TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11 VÀ 11 THÁNG NĂM 2022 TỈNH ĐIỆN BIÊN

Thứ ba - 29/11/2022 09:44
Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2022 ước tăng 13,06% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 6,45% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, chi trả nợ cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

A. KINH TẾ

1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2022 ước tăng 13,06% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 6,45% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, chi trả nợ cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

a) Thu ngân sách Nhà nước:

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 11/2022 ước đạt 234,57 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2022 đạt 1.451,39 tỷ đồng, tăng 13,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:

- Thu nội địa tháng 11/2022 ước đạt 230,59 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng năm 2022 đạt 1.383,08 tỷ đồng, chiếm 95,29% và tăng 10,21% so với cùng kỳ năm trước.

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 11/2022 ước đạt 3,60 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng năm 2022 đạt 20,48 tỷ đồng, chiếm 1,41% và tăng 13,03% so với cùng kỳ năm trước. 

- Thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp tháng 11/2022 ước đạt 0,38 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng năm 2022 đạt 47,83 tỷ đồng, chiếm 3,30% và tăng 349,65% so với cùng kỳ năm trước.

b) Chi ngân sách Nhà nước:

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 11/2022 ước đạt 940,22 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 10.741,94 tỷ đồng, tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Chi đầu tư phát triển đạt 2.865,75 tỷ đồng, chiếm 26,68%, tăng 12,09%; Chi thường xuyên đạt 7.845,83 tỷ đồng, chiếm 73,04%, tăng 4,32%; Các nhiệm vụ chi khác đạt 25,11 tỷ đồng, chiếm 0,23%, tăng 114,84%. 

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp

*Trồng trọt:

- Sản xuất lúa vụ mùa: Theo báo cáo sơ bộ vụ mùa toàn tỉnh thu hoạch được 45.269,76 ha lúa, tăng 3,17% so với vụ mùa năm trước, trong đó: Lúa ruộng thu hoạch được 20.705,18 ha, tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; năng suất thu hoạch đạt 53,59 tạ/ha, tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước; sơ bộ sản lượng thu được 110.952,24 tấn. Lúa nương thu hoạch được 24.564,58 ha, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước; năng suất thu hoạch đạt 14,85 tạ/ha, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước; sơ bộ sản lượng thu được 36.478,34 tấn. Năng suất, sản lượng lúa sơ bộ vụ Mùa tăng so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do diễn biến thời tiết cơ bản thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, mặt khác bà con chuyển sang trồng nhiều giống lúa mới cho năng suất và sản lượng cao.

Trong tháng toàn tỉnh đã thu hoạch được 410,00 ha đậu tương, giảm 42,09%, sản lượng đã thu 514,88 tấn, giảm 43,13% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, nguyên nhân giảm do cây đậu tương không mang lại hiệu quả kinh tế cao, khó tiêu thụ sản phẩm, cách bảo quản dự trữ khó, một số diện tích được chuyển sang trồng cây hàng năm khác như rau các loại; Lạc đã thu hoạch được 330,00 ha, giảm 6,25%, sản lượng đã thu 405,22 tấn, giảm 5,85% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, diện tích cây lạc giảm do sản phẩm sản xuất ra có giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên bà con bỏ trồng trong vụ Xuân; khoai lang thu hoạch được 81,80 ha, tăng 0,99%, sản lượng sơ bộ thu được 1.022,15 tấn, tăng 1,17% so với thực hiện cùng kỳ năm trước; rau các loại thu hoạch được 319,78 ha, sản lượng thu hoạch được 6.025,47 tấn; đậu các loại thu hoạch được 325,00 ha, sản lượng thu hoạch được 391,17 tấn. Nhìn chung các loại cây hoa mầu đều cho năng suất cao hơn vụ mùa năm trước.

- Sản xuất vụ đông: Tập trung chủ yếu ở các huyện như huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay, Mường Chà. Đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng được: Ngô 300,95 ha, tăng 176,85 ha so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do bà con tận dụng đất lúa giữa hai vụ để gieo trồng ngô vụ đông; lạc 110,53 ha, nguyên nhân do bà con tại huyện Nậm Pồ và Mường Chà đẩy nhanh tiến độ gieo trồng trên những chân ruộng 1 vụ; khoai lang 28,20 ha; rau các loại 580,00 ha, tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do thời tiết thuận lợi, bà con đẩy nhanh tiến độ gieo trồng; đậu các loại 6,02 ha, giảm 1,95%…. Nhìn chung gieo trồng cây vụ đông trên địa bàn tỉnh thường không ổn định, bà con còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước, bên cạnh đó một số cây như đậu tương, đậu lấy hạt các loại năng suất thấp, sản phẩm sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ, khâu bảo quản, dự trữ khó do đó diện tích gieo trồng giảm dần qua các năm.

- Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số loại sâu, bệnh xuất hiện gây hại trên cây trồng với tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 1.248,00 ha; giảm 5.718,70 ha so với tháng trước; tăng 501,10 ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích phòng trừ 7,80 ha (chủ yếu là phòng trừ sinh vật gây hai trên cây rau, cây ăn quả và cây rừng thông keo tre luồng) cụ thể: diện tích nhiễm trên cây lúa mùa 2022 là 2,00 ha, giảm 5.388,03 ha so với tháng trước; giảm 84,00 ha so với cùng kỳ năm trước; cây ngô 153,40 ha; cây cà phê 528,70 ha; cây ăn quả 386,40 ha; cây rừng (thông, keo, tre, luồng) 177,50 ha; rau màu 1,80 ha. Trong tháng các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời ngăn chặn không để sâu, bệnh hại cây trồng lây lan ra diện rộng. 

* Chăn nuôi: 

Nhìn chung chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Đàn bò vẫn luôn được trú trọng phát triển, các chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống và đầu tư chuồng trại vẫn được quan tâm, giúp các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất. Trong tháng tình hình dịch bệnh đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi đã khống chế tốt, chăn nuôi lợn tăng nhẹ, các cơ sở, hộ dân đã dần phục hồi sản xuất, tái đàn trở lại. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, từ ngày 15/10/2022 đến ngày 15/11/2022 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại huyện Mường Nhé và huyện Điện Biên làm chết 56 con lợn. Thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong tháng xuất hiện một số bệnh rải rác trên địa bàn tỉnh như lép tô lợn (huyện Tủa Chùa chết 1 con), tụ huyết trùng ở trâu, bò (08 con chết). Hiện nay ngành chức năng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân cách phòng, chống, điều trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình tiêm phòng dịch, bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, trong tháng tổ chức tiêm 83.404 liều vắc xin Tụ huyết trùng; 22.730 liều vắc xin Viêm da nổi cục cho trâu, bò; 93.825 liều vắc xin Dịch tả lợn; 406.200 liều vắc xin cúm gia cầm H5N1; 3.048 liều vắc xin phòng bệnh dại chó. Trong tháng kiểm dịch vận chuyển 580 kg thịt trâu, bò; kiểm soát giết mổ được 361 con trâu, bò và 4.806 con lợn.

Dự ước sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng trong tháng và so với cùng kỳ năm trước: Trâu 816 con, tăng 2,64%; sản lượng 226,62 tấn, tăng 2,72%. Bò 893 con, tăng 6,44%; sản lượng 178,63 tấn, tăng 6,08%. Lợn 21.960 con, giảm 0,61%; sản lượng 1.107,00 tấn, tăng 5,31%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 375,16 tấn, tăng 3,36%; trứng gia cầm 7,6 triệu quả, tăng 3,78% (thịt gà hơi 276,60 tấn, tăng 0,20%; trứng gà 5,3 triệu quả, tăng 0,94%).

b)  Lâm nghiệp

Công tác trồng rừng mới tập trung tiếp tục được triển khai thực hiện. Trong tháng diện tích rừng trồng mới tập trung được 75,20 ha, tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây để phát triển kinh tế đồi rừng, đặc biệt là phát triển cây quế từ nguồn vốn Dự án bảo vệ và phát triển rừng, nguồn vốn ngân sách địa phương và từ nguồn vốn khác. 

Trong tháng toàn tỉnh không có vụ cháy rừng xảy ra; tuy nhiên, đã xảy ra 6 vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật 22 vụ; 10 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép, vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản.... Cơ quan chức năng thu giữ 0,264 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trong tháng 112,910 triệu đồng.

Dự ước khai thác lâm sản trong tháng 11: Gỗ 1.122 m3, giảm 4,92%; sản lượng củi 64.473 ste, tăng 1,91%. Dự ước sản lượng lâm sản khai thác 11 tháng năm 2022: Gỗ 11.205 m3, củi 715.870 Ste, so với cùng kỳ năm trước gỗ giảm 4,15%; củi giảm 0,4%. Nguyên nhân, do các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp tích cực kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng các loại lâm sản trái phép. Ngoài ra bà con nông dân thu nhặt các loại lâm sản khác như măng đắng, mật ong, song mây để cải thiện và tăng thêm thu nhập.

c) Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển tốt. Dự ước toàn tỉnh có 2.740,28 ha ao, hồ đang nuôi trồng thủy sản, tăng 0,91% so với chính thức cùng kỳ năm trước (nuôi cá 2.738,78 ha, tăng 0,89%). Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn trực tiếp là ngành Nông nghiệp, hoạt động thuỷ sản tại địa phương ngày càng phát triển, góp phần xoá đói, giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu thực phẩm và gia tăng thu nhập cho người dân. 

Dự ước sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tháng 11 được 388,70 tấn, tăng 8,71% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng được 365,40 tấn, tăng 9,17%; sản lượng thủy sản khai thác được 23,30 tấn, tăng 2,06%.

Dự ước sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác 11 tháng năm 2022 được 4.174,06 tấn, tăng 8,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng được 3.918,72 tấn, tăng 8,57% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thuỷ sản khai thác được 255,34 tấn, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 11 ước giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 37,69% so với cùng kỳ năm trước (do thời tiết thuận lợi cho các ngành sản xuất ngoài trời phát triển; các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất). Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 22,26% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2022 ước giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 37,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 17,34% và 4,64%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chế tạo tăng 6,42% và 6,15% (mức tăng chủ yếú ở một số ngành chủ đạo như: Sản xuất chế biến thực phẩm lần lượt mức tăng 5,70% và 4,62%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,66% và 15,89%; sản xuất gường, tủ, bàn ghế tăng 19,66% và 4,55%); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 8,91% và tăng 132,19% (do thời tiết mùa khô không có mưa, lưu lượng nước tại các hồ chứa đã cạn dần so với những tháng mùa mưa, các nhà máy thủy điện trên địa bàn là những thủy điện nhỏ sức chứa đập ngăn thấp nên lưu lượng nước ở hồ chứa không nhiều, không đủ khả năng điều tiết nước trong thời gian dài); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,45% và 6,11%.

Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 22,26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,12%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,79%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 51,43%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,02%; ngành khai khoáng tăng 13,09%. 

Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Khai thác than tăng 189,19% (do trong năm 2021 các mỏ than ngừng hoạt động do hết hạn cấp phép, năm 2022 có 2 mỏ than của công ty TNHH Ngọc Cương hoạt động khai thác ổn định); khai khoáng khác tăng 11,33%; sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm tăng 6,43%; sản xuất sản phầm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,18%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) có mức tăng 8,28%; hoạt động thu gom và xử lý rác thải tăng 6,71%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 23,31%; sửa chữa lắp đặt máy móc thiết bị giảm 9,97%; sản xuất trang phục giảm 1,43%.

Một số sản phẩm công nghiệp trong 11 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Than đá (than cứng) loại khác tăng 394,08%; đá xây dựng khác tăng 11,51%; điện sản xuất tăng 54,81%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại tăng 8,18%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Bàn bằng gỗ các loại giảm 12,20%; đồ nội thất bằng gỗ khác chưa được phân vào đâu giảm 8,08%; báo in (quy khổ 13cmx19cm) giảm 1,13%. 

Xi măng là sản phẩm chủ yếu của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chế biến, tuy nhiên từ giữa năm 2021 trở về đây thị trường xuất khẩu sang Lào bị mất do bên Lào đã có nhà máy sản xuất xi măng, sản phẩm xi măng Điện Biên không cạnh tranh được về giá so với sản phẩm xi măng nội địa Lào do chi phí vận chuyển cao, sản xuất sản phẩm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận như Lai Châu, Sơn La. Những tháng cuối năm thời tiết khô hanh cùng với đó tuyến đường Điện Biên - Tây Trang được đầu tư nâng cấp, quá trình khai thác và vận chuyển đá về nhà máy không bị gián đoạn nên hoạt động sản xuất diễn ra thuận lợi hơn và tăng mạnh so với những tháng đầu năm. 

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2022 tăng 0,85% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,76% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,25% và tăng 3,06%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,25% và tăng 5,92%; Tính chung 11 tháng đầu năm 2022 số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,0% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,87%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,39%).  

4. Đầu tư

a) Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước

Trong tháng, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công. Bên cạnh đó, thời tiết hanh khô, giá cả vật liệu biến động không nhiều là điều kiện thuận lợi để các nhà thầu khởi công các dự án trọng điểm, hoàn thành các hạng mục công trình theo đúng tiến độ đã đề ra.

Dự tính vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 ước đạt 379,72 tỷ đồng, tăng 26,53% so với tháng trước và 0,12% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 330,13 tỷ đồng, tăng 32,69% và 6,06%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 57,44 tỷ đồng, tăng 0,84%, giảm 20,79%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 10,16 tỷ đồng, tăng 18,24%, giảm 24,60%.

Tính chung 11 tháng năm 2022 vốn đầu tư thực hiện được 2.421,69 tỷ đồng, tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82,55% kế hoạch năm, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.813,72 tỷ đồng, tăng 6,62%, đạt 80,50% kế hoạch; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 531,57 tỷ đồng, giảm 13,88%, đạt 89,81% kế hoạch; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 76,40 tỷ đồng, giảm 13,86% và đạt 86,21% kế hoạch.

b)  Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 

Dự ước vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong tháng 11 đạt 2.118,83 tỷ đồng, tăng 26,73% so với tháng trước và tăng 16,38% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 1.071,07 tỷ đồng, tăng 18,12% và tăng14,00% (vốn Trung ương quản lý đạt 558,72 tỷ đồng, tăng 14,83% và tăng 40,55%; vốn địa phương quản lý đạt 512,35 tỷ đồng, tăng 21,94%, giảm 5,47%); Vốn ngoài Nhà nước đạt 1.047,76 tỷ đồng, tăng 36,93% và tăng 18,93%. 

Tính chung 11 tháng năm 2022, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện dự tính đạt 14.265,79 tỷ đồng, tăng 18,82% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81,72 kế hoạch, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 6.721,85 tỷ đồng, tăng 9,27%, đạt 80,15% kế hoạch (vốn Trung ương quản lý đạt 3.565,34 tỷ đồng, tăng 26,45%, đạt 78,32% kế hoạch; vốn địa phương quản lý đạt 3.156,51 tỷ đồng, giảm 5,27%, đạt 82,32 kế hoạch). Vốn ngoài Nhà nước đạt 7.543,94 tỷ đồng, tăng 28,84% so với cùng kỳ, đạt 83,18% kế hoạch.

5. Thương mại, dịch vụ, giá cả, vận tải

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi và tăng cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước tăng 4,69% so với tháng trước và tăng 58,86% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 46,07% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 1.809,43 tỷ đồng, tăng 58,86% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 15.465,76 tỷ đồng, tăng 46,07% so với cùng kỳ năm trước.

* Bán lẻ hàng hoá 

Xét theo ngành hoạt động trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2022 và tính chung 11 tháng năm 2022 như sau:

* Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11 ước đạt 84,04 tỷ đồng, tăng 5,96% so với thực hiện tháng trước và tăng 96,21% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 7,07 tỷ đồng, tăng 4,80% so với tháng trước, tăng 155,31% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 76,97 tỷ đồng, tăng 6,07% so với tháng trước, tăng 92,13% so với cùng kỳ năm trước. 

Dịch vụ lưu trú ăn uống 11 tháng đầu năm 2022 đạt 685,99 tỷ đồng, tăng 55,48% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 57,48 tỷ đồng, tăng 73,82% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 628,51 tỷ đồng, tăng 54,00% so với cùng kỳ năm trước.

* Dịch vụ khác

Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 11 ước tính đạt 73,64 tỷ đồng, tăng 3,47% so với tháng trước, tăng 38,95% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 11 tháng đạt 692,20 tỷ đồng, tăng 34,49% so cùng kỳ năm trước.

b) Giá cả

*Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11: So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ chính có 06 nhóm tăng: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,23%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; giao thông tăng 2,45%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Ở chiều ngược lại, có 03 nhóm giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,02%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,07%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,27%; và 02 nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là: Giáo dục và bưu chính viễn thông làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 0,69% so với tháng 12 năm 2021, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,03% so với kỳ gốc 2019.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng năm 2022: CPI bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 2,75%, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,43%; nhóm may mặc, mũ nón, dày dép tăng 0,80%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,01%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,71%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; nhóm giao thông tăng 13,91%, bưu chính viễn thông giảm 0,02%; nhóm giáo dục tăng 17,51%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,57%; nhóm hàng hóa dịch vụ khác giảm 5,34%. 

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 11 tăng 1,32% so với tháng trước, tăng 10,35% so với cùng kỳ năm trước, tăng 73,31% so với kỳ gốc 2019; bình quân 11 tháng tăng 17,14% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11 tăng 3,23% so với tháng trước, tăng 8,22% so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,51% so với kỳ gốc 2019; bình quân 11 tháng tăng 1,60% so cùng kỳ năm trước.

* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất 

Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.

c) Hoạt động Vận tải

 Hoạt động vận tải trong tháng tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận chuyển hành khách gấp 2,81 lần và luân chuyển hành khách gấp 2,76 lần; vận chuyển hàng hóa tăng 69,91% và luân chuyển hàng hóa tăng 71,85%. Tính chung 11 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách gấp 2,4 lần và luân chuyển gấp 2,36 lần so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 42,62% và luân chuyển tăng 43,57% so với cùng kỳ năm trước.

* Hoạt động vận tải tháng 11 năm 2022:  

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi tháng 11 ước đạt 131,01 tỷ đồng, tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 92,25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách đạt 25,67 tỷ đồng, tăng 3,36% so với tháng trước, tăng 184,68% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đạt 103,15 tỷ đồng, tăng 2,27% so với tháng trước và tăng 75,86% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 233,42 nghìn hành khách, tăng 3,50% so với tháng trước, tăng 181,61% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển đạt 36,59 triệu HK.Km, tăng 3,02% so với tháng trước, tăng 175,72% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 656,35 nghìn tấn, tăng 2,43% so với tháng trước, tăng 69,91% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 30,35 triệu tấn.Km, tăng 2,55% so với tháng trước, tăng 71,85% cùng kỳ năm trước.

* Hoạt động vận tải 11 tháng năm 2022:  

Tổng doanh thu đạt 1.078,75 tỷ đồng, tăng 58,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 190,33 tỷ đồng, tăng 141,25% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 872,60 tỷ đồng, tăng 46,08% so với cùng kỳ năm trước. 

Khối lượng vận chuyển hành khách ước 11 tháng đạt 1.738,33 nghìn hành khách, tăng 139,62% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển đạt 273,94 triệu HK.Km, tăng 136,06% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.590,04 nghìn tấn, tăng 42,62% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 258,24 triệu tấn.Km, tăng 43,57% so với cùng kỳ năm trước.

B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Thiếu đói trong dân

Trong tháng tình hình đời sống nhân dân ổn định, không phát sinh thiếu đói trong dân. Lũy kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/10/2022, trên địa tỉnh có 12.742 hộ thiếu đói với 59.300 khẩu thiếu đói, xảy ra tại 09/10 huyện, thị xã, thành phố. So với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói tăng 12,70%, bằng 1.436 hộ; số nhân khẩu thiếu đói tăng 14,41%, bằng 7.471 nhân khẩu. Tổng số gạo được cứu trợ là 889,51 tấn cho 12.742 hộ thiếu đói giáp hạt.

2. Y tế

a) Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên: Tính từ ngày 15/10/2022 đến 16h ngày 14/11/2022, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 135 bệnh nhân mắc COVID-19, không có bệnh nhân tử vong. Lũy tích, từ ngày 05/02/2021 đến 18h ngày 14/111/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 90.191 ca mắc Covid-19, đã điều trị khỏi bệnh và ra viện 90.149 ca (có 24 ca tử vong). 

Ngành y tế tiếp tục tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Kết quả: Lũy tích đến ngày 14/11/2022, tỷ lệ tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên được tiêm: Mũi 1 đạt 99,5%; mũi  2  đạt 96%; nhắc lại lần 1 đạt 92,4%; nhắc lại lần 2 đạt 98,7%. Tỷ lệ tiêm chủng từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm: mũi 1 đạt 99,5%, mũi 2 đạt 98,2%; mũi 3 đạt 88,7%. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm: mũi 1 đạt 99,8%, mũi 2 đạt 77,2%.

Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ dịch do bệnh truyền nhiễm khác gây ra.

b) Công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 31/10/2022, có 120/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.679 ca nhiễm HIV (07 ca mắc mới được phát hiện trong tháng); tích lũy số ca AIDS là 5.504 (không có ca nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS mới trong tháng); tử vong do AIDS lũy tích 4.022 ca (08 ca tử vong mới trong tháng). Tổng số ca nhiễm HIV quản lý được là 3.438 chiếm 94,0% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,54%.

c) Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát VSATTP tại các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. Thành lập các đoàn giám sát công tác an toàn thực phẩm tại 179 cơ sở. Kết quả 100% cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy tích cấp Giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn tỉnh đạt 96,4%. 

Trong tháng, không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm. Cộng dồn 11 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xẩy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 9 ca mắc (không có ca tử vong). Nguyên nhân do ngộ độc rượu và thức ăn bị ôi thiu.

3. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục.

Giáo dục Mầm non - Tiểu học: Kiểm tra, hỗ trợ 3 trường mầm non thực hiện điểm mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Thực hiện kiểm tra hoạt động của các trường Mầm non ngoài công lập. Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành hồ sơ phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2022. Thực hiện phối hợp báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Giáo dục Trung học: Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam, các trường đã tổ chức các buổi tọa đàm, tri ân các thầy cô, và các hoạt động kỷ niệm 40 năm ở một số trường như cắm trại, hội chợ…, đã thành công tốt đẹp. Tổ chức Hội thao truyền thống ngành GDĐT, giai đoạn II thi đấu môn Cầu lông, Bóng bàn, Cờ vua, Cờ tướng; Giải cầu lông ngành giáo dục mở rộng năm 2022. Tham gia đoàn kiểm tra công tác GDQPAN tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Mường Chà. Tham gia đoàn kiểm tra hoạt động truyền thông thay đổi hành vi hợp phần vệ sinh trường học thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” năm 2022. Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 11 tỉnh Điện Biên. Tập huấn, bồi dưỡng phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cho giáo viên cấp Tiểu học, THCS, THPT thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDPT hiện hành, chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Giáo dục Thường xuyên: Tiếp tục ký kết các hợp đồng cử tuyển năm 2022; Ký hợp đồng đào tạo với ĐHSP Vân Nam Trung Quốc; Triển khai công tác thực tập sư phạm cho sinh viên Trường CĐSP Điện Biên. Thực hiện tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Thực hiện phối hợp kiểm tra, công nhận đạt chuẩn, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ năm 2022.

4. Văn hoá, thể thao và du lịch

a) Lĩnh vực văn hóa và gia đình:

 Hoạt động Tuyên truyền: Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức rộng khắp từ tỉnh xuống cơ sở, trong đó, tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; 76 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam; Kỷ niệm 202 năm Ngày sinh Ph.Ăngghen; kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Tuần Giáo.... 

 Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Tổ chức tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tại khu vực trung tâm thành phố và biểu diễn phục vụ cơ sở tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng; Biểu diễn chương trình nghệ thuật tại Hội nghị biểu dương người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ tri thức, doanh nhân tiêu biểu, các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên. Phối hợp biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Tuần Giáo.

 Hoạt động phát hành phim và chiếu bóng, phát hành sách: Tổ chức chiếu phim lưu động vùng cao: 73 buổi; chiếu phim tại Rạp: 06 buổi; tiếp tục thực hiện khai thác và phát hành các loại Bloc lịch năm 2023 để phục vụ nhân dân trong dịp tết nguyên đán Quý Mão 2023.

 Hoạt động hệ thống Thư viện: Trong tháng, bổ sung mới 1.000 bản sách hạt nhân; cấp mới và đổi 1.109 thẻ bạn đọc; luân chuyển 20.746 lượt sách, báo. Tổng số bạn đọc sử dụng thư viện là 9.879 lượt; số lượt độc giả truy cập CSDL thư viện điện tử 9.540 lượt.

 Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa: Tổ chức Lễ Công bố Quyết định và trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba, năm 2022. Thành lập đoàn công tác tham dự hội nghị già làng, trưởng dòng họ, nghệ nhân ưu tú tiêu biểu các dân tộc do Bộ VHTTDL tổ chức. Hoàn thiện bản thảo cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên tập một. Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa 23/11/2022. Tổ chức 02 lớp tập huấn về công tác bảo tồn di sản văn hóa và kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2022.

Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong tháng, hai bảo tàng và các điểm di tích đón 36.207 lượt khách đến tham quan, trong đó có 1.310 lượt khách nước ngoài. Lũy kế 11 tháng đón 504.455 lượt người (khách nước ngoài 4.093 lượt người).

b) Lĩnh vực thể dục thể thao:

 Phong trào TDTT quần chúng: Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tính đến tháng 11, số người tham gia luyện tập thường xuyên ít nhất 01 môn thể thao là 202.975 người, chiếm 31,95% tổng số dân trong tỉnh. Số gia đình thể thao 28.865 người, có 419 câu lạc bộ thể thao cơ sở trong toàn tỉnh.

 Thể thao thành tích cao: Tiếp tục tham mưu các bước tiếp theo của Đề án phát triển TDTT quần chúng tỉnh Điện Biên giai đoạn 2023 -2025 và định hướng đến năm 2030.

c) Lĩnh vực du lịch

Trong tháng, Sở Văn hóa Thể thao và Dụ lịch xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch: Ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động Điểm dừng chân, ngắm cảnh Kê Nênh - Tà Lèng. Tư vấn, hỗ trợ hơn 35 lượt khách du lịch, 05 lượt doanh nghiệp du lịch tìm hiểu thông tin về du lịch Điện Biên. Thực hiện 31 buổi phát màn hình Led tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Duy trì các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Điện Biên trên các trang mạng, phương tiện truyền thông….

Dự ước tháng 11 đón khoảng 96.454 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 689 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 192,91 tỷ đồng. Tính chung 11 tháng năm 2022 lượng khách du lịch đạt 709.542 lượt, tăng 109,26% so với cùng kỳ năm 2021 (khách quốc tế đạt 2.982 lượt, tăng 730,64%); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.183,06 tỷ đồng, tăng 113,7% so với cùng kỳ năm 2021.

5. Tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm môi trường

a) Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/9/2022 đến ngày 14/10/2022) xảy ra 2 vụ va chạm và tai nạn giao thông làm 1 người chết, 2 người bị thương. Tính chung 11 tháng năm 2022 (từ 15/11/2021 đến 14/10/2022) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 23 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 19 người chết, 14 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giảm 11,54%, số người chết tăng 58,33%, số người bị thương giảm 46,15%. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ tốc độ, không đi đúng làn đường quy định, phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật và các nguyên nhân khác.

b) Cháy nổ

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không xẩy ra cháy, nổ. Tính chung 11 tháng năm nay (15/11/2021 đến 14/10/2022) trên địa bàn tỉnh Điện Biên xẩy ra 5 vụ cháy (3 vụ cháy nhà, 1 vụ cháy xe ô tô chở vật liệu xây dựng, 1 vụ cháy loại hình khác), không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại khoảng 2.850 triệu đồng. So cùng kỳ năm trước số vụ giảm 66,67%, bằng 10 vụ; số thiệt hại giảm 50,82%, bằng 2.945 triệu đồng. Nguyên nhân các vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện, và 2 vụ cháy chưa rõ nguyên nhân.

c) Vi phạm môi trường

Trong tháng 11/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 38 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 13 vụ với tổng số tiền phạt 112,91 triệu đồng. Tính chung 11 tháng năm 2022 đã phát hiện 341 vụ vi phạm môi trường, tăng 20,92%, so cùng kỳ năm trước, trong đó xử lý 263 vụ (bằng năm 2021) với tổng số tiền phạt 1.064,6 triệu đồng, giảm 34,31%. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là phá rừng làm nương, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật.

6. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiệt hại về thiên tai. 

Tính chung 11 tháng năm nay thiên tai làm 9 người bị chết và 4 người bị thương; 545 nhà hư hại; 1.253,27 ha lúa; 107,86 ha ngô, sắn, hoa màu, rau màu v.v...; 1.468 con gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi (872 con gia súc); 39,64 ha diện tích nuôi cá; 200 kg cá bị cuốn trôi; thiệt hại về thủy lợi: có 6 đập bị sạt lở hư hỏng, 46 công trình bị hư hỏng ảnh hưởng do thiên tai, khối lượng đất đá vùi lấp kênh 34.661 m3, chiều dài kênh bị sạt gãy vùi lấp hư hỏng 3.934 m; thiệt hại về giao thông: chiều dài đường sạt lở hư hỏng 35.873,6 m, khối lượng đất sạt xuống đường 767.615,7 m3, hư hỏng mặt đường 94.296 m2; có 23 trường, điểm trường, 8 cơ sở y tế bị thiệt hại và một số thiệt hại khác. Ước tính giá trị thiệt hại là 170,23 tỷ đồng; tăng 5,92 lần so cùng kỳ năm trước. 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây