Hỏi đáp Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Giai đoạn 2

Thứ hai - 28/06/2021 15:37
Ngoài việc liên hệ với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra và giám sát viên cấp trên trực tiếp, điều tra viên thống kê và giám sát viên các cấp có thể liên hệ với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương theo số điện thoại đường dây nóng 1800585827 (miễn phí cuộc gọi đến) để được hỗ trợ toàn bộ các nội dung liên quan đến Tổng điều tra.
Câu 1. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nhằm thu thập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế (bao gồm: các doanh nghiệp/hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng) nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô, lao động, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ sở kinh tế… làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế của đất nước, địa phương.

Là cơ sở để tính toán và tổng hợp chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP).

Câu 2. Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể nào là đối tượng điều tra của Tổng điều tra kinh tế năm 2021

Trả lời:


Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thuộc đối tượng của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đảm bảo các điều kiện sau:

- Là nơi trực tiếp diễn ra hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân (trừ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản).

- Thuộc sở hữu của một người, một nhóm người hoặc một gia đình, chưa đăng ký hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.

- Có địa điểm xác định hoặc có địa điểm không ổn định.

- Thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ, tập quán kinh doanh (tổng thời gian hoạt động ít nhất là 3 tháng/một năm).

Câu hỏi 3: Ai là người đến cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể để thu thập thông tin, việc thu thập thông tin được thực  hiện theo hình thức nào?

Trả lời:


- Điều tra viên do Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế cấp xã tuyển chọn, có đeo thẻ điều tra viên khi đến cơ sở thu thập thông tin; 

- Điều tra viên trực tiếp đến từng cơ sở để gặp chủ cơ sở hoặc người quản lý; thu thập và điền thông tin vào thiết bị điện tử thông minh, điện thoại di động được cài đặt sẵn chương trình.

Câu hỏi 4: Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cần cung cấp những thông tin gì cho điều tra viên thống kê

Trả lời:

Chủ cơ sở hoặc người quản lý cung cấp cho điều tra viên những thông tin chủ yếu đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể như sau:

1. Thông tin định danh.

2. Thông tin về lao động.

3. Thông tin về tài sản.

4. Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của cơ sở.

5. Thông tin về nhóm sản phẩm và kết quả sản xuất kinh doanh của cơ sở.

6. Cung cấp thông tin về Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở.

Câu 5. Thông tin định danh về cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin nào?

Trả lời: 

Thông tin định danh về cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin sau đây:

- Thông tin về tên cơ sở và địa điểm kinh doanh.

- Địa chỉ của cơ sở.

- Địa điểm sản xuất kinh doanh của cơ sở.

- Họ và tên, Giới tính, Dân tộc, Quốc tịch, Năm sinh của chủ cơ sở.

- Trình độ chuyên môn của chủ cơ sở. 

- Tình trạng đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của cơ sở.

- Mã số thuế của cơ sở.

Câu 6. Thông tin về lao động của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin nào?

Trả lời: 

Thông tin về lao động của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin sau đây:

- Tổng số lao động (kể cả chủ cơ sở); trong đó: lao động nữ tại thời điểm 01/7/2021; lao động không phải trả công (thường là lao động trong gia đình); lao động thuê ngoài (phải trả công trả lương).

- Số lao động thường xuyên trong năm: là số lao động có tại cơ sở ước tính bình quân trong năm.

Câu 7. Thông tin về tài sản của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin nào?

Trả lời: 

Thông tin về tài sản của  cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin sau đây:

- Tài sản cố định (TSCĐ): là những tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có giá trị từ 10 triệu đồng và thời gian sử dụng trên 01 năm, tính cho từng tài sản.

- Giá trị tài sản cố định khi mua hoặc xây dựng: bao gồm chi phí mua tài sản cố định và các chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử,... (nếu có) của tất cả các tài sản cố định hiện có đến thời điểm điều tra đang được sử dụng cho sản xuất kinh doanh của cơ sở.

- Giá trị mua hoặc xây dựng mới trong năm 2021: bao gồm chi phí mua tài sản cố định và các chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử,... (nếu có) phát sinh trong năm 2021.

- Tổng số tiền vốn bỏ ra để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh: bao gồm giá trị của tài sản cố định, giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu, tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng sẵn sàng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở.

- Số tiền vay nợ: bao gồm toàn bộ số tiền dùng vào mục đích sản xuất kinh doanh mà chủ cơ sở đang còn nợ các tổ chức và cá nhân tại thời điểm điều tra.

Câu 8. Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin nào?

Trả lời:

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin sau đây:

- Số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 là số tháng kinh doanh mà cơ sở đã thực hiện từ 01/01/2021 đến 01/7/2021, và ước tính số tháng kinh doanh của cơ sở trong 6 tháng cuối năm 2021.

- Số tiền vốn và lãi thu được của cơ sở tính bình quân một tháng có hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021. 

- Tiền thuê địa điểm sản xuất kinh doanh bình quân 1 tháng trong năm phải bỏ ra cho việc thuê địa điểm sản xuất kinh doanh trong năm 2021 (nếu có).

Câu 9. Thông tin về nhóm sản phẩm và kết quả sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin nào?

Trả lời:

Thông tin về nhóm sản phẩm và kết quả sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể gồm những thông tin sau đây:

- Tên nhóm sản phẩm. 

- Lượng sản phẩm sản xuất bình quân 1 tháng.

- Lượng sản phẩm đã bán bình quân 1 tháng.

 - Số tiền mua hàng hóa trong tổng số tiền thu về do bán hàng hóa đó hay còn gọi là giá vốn hàng bán. 

- Bán các sản phẩm không qua chế biến như bia, rượu, nước ngọt, thuốc lá, bánh kẹo,... hay còn gọi là giá vốn hàng chuyển bán. 

- Số tiền thu được bao gồm cả vốn và lãi hay còn gọi là doanh thu bình quân một tháng 

Câu 10. Cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải cần cung cấp các thông tin nào trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021

Trả lời: 

Cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải cần cung cấp các thông tin sau đây:

- Phương tiện vận chuyển gồm: Phương tiện vận chuyển hành khách (chở khách) và Phương tiện vận chuyển hàng hóa (chở hàng).

- Thông tin về tải trọng của phương tiện chở khách và chở hàng.

- Năng lực phục vụ của dịch vụ vận tải năm 2021 đối với số lượng hành khách vận chuyển và khối lượng luân chuyển hành khách.

- Thông tin về hàng hóa vận chuyển, luân chuyển

Câu 11. Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú là gì? Phải cung cấp các thông tin nào?

Trả lời: 

(1) Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú bao gồm: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ ngắn ngày, Homestay và Căn hộ du lịch (hay còn gọi là condotel)

- Homestay là loại hình lưu trú mà khách sẽ nghỉ lại trong căn nhà của người dân địa phương, sống và sinh hoạt giống như một thành viên trong gia đình chủ nhà.

- Căn hộ du lịch (hay còn gọi là condotel) là căn hộ trong khu chung cư (cao cấp hoặc trung bình) và có cách thức hoạt động như một khách sạn.

(2) Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cung cấp thông tin cho điều tra viên  về năng lực phục vụ gồm: Số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ, số lượt khách quốc tế, số buồng dùng để phục vụ khách.

Câu 12. Cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng nào thuộc đối tượng điều tra trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021?

Trả lời: 

Các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng sau đây thuộc đối tượng điều tra trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021:

- Cơ sở tôn giáo: Là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận như: chùa, tu viện, thiền viện, tịnh xá, niệm phật đường, nhà thờ, nhà xứ, nhà thờ họ công giáo, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trường đào tạo riêng của tôn giáo...;

- Cơ sở tín ngưỡng: Là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng. Trong cuộc Tổng điều tra này chỉ bao gồm các cơ sở tín ngưỡng là đình, đền, phủ, miếu, am. Loại trừ: các cơ sở tín ngưỡng là từ đường, nhà thờ họ (của một dòng họ hoặc gia đình, không diễn ra các hoạt động thăm viếng, tín ngưỡng mang tính cộng đồng).

Câu hỏi 13: Cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng cung cấp những thông tin nào cho điều tra viên thống kê?

Trả lời: 

Cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng cần cung cấp những thông tin sau cho điều tra viên thống kê:

- Cung cấp thông tin chung của cơ sở: 

- Cung cấp thông tin về người làm việc thường xuyên tại cơ sở 

- Cung cấp thông tin về diện tích xây dựng của cơ sở

- Cung cấp thông tin về hoạt động của cơ sở: 

- Cung cấp thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin: 

Câu 14. Khi cần tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021, có thể liên hệ ở đâu?

Trả lời: 

Thông tin liên quan đến Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được đăng tải tại địa chỉ trang web: www.tongdieutrakinhte2021.gso.gov.vn; 
Ngoài việc liên hệ với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra và giám sát viên cấp trên trực tiếp, điều tra viên thống kê và giám sát viên các cấp có thể liên hệ với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương theo số điện thoại đường dây nóng 1800585827 (miễn phí cuộc gọi đến) để được hỗ trợ toàn bộ các nội dung liên quan đến Tổng điều tra.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Điên Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây