương; (3) Những lao động của các liên doanh gửi đến và doanh nghiệp không quản lý, trả lương.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân cũng được tính là lao động của doanh nghiệp đối với những người là thành viên trong gia đình có tham gia quản lý sản xuất hoặc trực tiếp sản xuất, nhưng không nhận tiền lương, tiền công – thu nhập của họ là thu nhập hỗn hợp, bao gồm cả lãi kinh doanh.
Vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của doanh nghiệp
Vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là số tiền ứng trước cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: tổng số vốn tự có (nguồn vốn chủ sở hữu) của doanh nghiệp và các khoản nợ phải trả (các khoản nợ vay và nợ phải trả khác). Vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của doanh nghiệp được tính bằng bình quân vốn kinh doanh của thời điểm đầu năm và cuối năm.
Công thức tính:
Vốn SXKD bình quân năm | = | Vốn SXKD đầu kỳ + Vốn SXKD cuối kỳ |
2 |
Tài sản cố định và đầu tư dài hạn của doanh nghiệp là toàn bộ giá trị còn lại của tài sản cố định, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang, các khoản ký quỹ, ký cược dài hạn và các khoản đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp.
Doanh thu thuần của doanh nghiệp là tổng thu nhập của doanh nghiệp do tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, cung cấp các dịch vụ cho bên ngoài sau khi trừ các khoản thuế (Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp phải nộp) và các khoản giảm trừ (chiết khấu, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại). Doanh thu thuần không bao gồm: (1) Doanh thu hoạt động tài chính; (2) Doanh thu các hoạt động bất thường như thanh lý, nhượng bán tài sản, thu tiền vi phạm hợp đồng, thu các khoản nợ khó đòi đã xử lý…
Tổng thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp là tổng các khoản mà người lao động nhận được do tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm:
– Tiền lương, thưởng và các khoản phụ cấp, các khoản thu nhập khác có tính chất lương: Gồm tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp và tiền thưởng trong lương.
– Các khoản thu khác của người lao động: Quà tặng, thưởng của cấp trên…
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp là số lợi nhuận thu được trong năm của doanh nghiệp từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính và các hoạt động khác phát sinh trong năm trước khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là tổng lợi nhuận của toàn doanh nghiệp, đã được bù trừ giữa các hoạt động có lãi và hoạt động bị thua lỗ.
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là tỷ lệ của tổng số lợi nhuận trước thuế trong năm của doanh nghiệp chia cho tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp do tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, cung cấp các dịch vụ và các thu nhập khác. Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu phản ánh kết quả tiêu thụ được một đồng doanh thu thì có bao nhiêu đồng lợi nhuận.
Trang bị tài sản cố định bình quân 1 lao động của doanh nghiệp là tỷ lệ của tổng tài sản cố định bình quân trong kỳ với tổng số lao động bình quân trong kỳ, chỉ tiêu này phản ánh một lao động được trang bị bao nhiêu đồng tài sản cố định.
Công thức tính:
Trang bị TSCĐ bình quân 1 LĐ | = | TSCĐ bình quân trong kỳ |
Lao động bình quân trong kỳ |
Trong đó:
TSCĐ bình quân trong kỳ | = | Tổng TSCĐ đầu kỳ + Tổng TSCĐ cuối kỳ |
2 |
Lao động bình quân trong kỳ | = | Tổng số lao động đầu kỳ + Tổng số lao động cuối kỳ |
2 |
Số doanh nghiệp và các chỉ tiêu thống kê của doanh nghiệp chỉ tính cho các doanh nghiệp đang còn hoạt động đến ngày 31 tháng 12 hàng năm, không bao gồm: (1) Các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép, mã số thuế nhưng chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; (2) Các doanh nghiệp đã giải thể, sáp nhập, chuyển đổi loại hình; các doanh nghiệp đã cấp đăng ký kinh doanh nhưng không có tại địa phương (đã xác minh mà không thấy); (3) Các đơn vị không phải là doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, như các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, các đơn vị sự nghiệp.
Số doanh nghiệp và các chỉ tiêu thống kê của doanh nghiệp chỉ tính cho các doanh nghiệp đang còn hoạt động đến ngày 31 tháng 12 hàng năm, không bao gồm: (1) Các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép, mã số thuế nhưng chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; (2) Các doanh nghiệp đã giải thể, sáp nhập, chuyển đổi loại hình; các doanh nghiệp đã cấp đăng ký kinh doanh nhưng không có tại địa phương (đã xác minh mà không thấy); (3) Các đơn vị không phải là doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, như các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, các đơn vị sự nghiệp.
Hợp tác xã trong điều tra doanh nghiệp gồm các loại hình: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân.
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 4 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.
Lao động trong hợp tác xã là toàn bộ số lao động do hợp tác xã quản lý, sử dụng và trả lương, trả công, không bao gồm xã viên.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn