TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 02 NĂM 2023 TỈNH ĐIỆN BIÊN

Thứ ba - 28/02/2023 08:07

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu khác vụ xuân, phát cỏ, tỉa cành chăm bón cho các cây trồng nông nghiệp lâu năm. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được hạn chế. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Nuôi trồng và khai thác thủy sản được duy trì phát triển tốt. 

a) Nông nghiệp

* Trồng trọt

 Sản xuất vụ đông xuân: Tính đến trung tuần tháng Hai, toàn tỉnh gieo cấy được 9.536,58 ha lúa đông xuân, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,46% kế hoạch . Thời tiết trong tháng thuận lợi tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay bà con nông dân đang tích cực làm cỏ, tỉa dặm và bón phân đợt 1 cho những trà lúa sớm và trà chính vụ. Để thực hiện tốt kế hoạch gieo trồng, ngay từ đầu vụ, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp quản lý tốt việc gieo trồng giống lúa, đồng thời vận động bà con nông dân tuân thủ cơ cấu giống của ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu gieo trồng lúa đông xuân. Các loại giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao như Bắc thơm số 7, Tám thơm, Nghi hương… vẫn là dòng chủ đạo trên các trà lúa chiếm tới trên 70% diện tích, còn lại là các giống lúa lai như Séng cù, ST 25...

Bên cạnh việc gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân, các địa phương đang khẩn trương phát dọn nương rẫy và cày bừa đất bãi để gieo trồng các loại cây hoa màu. Đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng được 948,43 ha  cây hoa màu các loại, tăng 0,11% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tiến độ gieo trồng các loại cây màu lương thực tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do thời tiết trong tháng thuận lợi, riêng cây đậu các loại giảm diện tích do hiệu quả kinh tế không cao bà con đã chuyển sang trồng cây hàng năm khác.

Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Trong tháng trời rét, đêm và sáng có sương, một số sâu bệnh xuất hiện và gây hại nhẹ trên cây trồng như: Chuột, ốc bươu vàng, nghẹt rễ/lúa; rệp, khô cành/cây cà phê; thán thư, phấn trắng, xì mủ/cây xoài. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 1.797,90 ha, tăng 74,90 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cây lúa 1.121,60 ha; cây cà phê 185,70 ha; cây ăn quả 291,6 ha; cây rừng (thông, keo, tre luồng) 197,9 ha, cây rau 1,1 ha. Diện tích phòng trừ 3.404,8 ha (chủ yếu phòng trừ đối tượng ốc bươu vàng/lúa).

* Chăn nuôi

 Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Đàn bò vẫn luôn được trú trọng phát triển, các chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống và đầu tư chuồng trại vẫn tiếp tục được quan tâm giúp các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất. Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi.

Từ ngày 15/01/2023 đến ngày 15/02/2023 xuất hiện một số bệnh rải rác trên địa bàn tỉnh  như lép tô lợn (10 con chết); tụ huyết trùng (01 con lợn, 11 con trâu bò chết); ngoài ra phát hiện 02 con bê chết do bệnh phó thương hàn và 02 con nghé chết do bệnh tiêu chảy tại huyện Tủa Chùa. Trong tháng chưa thực hiện công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; kiểm dịch vận chuyển được 1.184 con lợn và 1.314 kg thịt trâu, bò; kiểm soát giết mổ được 310 con trâu, bò và 3.247 con lợn.

Dự ước số lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng trong tháng 02 so với cùng kỳ năm trước: Trâu 920 con, tăng 3,95%; Bò 1.034 con, tăng 5,73%; Lợn 21.910 con, tăng 2,94%.

Số con xuất chuồng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng đều tăng do nhu cầu tiêu dùng trong dân, mặt khác trọng lượng bình quân thịt hơi xuất chuồng trên con của đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ năm trước nên sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng. 

Giá bán các sản phẩm chăn nuôi trong tháng ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất và đầu tư vào chăn nuôi.

b)  Lâm nghiệp

Trong tháng  không xảy ra cháy rừng, tuy nhiên đã xảy ra 25 vụ vi phạm quy định QLBVR, trong đó: Phá rừng trái phép 08 vụ với diện tích thiệt hại 1,03 ha; khai thác rừng trái pháp luật 01 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến lâm sản trái pháp luật 16 vụ. Cơ quan chức năng thu giữ 10,51 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách 166,38 triệu đồng.

Dự ước khai thác được 944,00 m3 gỗ, giảm 4,65% so với thực hiện cùng kỳ năm trước; củi khai thác được 61.501 ste, giảm 0,70%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.943 m3, giảm 4,75%; sản lượng củi khai thác đạt 129.494 ste, giảm 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, do công tác tuyên truyền, quản lý và bảo vệ rừng đồng bộ, chặt chẽ; nhận thức của người dân về lợi ích trong quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng được nâng lên; đời sống của người dân được cải thiện.

c) Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển tốt, dự ước toàn tỉnh có 2.734,88 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tăng 0,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích nuôi cá 2.733,38 ha, diện tích nuôi tôm 0,60 ha, diện tích nuôi thủy sản khác 0,90 ha. Mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước, mô hình nuôi cá bể bồn tại xã Tênh Phông huyện Tuần Giáo với 2.205 m3 cá hồi, giảm sâu so với năm 2022 . Tổng số lượng lồng bè hiện có trên địa bàn tỉnh là 300 lồng với tổng thể tích 45.272 m3. 

Sản lượng thủy sản tháng Hai ước đạt 378,81 tấn, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 367,32 tấn, tăng 3,55%; tôm đạt 3,92 tấn, giảm 0,51%; thủy sản khác đạt 7,57 tấn, giảm 1,30%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 355,39 tấn, tăng 3,66% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 351,02 tấn, tăng 3,70%; tôm đạt 1,13 tấn, tăng 0,89%. Các hộ gia đình cũng như các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã biết lựa chọn các loại giống cá có sức chịu đựng tốt, phù hợp với điều kiện, môi trường nước, biết tận dụng mặt nước trên sông Đà để tiếp tục đầu tư, mở rộng và phát triển nuôi cá lồng. Đồng thời, đã chú ý đến việc nắm bắt và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thực tế của thị trường; ngoài ra, người dân áp dụng kỹ thuật nuôi mới, trú trọng chăm sóc các loại thủy sản mới thả, chủ động nguồn nước, thường xuyên kiểm tra môi trường nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh.

Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng dự ước đạt 23,42 tấn, giảm 0,17% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 16,30 tấn, tăng 0,49%; tôm đạt 2,79 tấn, giảm 1,06%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 765,86 tấn, tăng 3,39%  so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 717,80 tấn, tăng 3,63%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 48,06 tấn, giảm 0,08%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 02/2023 ước giảm 8,36% so với tháng trước (do sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán một số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và doanh nghiệp vẫn chưa đi vào hoạt động trở lại nên nhiều ngành sản xuất công nghiệp giảm sâu). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 02/2023 tiếp tục khởi sắc với mức tăng 11,39%; tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,29% so với 2 tháng đầu năm 2022. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2023 ước giảm 8,36% so với tháng trước và tăng 11,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành khai khoáng giảm 0,01% và giảm 1,18%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chế tạo giảm 5,58% và tăng 14,02%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 18,58% và tăng 11,64%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,71% và giảm 0,27%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp  ước tính tăng 9,29% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,38%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,86%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,34%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,98%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,51%.

Chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2023 của một số ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,30%; sản xuất đồ uống tăng 15,67%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 37,20%; sản xuất điện tăng 18,34%; sản xuất than cốc tăng 12,90%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 8,71%. Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm: Khai khoáng khác giảm 10,39%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ gường, tủ, bàn, ghế) giảm 9,86%; sửa chữa bảo dưỡng máy móc và thiết bị giảm 5,41%...

Một số sản phẩm công nghiệp trong 2 tháng đầu  năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Giường bằng gỗ các loại tăng 33,33%; điện sản xuất tăng 20,17%; bàn bằng gỗ các loại tăng 14,46%; than cốc và bán cốc luyện từ than đá tăng 12,90%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Đá xây dựng giảm 10,55%; sản phẩm in khác (quy khổ 13cm x19cm) giảm 11,19%; báo in giảm 4,59%; than đá (than cứng) loại khác giảm 2,34%. 

Nhìn chung 2 tháng đầu năm các cơ sở sản xuất bị gián đoạn do phải cho công nhân nghỉ Tết dài ngày, hoạt động chưa ổn định, tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành. Một số sản phẩm chủ đạo của tỉnh như Xi măng Điện Biên, gạch tuynel công nghệ cao mặc dù đã được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Lò sản xuất gạch công nghệ cao mới vận hành đã gặp lỗi kỹ thuật và phải tạm ngừng để bảo trì. Ngành sản xuất điện phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước, sự điều tiết nước chung cho cả ngành sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên sản lượng điện tăng cao so với cùng kỳ năm trước do có 1 nhà máy mới phát điện từ tháng 4/2022 và 2 nhà máy mới bắt đầu phát điện từ quý 4 năm 2022.

Qua giai đoạn 5 năm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, tốc độ tăng giảm giữa các ngành không đồng đều do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên đây là dấu hiệu đáng mừng và hy vọng tốc độ tăng trưởng sẽ đạt được mức cao hơn trong những tháng tiếp theo.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2023 tăng 0,10% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 7,08% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,26% và giảm 6,07%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,33% và tăng 17,40%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 6,07% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,89%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 15,30%).  

3. Đầu tư

Hoạt động đầu tư trong tháng Hai tập trung chủ yếu vào chuẩn bị và khởi công các dự án công trình năm 2023, khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng khởi công mới diễn ra sôi nổi. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 2 tháng đầu năm 2023 đạt 10,08% so với kế hoạch năm và tăng 22,22% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 2 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 2.341,33 tỷ đồng, tăng 13,97% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 02/2023 ước đạt 234,48 tỷ đồng, tăng 1,17% so với tháng trước, tăng 31,91% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 178,13 tỷ đồng, tăng 1,3%, tăng 36,15%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 51 tỷ đồng, tăng 0,75%, tăng 25,31%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 5,35 tỷ đồng, tăng 0,64%, giảm 14,09%. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 466,25 tỷ đồng, bằng 10,08% kế hoạch năm và tăng 22,22% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,95%). Cụ thể:

- Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 353,97 tỷ đồng, bằng 10,08% và tăng 24,50%;

- Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 101,62 tỷ đồng, bằng 10,14% và tăng 20,57%;

- Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 10,66  tỷ đồng, bằng 9,69% và giảm 17,4%.

 Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 02/2023 ước đạt 1.177,04 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 21,77% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 483,35 tỷ đồng, tăng 1,06%, tăng 25,78% (vốn Trung ương quản lý đạt 227,85 tỷ đồng, tăng 0,92%, tăng 19,63%; vốn địa phương quản lý đạt 255,50 tỷ đồng, tăng 1,17%, tăng 31,82%); vốn ngoài Nhà nước đạt 693,69 tỷ đồng, tăng 1,12%, tăng 19,12%. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 2.341,33 tỷ đồng, bằng 11,62% kế hoạch năm và tăng 13,97% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 961,65 tỷ đồng, bằng 10,22%, tăng 18,49% (vốn Trung ương quản lý đạt 453,62 tỷ đồng, bằng 10,67%, tăng 15,03%; vốn địa phương quản lý đạt 508,04 tỷ đồng, bằng 9,85%, tăng 21,75%); vốn ngoài Nhà nước đạt 1.379,68 tỷ đồng, bằng 12,86%, tăng 11,03%.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2023 ước tăng 18,36% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 26,0% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 02 năm 2023 ước đạt 105,15 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 316,80 tỷ đồng, tăng 18,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:

- Thu nội địa tháng 02 năm 2023 ước đạt 103,11 tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt đạt 312,39 tỷ đồng, chiếm 98,61% và tăng 23,33% so với cùng kỳ năm trước (một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn tăng cao như: Các khoản thu về nhà đất tăng 118,90%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 11,44%).

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 02 ước đạt 1,69 tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 3,31 tỷ đồng, chiếm 1,04% và giảm 31,42% so với cùng kỳ năm trước. 

b) Chi ngân sách Nhà nước

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 02 năm 2023 ước đạt 1.272,84 tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 2.402,61 tỷ đồng, tăng 26,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 594,70 tỷ đồng, chiếm 24,75%, tăng 31,31%; chi thường xuyên đạt 1.805,38 tỷ đồng, chiếm 75,14%, tăng 24,18%.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả, vận tải

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong tháng tăng nhẹ so với tháng trước, nhiều cơ sở hoạt động dịch vụ đã hoạt động ổn định trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, hoạt động du xuân sau tết diễn ra sôi nổi, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2023 ước tăng 53,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 46,48% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2023 ước tính đạt 1.695,27 tỷ đồng, tăng 1,73% so với tháng trước, tăng 53,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.361,80 tỷ đồng, tăng 46,48% so với cùng kỳ năm trước.

* Bán lẻ hàng hoá 

Xét theo ngành hoạt động trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 02/2023 và 2 tháng đầu năm 2023 như sau:

* Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 02/2023 ước đạt 60,36 tỷ đồng, tăng 1,67% so với tháng trước và tăng 30,27% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 4,42 tỷ đồng, tăng 1,23% và tăng 35,73%; dịch vụ ăn uống đạt 55,94 tỷ đồng, tăng 1,71% và tăng 29,85%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 đạt 119,73 tỷ đồng, tăng 26,96% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 8,79 tỷ đồng, tăng 37,78%; dịch vụ ăn uống đạt 110,93 tỷ đồng, tăng 26,17%.

* Dịch vụ khác

Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 02/2023 ước tính đạt 74,41 tỷ đồng, tăng 0,87% so với tháng trước, tăng 39,03% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 đạt 148,18 tỷ đồng, tăng 31,72% so với cùng kỳ năm trước. 

b) Giá cả

*Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Thị trường tháng sau Tết Nguyên đán Quý Mão đã dần trở lại ổn định giá cả các mặt hàng bình ổn hoặc giảm nhẹ so với tháng trước tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2023 tăng 0,26% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,24% và so kỳ gốc năm 2019 tăng 9,57%. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 0,31% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,26% của CPI tháng 02/2023 so với tháng trước có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số bình ổn và 6 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm. 

(1). Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: 

Nhóm Giao thông có mức tăng cao nhất với 2,22%, nguyên nhân, do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong tháng điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ vào ngày 13/02/2023, ngày 21/02/2023 và ngày 11/01/2023 đã tác động đến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 4.92% so với tháng trước; Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng sửa chữa ô tô, xe máy và xe đạp cũng có giá bán tăng giao động từ 0,49% - 1,43%.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,83%: Do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu chỉ số giá gas bình quân trong tháng tăng 6,35%; giá sắt thép xây dựng tăng làm cho Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,79%. Nhu cầu sử dụng điện nước trong tháng của người dân tăng làm cho Chỉ số giá nước tăng 0,22%, giá điện sinh hoạt tăng 3,10%. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa được Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán lẻ vào ngày 13/02/2023 và ngày 21/02/2023 làm cho chỉ số giá dầu hỏa bình quân trong tháng giảm 2,01%.

Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05%, sau kỳ nghỉ tết kéo dài hoạt động du xuân diễn ra sôi nổi ở nhiều gia đình và doanh nghiệp đã tác động làm chỉ số giá nhóm du lịch trong nước tăng 0,27%; khách sạn tăng 0,14%; nhà khách tăng 0,79%.

(2) Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,32%: Lương thực giảm 1,01% ; thực phẩm giảm 0,30 ; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,06%.

Nhóm đồ uống thuốc lá giảm giảm 0,66% Sau Tết giá các loại đồ uống đã dần ổn định và quay về mức giá như trước tết giá đồ uống, thuốc lá các loại đều giảm.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,34%: Các mặt hàng quần áo, giày dép giảm đáng kể như: Quần, áo cho nam (13 tuổi trở lên) giảm 0,20%; quần, áo cho nữ (13 tuổi trở lên) giảm 0,58%; quần áo cho trẻ em trai (từ 2 đến dưới 13 tuổi) giảm 0,46%; quần áo cho trẻ em gái (từ 2 đến dưới 13 tuổi) giảm 0,44%; quần áo cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 2 tuổi) giảm 0,37%; Các mặt hàng khác trong nhóm tương đối ổn định.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,04%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,02%. 

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04% giảm chủ yếu ở các mặt hàng cắt tóc, gội đầu giảm 0,50%; dịch vụ chăm sóc cá nhân giảm 0,34% so với tháng trước. Các mặt hàng khác trong nhóm tương đối ổn định.

(3) Hai nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước gồm: Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 02 tăng 0,82% so với tháng trước, tăng 8,03% so với cùng kỳ năm trước, tăng 73,75% so với kỳ gốc 2019 và bình quân 2 tháng đầu năm 2023 tăng 8,40%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 3,80% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,53% so với kỳ gốc 2019 và bình quân 2 tháng đầu năm 2023 tăng 3,56%.

* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất

 Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.

 c) Hoạt động Vận tải

Hoạt động vận tải tháng 02/2023 sôi động hơn so với tháng trước khi các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, nhu cầu đi lại và du lịch của người dân tăng cao sau kỳ tết Nguyên đán, cùng với giá cước vận tải hành khách và hoàng hoá tăng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận tải tăng 101,87% ; vận tải hành khách tăng 169,95% về vận chuyển và tăng 160,48% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 87,95% về vận chuyển và tăng 84,75% về luân chuyển.

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi ước thực hiện tháng 02/2023 đạt 141,18 tỷ đồng, tăng 1,54% so với tháng trước và tăng 101,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 280,22 tỷ đồng, tăng 100,11% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hành khách ước đạt 54,7 tỷ đồng, tăng 175,3%; vận tải hàng hóa ước đạt 220,87 triệu đồng, tăng 85,45%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4,65 triệu đồng, tăng 336,85%. 

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 02/2023 ước đạt 251,29 nghìn hành khách, tăng 1,08% so với tháng trước, tăng 169,95% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 38,13 triệu HK.km, tăng 1,11% và tăng 160,48%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 499,91 nghìn hành khách, tăng 171,37% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 75,84 triệu HK.km,tăng 168,03%. 

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 2/2023 ước đạt 729,06 nghìn tấn, tăng 1,25% so với tháng trước và tăng 87,95% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 33,0 triệu tấn.km, tăng 1,52% so với tháng trước và tăng 84,75% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.449,13 nghìn tấn, tăng 86,09% so với cùng kỳ năm trước và khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 65,51 triệu tấn.km, tăng 82,58%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Thiếu đói trong dân

Trong tháng tình hình đời sống nhân dân ổn định, không phát sinh thiếu đói trong dân.

2. Y tế

a) Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Tính từ ngày 01/01/2023 đến 16h ngày 14/02/2023, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 24 bệnh nhân mắc COVID-19, điều trị khỏi và xuất viện 24 bệnh nhân, không có bệnh nhân tử vong.

Ngành y tế tiếp tục tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Kết quả: Lũy tích đến ngày 14/02/2023, tỷ lệ tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên được tiêm: Mũi 1 đạt 99,4%; mũi  2  đạt 96,1%; nhắc lại lần 1 đạt 94,1%; nhắc lại lần 2 đạt 97,1%. Tỷ lệ tiêm chủng từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm: mũi 1 đạt 98,6%, mũi 2 đạt 97,8%; mũi 3 đạt 91,9%. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm: mũi 1 đạt 99,2%, mũi 2 đạt 91%. 

Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ dịch do bệnh truyền nhiễm khác gây ra.

b) Công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 31/01/2023, có 120/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.701 ca nhiễm HIV (02 ca mắc mới được phát hiện trong tháng); tích lũy số ca AIDS là 5.503 (không có ca nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS mới trong tháng); tử vong do AIDS lũy tích 4.051 ca (13 ca tử vong mới trong tháng). Tổng số ca nhiễm HIV quản lý được là 3.418 chiếm 93,6% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,53%.

c) Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. 

Công tác giám sát an toàn thực phẩm: Tại tuyến huyện thực hiện giám sát định kỳ 73 cơ sở. Kết quả: 100% cơ sở đạt yêu cầu an toàn thực phẩm.

Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy tích cấp Giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đạt 97,0%. 

Trong tháng, không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm. 

3. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục.

Giáo dục Mầm non - Tiểu học: Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện chương trình học kỳ 2 năm học 2022-2023. Tham gia các tiểu ban trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Mầm non. Thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 4 tỉnh Điện Biên. Thực hiện tập huấn các nội dung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai cho giáo viên Mầm non và Tiểu học... 

Giáo dục Trung học: Kiểm tra tư vấn triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; dạy học, ôn tập ôn thi lớp 12. Thực hiện hướng dẫn thi An toàn giao thông vì nụ cười ngày mai. Tiếp tục chuẩn bị các Dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia năm học 2022-2023. Hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn tuyển sinh lớp 6 và lớp 10 năm học 2023-2024. Phối hợp thực hiện biên soạn, thẩm định tài liệu GDĐP lớp 11, 12 cấp trung học. Tham gia các hoạt động theo Kế hoạch kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên...

Giáo dục Thường xuyên: Tiếp tục dự thảo các Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh; chính sách đối với lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào. Phối hợp tổ chức thực hiện Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023. Thực hiện Chương trình phối hợp tổ chức các lớp học xóa mù chữ, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân, giai đoạn 2021-2030 với Trại giam Nà Tấu thuộc Bộ Công an. Thực hiện kiểm tra đánh giá, xếp loại đơn vị học tập, cộng đồng học tập cấp xã năm 2022 tại một số đơn vị, sở ngành. Ban hành kế hoạch hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2023.

4. Văn hoá, thể thao và du lịch

a) Lĩnh vực văn hóa và gia đình

Hoạt động Tuyên truyền: Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức rộng khắp từ tỉnh xuống cơ sở, trong đó, tập trung vào các nội dung: Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023), 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023); 44 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phái Bắc của Tổ quốc (17/02/1979-17/02/2023); Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02). Tuyên truyền, cổ động mặt đường 14 buổi; tuyên truyền trên loa phóng thanh tại rạp 15 buổi; căng treo cờ 30 cờ phướn, khẩu hiệu; dựng 20 biển hiệu, cụm cổ động Lễ hội Hoa Ban 2023. Xuất bản cuốn Văn hóa Thể thao Du lịch số 01/2023 gửi cơ sở tuyên truyền.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng: Trung tâm Văn hóa, Điện Ảnh tổ chức 02 chương trình văn nghệ Chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21; 04 buổi văn nghệ tại sân hành lễ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Tổ chức 12 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ, phục vụ gần 30 nghìn lượt người xem. Phối hợp biểu diễn chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 60 năm (02/02/1963 - 02/02/2023) thành lập trường Chính trị tỉnh Điện Biên. Xây dựng kế hoạch tập luyện chương trình Khai mạc Lễ hội hoa Ban năm 2023.

Hoạt động phát hành phim và chiếu bóng, phát hành sách: Tổ chức chiếu phim lưu động vùng cao: 100 buổi; chiếu phim tại Rạp: 11 buổi; chiếu phim phục vụ chính trị 02 buổi. Trưng bày giới thiệu các Xuất bản phẩm - Văn hoá phẩm chào mừng kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam tại các Hiệu sách, của hàng. Xuất bản cuốn VHTTDL số 01/2023.

Hoạt động hệ thống Thư viện: Trong tháng, bổ sung mới 309 bản, sách hạt nhân 87 bản; tổng số bạn đọc sử dụng thư viện 17.152 lượt; số lượt tài nguyên thông tin được phục vụ: 20.314 lượt; số lượt độc giả truy cập CSDL thư viện điện tử 9.632 lượt; Xây dựng 52 Folder (1.020 Files Audio book) cập nhật lên CSDL Sách nói; giới thiệu sách mới trên trang TTĐT: 50 cuốn.

Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong tháng, hai bảo tàng và các điểm di tích đón 35.612 lượt khách đến tham quan, trong đó có 757 lượt khách nước ngoài. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023 đón 57.587 lượt khách tham quan, trong đó 1.453 lượt khách nước ngoài.

b) Lĩnh vực thể dục thể thao

Phong trào TDTT quần chúng: Tính đến tháng 02/2023, số người tham gia luyện tập thường xuyên ít nhất 01 môn thể thao là 206.749 người, chiếm 32,16% tổng số dân trong tỉnh. Số gia đình thể thao 29.888 người, có 422 câu lạc bộ thể thao cơ sở trong toàn tỉnh.

Thể thao thành tích cao: Tiếp tục tham mưu các bước tiếp theo của Đề án phát triển TDTT quần chúng tỉnh Điện Biên giai đoạn 2023 -2025 và định hướng đến năm 2030. 

c) Lĩnh vực du lịch

Trong tháng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch: Tư vấn, hỗ trợ hơn 60 lượt khách du lịch, 10 lượt doanh nghiệp du lịch tìm hiểu thông tin về du lịch Điện Biên. Thực hiện 20 buổi phát màn hình Led tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Duy trì các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Điện Biên trên các trang mạng, phương tiện truyền thông….

Dự ước tháng 02 đón khoảng 61.420 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 905 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 107,49 tỷ đồng. Tính chung 02 tháng năm 2023 lượng khách du lịch đạt 111.620 lượt, trong đó: khách quốc tế đạt 1.723 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 195,34 tỷ đồng, tăng 7,08 lần so cùng kỳ năm trước.

5. Tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm môi trường.

a) Tai nạn giao thông

 Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023 xảy ra 2 vụ va chạm và tai nạn giao thông làm 1 người chết, 1 người bị thương. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vượt sai quy định. Lũy kế từ 15/11/2022 đến 14/01/2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 4 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 2 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn tăng 33,33%, số người chết giảm 50%, số người bị thương tăng 50%. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý quan sát, người đi bộ không đi sát lề đường bên phải; người điều khiển xe ô tô không đi đúng làn đường quy định; vượt sai quy định.

b) Cháy nổ

 Từ 15/12/2022 đến 14/01/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy nhà ở riêng lẻ, ước giá trị thiệt hại 0,38 tỷ đồng, nguyên nhân gây ra vụ cháy là do sự cố thiết bị điện. Luỹ kế từ 15/11/2022 đến 14/01/2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xẩy ra 4 vụ cháy nhà ở riêng lẻ, không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại khoảng 2,48 tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy là do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa và sự cố thiết bị điện.

c) Vi phạm môi trường

 Trong tháng 02/2023, cơ quan chức năng đã phát hiện 25 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 17 vụ với tổng số tiền phạt 166,38 triệu đồng. Tính chung 02 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 34 vụ vi phạm môi trường, giảm 54,67%, so cùng kỳ năm trước, trong đó xử lý 22 vụ, giảm 60,71% với tổng số tiền phạt 203,65 triệu đồng, tăng 31,60%. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là phá rừng làm nương, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật.

6. Thiệt hại do thiên tai

Ngày 04/02/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa đá, dông, lốc đã làm 10 ngôi nhà bị tốc mái; 1,85 ha ngô và hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn; về thông tin liên lạc: 1 màn hình ngoài trời bị đổ và các biển hiệu quảng cáo bị đổ; 120 cây xanh đô thị bị gãy đổ và một số thiệt hại khác. Ước giá trị thiệt hại khoảng 2,93 tỷ đồng. 

Tính chung 02 tháng đầu năm 2023 thiên tai đã làm 15 nhà hư hại; 10m tường rào và 10m mái tôn nhà để xe trường học bị hư hỏng; 5 trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng thiết bị; 1,85 ha ngô và hoa màu; về thông tin liên lạc: 1 màn hình ngoài trời bị đổ và các biển hiệu quảng cáo bị đổ; 120 cây xanh đô thị bị gãy đổ và một số thiệt hại khác. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 3,4 tỷ đồng . 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây