Trong số 27 quốc gia EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương đạt hơn 10 tỷ USD năm 2019, chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch ngoại thương giữa Việt Nam và EU. Dù kết quả đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng và thực tế quan hệ chính trị song phương, song việc EVFTA được thông qua là cơ hội lớn cho không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà với cả các doanh nghiệp Đức và châu Âu, vốn còn thận trọng trong việc tiến vào thị trường Việt Nam - cửa ngõ để mở rộng ra khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á nói chung. Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định này, nhiều hãng tin, kênh truyền hình và giới doanh nghiệp của Đức đưa tin đậm nét, đồng thời đánh giá cao những cơ hội trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong thời gian tới.
Báo cáo viên của Nghị viện châu Âu (EP) về EVFTA, ông Ghê-ớt Bua-ghớt, khẳng định đây là "cơ hội tuyệt vời cho các nhà xuất khẩu và đầu tư châu Âu".
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Pê-tơ An-mai-ơ đánh giá thỏa thuận đạt được mở ra tiềm năng thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp liên bang Đức (BDI) Giô-a-khim Lang cho rằng ngành công nghiệp Đức đã “thở phào“ khi thỏa thuận được thông qua, bởi nó sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động trao đổi kinh tế với Việt Nam.
Truyền thông Áo nhận định, việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Áo. Trang tin của Phòng Kinh tế Áo (WKO) cho rằng với việc EVFTA được thông qua ở Việt Nam, cánh cửa tiếp cận thị trường Đông Nam Á trong tương lai đối với các doanh nghiệp Áo sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Áo, đó là diễn biến hết sức tốt đẹp, bởi có tới 50% số việc làm ở Áo phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu. Theo WKO, EVFTA sẽ xóa bỏ nhiều rào cản thuế quan, giúp cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường và đơn giản hóa các quy định về thương mại. Bài viết đánh giá Việt Nam là nền kinh tế mạnh và có tính cạnh tranh, với tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều cùng lực lượng lao động trẻ, năng động. Việt Nam cũng sẽ là trung tâm về công nghệ, kỹ thuật số và khởi nghiệp của châu Á.
Nghị sĩ Mác Ta-ra-be-la thuộc Ủy ban Nông nghiệp EP đánh giá EVFTA về tổng thể là một thỏa thuận tốt và có lợi cho cả hai bên, bởi EU và Việt Nam có những thế mạnh khác nhau. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ giúp tăng mỗi năm hơn 15 tỷ euro kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu và hơn 8 tỷ euro từ châu Âu sang Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, nghị sĩ Ta-ra-be-la cho rằng Việt Nam cần tăng năng suất trong nông nghiệp, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để thuận lợi hơn cho xuất khẩu.
Ông Ta-ra-be-la nhấn mạnh một thách thức thực sự là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó sản phẩm của Việt Nam phải bảo đảm theo tiêu chuẩn châu Âu. Ông nêu rõ muốn cải thiện các tiêu chuẩn, khâu kiểm soát và sản xuất phải tuân thủ các chuẩn mực của châu Âu, và một khi vấn đề này được giải quyết thì Việt Nam có thể tăng trao đổi thương mại trong tương lai.
Từ I-ta-li-a, trang tin trực tuyến Affaritaliani.it nhận định cơ hội hợp tác mới đang mở ra cho các doanh nghiệp châu Âu sau khi EVFTA được cả EU và Việt Nam thông qua. Theo bài báo, EVFTA là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ), trong đó các mặt hàng được hưởng lợi lớn sẽ là dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản,... Đổi lại, các doanh nghiệp EU có thể tiếp cận với một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, dân số trẻ, năng động. Các doanh nghiệp châu Âu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy, thiết bị, ô tô, hóa-dược, công nghệ thông tin, dịch vụ,... sẽ được hưởng lợi lớn từ thỏa thuận này.
Theo nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, EVFTA và Hiêp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng được Quốc hội Việt Nam thông qua dự kiến sẽ giúp GDP của EU tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá để thu hút đầu tư chất lượng từ EU, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và lao động có tay nghề. Đây chính là cơ hội hợp tác đối với các công ty châu Âu, cụ thể là hỗ trợ các đối tác Việt Nam về công nghệ, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số cũng như kiến thức quản lý. Điều này cũng đặt ra những thách thức, buộc các doanh nghiệp châu Âu phải trang bị và đổi mới, có kế hoạch dài hơi để có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong hàng chục năm tới.
Tác giả bài viết: Mạnh Hùng
Nguồn tin: http://baohaiphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn