Những điểm mới - Trong điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020

Thứ ba - 07/07/2020 16:38
Cuộc điều tra nông thôn nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết gọn là tỉnh) đối với các hộ mẫu có hoạt động sản xuất nông nghiệp; toàn bộ trang trại, UBND xã
Điều tra Nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ (NNGK) là cuộc điều tra thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 31/12/2009 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 1695/QĐ-TCTK, về việc tiến hành Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ thời điểm 01/7/2020 và ban hành kèm theo Phương án điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020.
 
Cuộc điều tra nhằm đáp ứng ba mục đích chính sau (1) Tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phân tích và dự báo tình hình phát triển nông thôn, nông nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương (2) Đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nông thôn, nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025; phục vụ giám sát các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp của Việt Nam và thực hiện so sánh quốc tế (3) Cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông nghiệp; xây dựng dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra trong lĩnh vực nông nghiệp và các yêu cầu thống kê khác.
 
Về phạm vi điều tra: Cuộc diều tra NNGK 2020 tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết gọn là tỉnh) đối với các hộ mẫu có hoạt động sản xuất nông nghiệp; toàn bộ trang trại, UBND xã. Đối tượng điều tra bao gồm: Lao động của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp và trang trại; điều kiện sản xuất của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp; điều kiện và kết quả sản xuất của trang trại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; điều kiện sống của cư dân nông thôn.
 
Nội dung điều tra tập trung vào 3 nhóm thông tin lớn như sau:
 
Thông tin thực trạng sản xuất nông nghiệp, bao gồm: Đơn vị sản xuất; lao động; đất nông nghiệp và diện tích sản xuất nông nghiệp; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu; số lượng và công suất máy móc thiết bị chủ yếu dùng cho sản xuất nông nghiệp; thông tin về hoạt động trợ giúp cho sản xuất nông nghiệp; thông tin chuyên sâu đánh giá hoạt động sản xuất nông nghiệp của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả;
 
Thông tin về nông thôn, bao gồm: Số hộ, nhân khẩu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; thông tin hỗ trợ sản xuất ở nông thôn; thông tin về các hình thức phát triển kinh tế nông thôn; thông tin khác về nông thôn;
 
- Thông tin về cư dân nông thôn, bao gồm: Số hộ dùng điện, số hộ dùng nước máy; số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; số hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; số lượt người khám chữa bệnh tại trạm y tế xã; số lượt người được tập huấn, dạy nghề miễn phí; số hộ vay vốn và nguồn vay ưu đãi; thông tin cơ bản một số chức danh lãnh đạo xã;…
 
  Có 4 loại phiếu điều tra được sử dụng để thu thập thông tin trong cuộc điều tra này, bao gồm: Phiếu số 01/ĐTNNGK-HO: Phiếu thu thập thông tin về tình hình cơ bản của hộ (viết gọn là Phiếu hộ ngắn); phiếu số 02/ĐTNNGK-HO: Phiếu thu thập thông tin chuyên sâu về hoạt động sản xuất của hộ (viết gọn là Phiếu hộ dài); phiếu số 03/ĐTNNGK-TT: Phiếu thu thập thông tin về trang trại (viết gọn là Phiếu trang trại); phiếu số 04/ĐTNNGK-XA: Phiếu thu thập thông tin về tình hình cơ bản và kết cấu hạ tầng của xã (viết gọn là Phiếu xã).
 
Vì là kỳ đầu tiên thực hiện nên Điều tra Nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020 có những điểm mới so với Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 và các kỳ Tổng điều tra trước đây.
 
Thứ nhất, về phạm vi điều tra: Thực hiện điều tra mẫu hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp, thông tin suy rộng đến cấp tỉnh. Do là điều tra mẫu nên đối với điều tra hộ sẽ có quy mô nhỏ hơn so với kỳ TĐT 2016 (khoảng 1,4 triệu hộ so với 17 triệu hộ kỳ TĐT 2016).
 
Thứ hai, cuộc điều tra này ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn điều tra, từ chuẩn bị mạng lưới, thu thập thông tin, kiểm tra, nghiệm thu số liệu, xử lý số liệu đến công bố kết quả điều tra. Đặc biệt trong thu thập thông tin, các điều tra viên ghi thông tin vào phiếu điều tra điện tử trên máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc ghi vào phiếu điều tra trực tuyến hoặc tự cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử, sau đó dữ liệu điều tra sẽ được đồng bộ về máy chủ của Tổng cục Thống kê để xử lý, tổng hợp.
 
Thứ ba, thông tin về hộ của cuộc Điều tra này được kết nối với dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019. Toàn bộ thông tin về hộ và nhân khẩu của hộ từ sơ sở dữ liệu Tổng điều tra dân số 2019 sẽ được kết nối với dữ liệu Điều tra NTNNGK 2020 (đối với những hộ thuộc phạm vi điều tra). Điều tra viên cập nhật những thay đổi về hộ và những thay đổi về nhân khẩu của hộ trong khoảng thời gian từ 01/4/2019 đến 01/7/2020 vào phiếu điều tra.
 
Thú tư về nội dung điều tra: Không thu thập thông tin về điều kiện sống và đồ dùng chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của hộ, do đã thực hiện trong điều tra Khảo sát mức sống dân cư. Bổ sung các thông tin chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp bền vững (đối với phiếu dài).
 
Thứ năm, công tác tập huấn nghiệp vụ đã có sự đổi mới toàn diện. Tổng cục Thống kê tổ chức hội nghị triển khai phương án điều tra, hướng dẫn nghiệp vụ tại Tổng cục, đồng thời kết nối trực tuyến đến 63 Cục Thống kê tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Việc tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến đã kết hợp được hội nghị cấp Trung ương và hội nghị cấp tỉnh, kết quả đã rút ngắn thời gian triển khai tập huấn, không cần tập trung đông người trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 chưa được dập tắt hoàn toàn, đồng thời tiết kiệm được kinh phí cho công tác tập huấn. Mặt khác, chất lượng của công tác tập huấn cũng được nâng cao do đã giảm bớt một khâu tập huấn trung gian cấp tỉnh.
 
Song song với việc tổ chức Hội nghị tập huấn, Tổng cục Thống kê xây dựng các video clip giới thiệu phương án điều tra, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, phục vụ công tác tập huấn nghiệp vụ ở địa phương. Thông qua các video clip này, điều tra viên nhận được sự hướng dẫn trực tiếp của các báo cáo viên cấp Trung ương, phục vụ cho công tác phỏng vấn, thu thập thông tin./
 
Đỗ Thái Sơn –
Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây