TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 01 NĂM 2025

Thứ hai - 03/02/2025 15:02

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng Một trên địa bàn tỉnh tập trung vào thu hoạch các loại cây hoa màu vụ Đông và gieo cấy vụ Đông Xuân 2025; chú trọng chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng.

a) Nông nghiệp

* Trồng trọt

- Sản xuất vụ Đông: Các địa phương  đang tập trung thu hoạch cây hoa màu vụ Đông chủ yếu ngô, khoai lang, lạc, rau các loại. Đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh thu hoạch được 708,03 ha , tăng 4,08% so cùng kỳ năm trước.

- Sản xuất vụ Đông Xuân: Dự ước toàn tỉnh gieo cấy được 6.853,52 ha lúa, tăng 30,06%  so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài việc thu hoạch cây trồng vụ Đông và gieo cấy lúa Đông Xuân, bà con nông dân tranh thủ làm đất, phát dọn nương rẫy để chuẩn bị gieo trồng các loại cây hoa màu.

- Cây nông nghiệp lâu năm: Tập trung chăm sóc những diện tích hiện có để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với việc chăm sóc các loại cây trồng bà con nông dân tranh thủ thu hoạch sản phẩm một số cây ăn quả phục vụ tết Nguyên đán Ất Tỵ như chuối, táo, bưởi, cam, quýt…

- Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 2.234,15 ha , tăng 605,95 ha so cùng kỳ năm trước; diện tích phòng trừ 2.056,2 ha.

* Chăn nuôi: 

Trong tháng tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định và không có biến động lớn. 

Dự ước số lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng trong tháng và so với cùng kỳ năm trước: Trâu 1.038 con, tăng 4,01%; Bò 1.176 con, tăng 4,07%; Lợn 24.450 con, tăng 5,36%. Số con xuất chuồng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng đều tăng do nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán tăng.

Tình hình thiệt hại do dịch bệnh : từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/01/2025 bệnh Dịch tả cổ điển xảy ra tại 01/10 huyện với tổng số lợn mắc bệnh và chết 01 con, bệnh tụ huyết trùng làm chết 01 con hươu tại huyện Điện Biên. Kiểm dịch động vật được 1.686 con lợn xuất tỉnh Hoà Bình, 260 con trâu bò, 19 con ngựa, 60 con dê và 6630 kg thịt trâu, bò xuất tỉnh. Kiểm soát giết mổ được 4.630 con lợn và 452 con trâu, bò.

b) Lâm nghiệp 

Công tác phát triển Lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng được duy trì thường xuyên. Dự ước khai thác được 945 m3 gỗ, giảm 2,07%; củi khai thác được 69.410 ste, tăng 1,87% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. 

Trong tháng toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng; tuy nhiên, đã xảy ra 62 vụ phá rừng, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ (thiệt hại 21,55 ha, tăng 10,3 lần); 4 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng; 01 vụ tàng trữ, mua bán, xuất nhập khẩu, chế biến lâm sản trái pháp luật; 01 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trong tháng 121,25 triệu đồng, lâm sản tịch thu 1,3 m3.

c) Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển tốt, dự ước toàn tỉnh có 2.747,92 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích nuôi cá 2.746,42 ha. Các mô hình nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm và đầu tư 332 lồng với thể tích 45.940 m³; mô hình nuôi cá hồi bằng bể bồn tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với 600 m3.

Sản lượng thủy sản tháng 01/2025 ước đạt 424,36 tấn, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 412,18 tấn, tăng 3,06%; tôm đạt 4,31 tấn, tăng 0,94%; thủy sản khác đạt 7,87 tấn, tăng 0,64% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 01/2025 ước đạt 399,77 tấn, tăng 3,67% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 395,18 tấn, tăng 3,71%; tôm đạt 1,5 tấn, tăng 1,35%; thủy sản khác 3,09 tấn, tăng 0,65%. 

Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 01/2025 ước đạt 24,59 tấn, tăng 0,94% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 17 tấn, tăng 1,07%; tôm đạt 2,81 tấn, tăng 0,72%; thủy sản khác 4,78 tấn, tăng 0,63%. 

2. Sản xuất công nghiệp

Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra cuối tháng Một năm 2025 nên số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước , một số ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống hoạt động sôi động để cung cấp một khối lượng lớn các mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Tuy nhiên một số ngành hoạt động gián đoạn do thời gian nghỉ Tết dài ngày như ngành khai khoáng, sản xuất xi măng Điện Biên nhiều công trình dự án lớn đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nên nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu giảm, sản lượng sản xuất thấp để hạn chế lượng hàng tồn kho. 

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2025 giảm 8,2% so với tháng trước và tăng 6,29% so với cùng kỳ năm trước. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2025 ước tính giảm 8,2% so với tháng trước và tăng 6,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 37,95% và tăng 3,54%; ngành chế biến, chế tạo giảm 3,44% và tăng 5,47%; sản xuất và phân phối điện giảm 14,41%  và tăng 10,36%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,04% và tăng 4,52%.

Chỉ số sản xuất tháng 01/2025 của một số ngành cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 22,3%; Sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 20,56%; sản xuất đồ uống tăng 14,31% ; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,39%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,15% (chủ yếu báo, tạp chí Tết và các phông biển quảng cáo). Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm sâu so cùng kỳ năm trước: Khai thác than cứng và than non tạm ngừng sản xuất không có sản phẩm; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 9,09%; sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 6,3%; khai khoáng khác giảm 1,36%.  

Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng Một năm 2025 tăng cao so cùng kỳ năm trước: Báo in (quy khổ 13cm x19cm) tăng 20,54%; sản phẩm in khác (quy khổ 13cm x19cm) tăng 14,5%; điện sản xuất tăng 10,68%; điện thương phẩm tăng 8,1%;... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Than đá (than cứng) loại khác không có sản phẩm; Xi măng Portland đen giảm 11,86%; gường bằng gỗ các loại giảm 10,53%. 

Xi măng Điện Biên là sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh, số lượng đơn đặt hàng giảm và số ngày nghỉ Tết tăng nên sản lượng giảm sâu, tốc độ tăng giảm của xi măng ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng giảm chung của toàn ngành. Ngành điện năm nay có thêm nhà máy thủy điện Mường Luân 2 phát điện từ tháng 5/2024 nên sản lượng điện sản xuất tăng.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2025 giảm 0,63% so với tháng trước và tăng 2,37% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định và tăng 2,51%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 1,06% và tăng 2,28%. 

3. Đầu tư 

Hoạt động đầu tư trong tháng Một tập trung chủ yếu khối lượng thực hiện  tại các công trình chuyển tiếp. Tháng 01 năm 2025 vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tính đạt 906,14 tỷ đồng, giảm 26,81% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 193,49 tỷ đồng giảm 26,31% so với cùng kỳ năm trước).

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2025 ước đạt 193,49 tỷ đồng, giảm 58,15% so với tháng trước, giảm 26,31% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 133,5 tỷ đồng, giảm 57,07%, giảm 25,12%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 54,38 tỷ đồng, giảm 59,53%, giảm 30,38%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 5,61 tỷ đồng, giảm 67%, giảm 9,51%. 

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 01/2025 ước đạt 906,14 tỷ đồng, giảm 50,90% so với tháng trước, giảm 26,81% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 407,84 tỷ đồng, giảm 51,15%, giảm 28,35% (vốn Trung ương quản lý đạt 191,05 tỷ đồng, giảm 41,95%, giảm 30,87%; vốn địa phương quản lý đạt 216,78 tỷ đồng, giảm 57,14%, giảm 25,96%); vốn ngoài Nhà nước đạt 498,3 tỷ đồng, giảm 50,7%, giảm 25,50%. 

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước tháng 01 năm 2025 ước tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8,29% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

a) Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 01 năm 2025 ước đạt 185,53 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- Thu nội địa tháng 01 năm 2025 ước đạt 137,35 tỷ đồng (chiếm 74,03%), tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước;

- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu tháng 01 ước đạt 3,05 tỷ đồng (chiếm 1,64%), tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước. 

b) Chi ngân sách Nhà nước

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 01 năm 2025 ước đạt 1.245,29 tỷ đồng, tăng 8,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 169,62 tỷ đồng (chiếm 13,62%), giảm 13,98%; chi thường xuyên đạt 1.071,77 tỷ đồng (chiếm 86,07%), tăng 12,79%.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả, vận tải

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Một là thời điểm trước và trong tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong tháng trên địa bàn diễn ra sôi động, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 ước tăng 4,52% so với tháng trước và tăng 21,78% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 ước đạt 2.288,95 tỷ đồng, tăng 4,52% so với tháng trước, tăng 21,78% so với cùng kỳ năm trước. 

* Bán lẻ hàng hoá 

Phân theo ngành hoạt động trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01/2025 như sau:

* Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 01/2025 ước đạt 120,44 tỷ đồng, tăng 4,06% so với tháng trước và tăng 48,10% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 14,68 tỷ đồng, tăng 4,43% và tăng 58,95%; dịch vụ ăn uống đạt 105,76 tỷ đồng, tăng 4,01% và tăng 46,71%. 

* Dịch vụ khác

Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 01/2025 ước đạt 294,09 tỷ đồng, tăng 7,93% so với tháng trước, tăng 14,04% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhìn chung, hoạt động thương mại trong tháng có xu hướng tích cực, tập trung vào hầu hết các mặt hàng đặc trưng phục vụ nhu cầu đón Tết của người dân. Nguồn cung về hàng hóa luôn được đảm bảo, dồi dào và phong phú, giá cả ổn định đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của thị trường. Bên cạnh đó, trong tháng công chức, viên chức, người lao động được truy lĩnh lương mới, tiền thưởng theo Nghị định 73, Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ X, Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia lần thứ V và Lễ hội Hoa anh đào – Pá Khoang – Điện Biên năm 2025 góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cũng như doanh thu các ngành dịch vụ trên địa bàn.

b) Xuất nhập khẩu hàng hóa 

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 11,4 triệu USD, giảm 12,44% so thực hiện tháng trước và giảm 23,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: 

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,1 triệu USD, giảm 13,52% so thực hiện tháng trước và giảm 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng bách hóa tổng hợp, hàng nông sản và vật liệu xây dựng.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,3 triệu USD, giảm 10,6% so thực hiện tháng trước và giảm 35,53% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Gỗ, hàng nông sản, máy móc thiết bị. 

c) Chỉ số giá 

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Tháng 01/2025 tăng 0,46% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,17% và so kỳ gốc năm 2019 tăng 10,2%. 

Trong mức tăng 0,46% của CPI tháng 01/2025 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm có chỉ số bình ổn. 

(1) Mười nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng: 

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,61%, trong đó: Lương thực tăng 0,47% ; thực phẩm tăng 0,7% ; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,3%.

Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,51% tập trung tăng ở một số mặt hàng như: Nước giải khát có ga tăng 1,09%; nước quả ép tăng 0,95%; nước uống tăng lực đóng chai, lon, hộp tăng 0,94%; rượu mạnh tăng 0,54%; rượu vang tăng 0,69%; bia lon tăng 1,63%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,45%, do nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép chuẩn bị tết Nguyên đán tăng. Cụ thể: vải các loại tăng 0,67%; quần áo cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 2 tuổi) tăng 0,81%; găng tay, thắt lưng tăng 0,84%; giầy dép (sandan) cho nam tăng 0,87%; giầy, dép (sandan) cho nữ tăng 0,94%; giầy vải, thể thao người lớn tăng 0,51%; giày trẻ em tăng 0,66%.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,14% , cụ thể: Vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,12%; nước sinh hoạt tăng 0,21%; điện sinh hoạt tăng 0,81%.

Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,4%, do vào dịp Tết người dân có nhu cầu mua mới, thay thế các thiết bị và đồ dùng gia đình còn thiếu hoặc đã cũ, hỏng. Cụ thể: Lò vi sóng, lò nướng, bếp từ tăng 1,36%; trang thiết bị nhà bếp tăng 0,75%; giường tăng 1,06%; tủ các loại tăng 1,06%; bát, đĩa tăng 0,94%; ly, cốc, lọ hoa tăng 1,05%; rèm cửa tăng 0,71%; thảm, tấm trải sàn tăng 0,7%; thuê người phục vụ tăng 1,23%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%, cụ thể: nhóm thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, chống viên tăng 0,48%; vitamim và khoáng chất tăng 0,71%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,46%.

Nhóm giao thông tăng 1,06%, do thời điểm cuối năm nhu cầu sửa chữa các phương tiện đi lại tăng. Cụ thể: Xe máy tăng 0,45%; phụ tùng ô tô tăng 0,52%; sữa chữa xe máy tăng 0,38%; dịch vụ rửa xe, bơm vá tăng 1,54%. Bên cạnh đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong tháng điều chỉnh tăng, giảm đã tác động làm chỉ số giá xăng A95 III tăng 1,91%; dầu Diezel tăng 5,0%.

Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,11%, cụ thể: Máy điện thoại thông thường tăng 0,38%; phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng tăng 0,64%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%, do thị trường hoa, cây cảnh nhộn nhịp các nhà vườn đầu tư trồng nhiều loại hoa, cây cảnh đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc để đáp ứng số lượng tiêu thụ lớn của người dân trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán. Cụ thể: Tivi màu tăng 0,83%; chụp, in tráng ảnh tăng 0,8%; cây, hoa cảnh tăng 1,44%; vật cảnh tăng 0,64%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,44%, cụ thể: hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,58%; đồng hồ đeo tay tăng 0,72%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng từ 0,33% - 0,95%; vật dụng về hỉ tăng 0,81%; dịch vụ về hỉ tăng 1,05%; vật dụng tang lễ, thờ cúng tăng 0,56%.

(2) Một nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm giáo dục.

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 01/2025 tăng 0,87% so với tháng trước, tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước, tăng 121,27% so với kỳ gốc 2019. 

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2025 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước, tăng 9,34% so với kỳ gốc 2019. 

* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất: Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa 

Hoạt động vận tải trong tháng Một trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa phục vụ dịp tết Nguyên đán. So với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 26% và luân chuyển hành khách tăng 25,43%; vận chuyển hàng hóa tăng 29,57% và luân chuyển hàng hóa tăng 29,24%.

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi ước thực hiện tháng 01/2025 đạt 165,62 tỷ đồng, tăng 7,11% so với tháng trước và tăng 28,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 32,66 tỷ đồng, tăng 6,41%, và tăng 25,81%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 131,38 tỷ đồng, tăng 7,37% và tăng 29,25%; doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1,58 tỷ đồng, tăng 0,64% và tăng 42,87%.

Vận tải hành khách tháng 01/2025 ước đạt 295,82 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 7,79% so với tháng trước, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 46,49 triệu HK.km, tăng 7,11% và tăng 25,43%.

Vận tải hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 861,22 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 8,54% so với tháng trước và tăng 29,57% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 38,98 triệu tấn.km, tăng 7,35% so với tháng trước và tăng 29,24% so với cùng kỳ năm trước.

II. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI

1. Tình hình đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Đời sống các tầng lớp dân cư tỉnh Điện Biên trong tháng Một năm 2025 nhìn chung ổn định. Là tháng Tết nên không khí mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng mạnh. Số lượng các loại mặt hàng cũng rất phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân,  nhất là các mặt hàng thiết phục vụ tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, trong tháng trên địa bàn tỉnh diễn ra Lễ hội Đua thuyền Đuôi én lần thứ X, Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia lần thức V và Lễ hội Hoa anh đào - Pá Khoang - Điện Biên năm 2025.... Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh cũng luôn được Lãnh đạo địa phương quan tâm và chú trọng. Trong tháng tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững và tăng cường nghiêm ngặt.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và người lao động được các cấp, các ngành quan tâm triển khai chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, toàn tỉnh đã thực hiện tiếp nhận hỗ trợ tặng quà của Chủ tịch nước cho 1.335 gia đình liệt sĩ với tổng số tiền 404,4 triệu đồng; lập danh sách 55 gia đình người có công tiêu biểu để lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh thăm hỏi, tặng quà với số tiền 35,75 triệu đồng; gửi Thiếp chúc thọ cho 123 người cao tuổi thọ 100 tuổi trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền  98,4 triệu đồng.

Hỗ trợ thiếu đói dịp tết Nguyên đán cho 4.368 hộ với 17.766 khẩu, số gạo hỗ trợ 266,49 tấn.

2. Y tế

a) Tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch 

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng xảy ra 01 ổ dịch sởi với 177 ca mắc, không có tử vong tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo và một số ca mắc rải rác khác . Ổ dịch đã được điều tra, xác minh, chẩn đoán và triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.

Công tác phòng chống dịch: Ngành Y tế thực hiện nghiêm túc, chủ động, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn: Tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh truyền nhiễm gây dịch, đặc biệt là dịch bệnh sởi mới nổi; duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư để chủ động đối phó với dịch, nhất là khi có tình huống khẩn cấp; Báo cáo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức giúp cho người dân hiểu và chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh.

b) Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS 

Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 30/12/2024, có 122/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.859 ca nhiễm HIV  trong đó: 05 ca mắc mới trong tháng; tích lũy số ca AIDS là 5.489 (không có ca nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS mới trong tháng); số tử vong tích lũy 4.223 ca. Tổng số ca nhiễm HIV được quản lý là 3.416 chiếm 94% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,52%.

c) Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm 

Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm: Trong tháng thành lập 01 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm trong thời gian diễn ra Lễ hội Đua thuyền đuôi Én lần thứ X, Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn Quốc gia lần thứ V, năm 2025. Thực hiện kiểm tra đối với 04 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Kết quả 100% cơ sở đạt yêu cầu về ATTP. 

Công tác giám sát an toàn thực phẩm: Tại tuyến huyện, xã thực hiện giám sát định kỳ đối với 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Kết quả:  50/50 cơ sở đạt yêu cầu về ATTP đạt 100%.

Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy kế cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh là 2.028/2.056 cơ sở đạt 98,6%.  

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm. 

3. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục.

Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại; chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao. Chuẩn bị tốt các điều kiện và triển khai hiệu quả, đúng quy định Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, phù hợp điều kiện thực tế. 

Tập trung triển khai, tổ chức thực hiện Thông báo số 1353-TB/TU ngày 24/11/2024 của BTV Tỉnh ủy về chủ trương thực hiện một số nội dung liên quan đến Đề án thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ. Tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ phục vụ công tác thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ; phối hợp với Đại học Thái Nguyên triển khai các công việc chuẩn bị thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Điện Biên. 

Thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Tổ chức thành công Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT tại tỉnh Điện Biên ; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh có nhiều khởi sắc.

4. Văn hoá, thể thao và du lịch

a) Lĩnh vực văn hóa, gia đình

Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tham mưu các nội dung Lễ hội Hoa Ban năm 2025 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VIII. 

Hoạt động Tuyên truyền: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, ngành. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan bằng các hình thức: thực hiện 13 buổi xe tuyên truyền cổ động mặt đường; Loa phóng thanh tại Rạp: 05 lượt tuyên truyền các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, ngành; Chào mừng Tết Dương lịch, Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Lễ hội Hoa Anh đào, Chợ Tết Công đoàn “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025”...

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: Biểu diễn 06 chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của ngành; Trung tâm văn hóa, Điện ảnh tổ chức 03 hoạt động văn hóa, văn nghệ tại sân hành lễ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; Trung tâm Văn hoá - Truyền thanh - Truyền hình thành phố Điện Biên Phủ biểu diễn chương trình văn nghệ tuyên truyền chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp Nhiệm kỳ 2025-2027; chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ năm 2025.

Hoạt động thư viện: Trong tháng, bổ sung mới 279 bản sách; cấp và đổi: 142 thẻ bạn đọc; phục vụ 13.490 lượt độc giả đến thư viện. Tổng số lượt tài nguyên thông tin được phục vụ 29.678 lượt.

Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong tháng, hai bảo tàng và các điểm di tích đón 26.785 lượt khách đến tham quan, trong đó có 402 lượt khách nước ngoài. 

b) Lĩnh vực thể dục thể thao

Tổ chức Lễ hội Đua thuyền đuôi Én ần thứ X, Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn Quốc gia lần thứ V, năm 2025; Phối hợp tổ chức Giải Giao lưu thể thao cụm thi đua số V Sở Công Thương năm 2025; Giải Pickleball ngành Tài chính mở rộng năm 2025; các môn thi đấu thể thao tại Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ, năm 2025.

Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh. Trong tháng duy trì tỷ lệ số người tham gia luyện tập thường xuyên ít nhất 01 môn thể thao là 34,08% tổng số dân trong tỉnh; tỷ lệ số gia đình thể thao là 23,08%, có 442 câu lạc bộ thể thao cơ sở trong toàn tỉnh.

c) Lĩnh vực du lịch

Dự ước tháng 01 đón khoảng 125,6 nghìn lượt khách du lịch, tăng 1,11 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 1.342 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 227 tỷ đồng, tăng 1,17 lần so với cùng kỳ.

Trong tháng, tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho hơn 100 lượt khách du lịch, 04 lượt doanh nghiệp du lịch tìm hiểu thông tin về du lịch Điện Biên.

5. Tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm môi trường.

a) Tai nạn giao thông: Từ 15/11/2024 đến 14/12/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông làm chết 01 người, bị thương 07 người, so cùng ký năm trước: Số vụ tai nạn bằng 100%, số người chết giảm 66,67%, số người bị thương tăng 75%; Ước thiệt hại khoảng 92 triệu đồng. Nguyên nhân do người điều khiển không chú ý quan sát; đi sai làn đường, phần đường; vi phạm về nồng độ cồn.

b) Cháy nổ: Từ 15/11/2024 đến 14/12/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xẩy ra 03 vụ cháy nhà ở đơn lẻ, không có thiệt hại về người; Uớc thiệt hại khoảng 660 triệu đồng. 

c) Vi phạm môi trường: Trong tháng 01/2025, cơ quan chức năng đã phát hiện 76 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 49 vụ với tổng số tiền phạt 164,75 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm tăng 230,43% (bằng 53 vụ); số vụ xử lý tăng 188,24% (bằng 32 vụ); tổng số tiền phạt giảm 2,97% (bằng 5,04 triệu đồng). So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm tăng 85,37% (bằng 35 vụ); số vụ xử lý tăng 28,95% (bằng 11 vụ); tổng số tiền phạt giảm 28,05% (bằng 64,22 triệu đồng). Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực khoáng sản và hủy hoại đất đai.

6. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xẩy ra thiên tai.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây