TÌNH HÌNH KT-XH THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG NĂM 2022 TỈNH ĐIỆN BIÊN

Thứ ba - 30/08/2022 08:12
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 8 tháng ước đạt 1.000,44 tỷ đồng, tăng 14,67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 939,13 tỷ đồng, tăng 8,20%, chiếm 93,87%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 16,82 tỷ đồng, tăng 124,67%, chiếm 1,68%; thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp 44,48 tỷ, chiếm 4,45%.

A. KINH TẾ

I. THU, CHI NGÂN SÁCH

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 8 tháng ước đạt 1.000,44 tỷ đồng, tăng 14,67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 939,13 tỷ đồng, tăng 8,20%, chiếm 93,87%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 16,82 tỷ đồng, tăng 124,67%, chiếm 1,68%; thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp 44,48 tỷ, chiếm 4,45%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt 7.025,46 tỷ đồng, tăng 13,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 1.997,40 tỷ đồng, tăng 30,10%, chiếm 28,15%. Chi thường xuyên đạt 5.032,15 tỷ đồng, tăng 7,68%, chiếm 71,63%. Các nhiệm vụ chi khác đạt 11,86 tỷ đồng, tăng 250,15%, chiếm 0,17%. Các hoạt động chi đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, chi trả nợ cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. 

II. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt:

* Sản xuất lúa vụ mùa: Đến nay các địa phương cơ bản đã kết thúc gieo cấy lúa mùa. Theo báo cáo tiến độ, toàn tỉnh gieo cấy được 45.286,62 ha, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lúa ruộng gieo cấy được 20.722,04 ha, tăng 2,90% so với cùng kỳ năm trước, vượt 1,97% kế hoạch. Lúa nương gieo cấy được 24.564,58 ha, tăng 4,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt 4,26% kế hoạch; Nguyên nhân do thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới đảm bảo, bà con nông dân mở rộng diện tích gieo trồng. Trong tháng lượng mưa tương đối nhiều tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt, các địa phương đang tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc diện tích lúa đã gieo cấy như: Làm cỏ, tỉa dặm, bón phân,...

* Các loại cây hàng năm khác: Tính đến ngày 15/8, toàn tỉnh đã gieo trồng được 2.369,88 ha cây hàng năm khác, giảm 12,80% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngô gieo trồng được 451,78 ha, giảm 0,03%; khoai lang gieo trồng được 51,0 ha giảm 37,04%; lạc gieo trồng được 334,52 ha, giảm 28,35%; rau các loại gieo trồng được 1.258,70 ha, giảm 11,63%; đậu các loại gieo trồng được 273,88 ha, giảm 6,72%. 

* Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều loại sâu, bệnh gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tổng diện tích nhiễm sâu, bệnh hại trong tháng là 5.320,20 ha (diện tích phòng trừ 9.622,00 ha). Trong đó: trên cây lúa vụ mùa diện tích nhiễm 3.928,50 ha (diện tích phòng trừ 9.616,00 ha). Trên cây ngô diện tích nhiễm 139,60 ha; cây ăn quả 368,40 ha; cây rừng (thông, keo) 214,80 ha; cây tre luồng (châu chấu tre) 35,0 ha; cây cà phê diện tích nhiễm 738,30 ha. Trong tháng các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời ngăn chặn không để sâu, bệnh hại cây trồng lây lan ra diện rộng.  

b. Chăn nuôi: 

Trong tháng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Chăn nuôi lợn vẫn đang gặp khó khăn do Dịch tả lợn Châu Phi tái phát tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, từ ngày 15/7/2022 đến hết ngày 14/8/2022 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra và đã tiêu hủy 101 con. Theo nhận định của Chi cục Thú y tỉnh, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ bệnh vẫn tiếp tục lây lan ra diện rộng; ngoài bệnh Dịch tả lợn Châu Phi còn bệnh Lep tô ở lợn tại huyện Tủa Chùa, huyện Điện Biên làm 08 con chết, bệnh Viêm da nổi cục tại huyện Điện Biên chết 1 con trâu, bệnh Tụ huyết trùng xảy ra ở lợn và trâu xảy ra trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tủa Chùa, huyện Điện Biên làm 12 con lợn bị chết, 1 con trâu chết. Ngành chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp khống chế, xử lý ổ dịch theo quy định. Tiêm phòng bệnh được 14.920 liều vắc xin tụ huyết trùng, 2.776 liều vắc xin nhiệt thán, 15.060 liều vắc xin dịch tả, 550.123 liều vắc xin cúm gia cầm H5N1 và 1.114 liều vắc xin bệnh chó dại. Kiểm dịch vận chuyển được 636 con lợn, 410 kg thịt trâu bò xuất ra ngoài tỉnh, 10 con lợn nhập từ tỉnh từ Lạng Sơn; công tác kiểm soát giết mổ được 310 con trâu, bò và 4.318 con lợn.  

Ước tính số lượng đầu con gia súc, gia cầm tháng 8 và so với cùng kỳ năm trước: Đàn trâu 135.478 con, tăng 2,51%; đàn bò 96.078 con, tăng 10,84%; đàn lợn 306.168 con, tăng 2,25%; đàn gia cầm 4.654,23 nghìn con, tăng 2,36% (gà 3.579,17 nghìn con, tăng 2,02%). 

Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng tháng 8 so với cùng kỳ năm trước: thịt trâu 215,21 tấn, tăng 2,00%; thịt bò 169,21 tấn, tăng 4,85%; thịt lợn hơi 1.010,31 tấn, tăng 2,43%; gia cầm 382,92 tấn, tăng 4,20%; trứng gia cầm 6.929,46 nghìn quả, tăng 0,07%.

2. Sản xuất lâm nghiệp: 

Công tác trồng rừng và chăm sóc rừng tiếp tục được triển khai thực hiện. Đến nay toàn tỉnh trồng mới được 258,22 ha, giảm 4,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, toàn tỉnh không có vụ cháy rừng xảy ra; tuy nhiên hiện tượng phá rừng và vi phạm quy định QLBVR vẫn còn. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ vi phạm các quy định về QLBVR, trong đó: khai thác rừng trái phép 01 vụ; mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép, vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản, ... 05 vụ. Cơ quan chức năng thu giữ 50,59 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trong tháng 802,82 triệu đồng.

Dự ước sản lượng lâm sản khai thác tháng 8: Gỗ 940 m3, củi 57.870 Ste, so với cùng kỳ năm trước, gỗ giảm 1,26%; củi giảm 0,66%. Dự ước sản lượng lâm sản khai thác 8 tháng năm 2022: Gỗ 8.263 m3, củi 524.076 Ste, so với cùng kỳ năm trước, gỗ giảm 3,04%; củi giảm 1,90%. Ngoài ra bà con nông dân thu nhặt các loại lâm sản khác như măng, mật ong, song mây để cải thiện và tăng thêm thu nhập.

3. Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì phát triển tốt. Dự ước toàn tỉnh có 2.731,87 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước (nuôi cá 2.730,37 ha). Mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước, mô hình nuôi cá bể bồn vẫn được duy trì và phát triển tốt. Các cơ sở nuôi trồng thường xuyên kiểm tra mực nước và môi trường nuôi đảm bảo cho thủy sản sinh trưởng và phát triển, trong tháng không xảy ra dịch bệnh lớn. Giá sản phẩm thủy sản ổn định, tạo điều kiện thuận lợi bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Dự ước sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác tháng 8 được 412,38 tấn, tăng 8,16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng nuôi trồng được 389,94 tấn, tăng 8,56% (do diện tích cho thu hoạch tăng, các lồng bè, bể bồn nuôi trồng thủy sản đang cho thu hoạch); sản lượng thuỷ sản khai thác được 22,44 tấn, tăng 1,72%. Dự ước sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác 8 tháng đạt 3.321,95 tấn, tăng 8,26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng nuôi trồng được 3.140,10 tấn, tăng 8,59%; sản lượng thuỷ sản khai thác được 181,85 tấn, tăng 2,80%.

III. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 8/2022 giảm 0,15% so với tháng trước và tăng 20,40% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng giảm 3,47% và tăng 21,25% (nguyên nhân chủ yếu do ngành khai thác than ổn định tại 2 điểm mỏ thuộc xã Núa Ngam huyện Điện Biên; một số mỏ đá ở vùng thấp được các doanh nghiệp tranh thủ những ngày nắng ráo sản xuất khối lượng sản phẩm cần thiết và đủ theo hợp đồng đã được ký kết); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chế tạo tăng 2,49% và 8,72% (mức tăng chủ yếu do ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác lần lượt mức tăng 10,96% và 19,26%, trong đó xi măng tăng 15,79% và 14,88%); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,27% và tăng 28,88%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,18% và 0,54%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 của tỉnh có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên tốc độ tăng giữa các ngành chưa đồng đều và chỉ tập trung tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng, sản xuất thủy điện và công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành sản xuất gạch đất nung có xu hướng phát triển hơn về chất lượng do Công ty Cổ phần đầu tư gạch tuynel công nghệ cao đầu tư xây dựng mới lò gạch cùng thiết bị công nghệ hiện đại hứa hẹn sẽ đem đến cho tỉnh sản phẩm gạch đất nung đẹp về mẫu mã, chuẩn về chất lượng, có khả năng cạnh tranh tốt với sản phẩm của các tỉnh lân cận. Ngành sản xuất chè cây cao tại Tủa Chùa tiếp tục được nhà nước hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến thông qua nguồn kinh phí khuyến công nhưng sản phẩm chưa tìm được đầu ra và chưa cạnh tranh được với các loại chè ở Thái Nguyên, Sơn La sản xuất.

Một số sản phẩm chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Than đá (than cứng) loại khác tăng 3,38 lần; điện sản xuất tăng 29,89%; xi măng Portland đen tăng 14,88%; đá xây dựng khác tăng 16,55%. Sản phẩm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Bàn bằng gỗ các loại giảm 20,93%; đồ nội thất bằng gỗ khác chưa được phân vào đâu giảm 11,11%; nước không uống được giảm 4,57%.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số công nghiệp tăng 20,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khai khoáng tăng 15,94%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,26%; sản xuất và phân phối điện tăng 49,65%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,04%. Trong 8 tháng đầu năm 2022, một số sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ như: Than đá (than cứng) loại khác tăng 2,51 lần; điện sản xuất tăng 53,20%; đá xây dựng tăng 15,16%, điện thương phẩm tăng 5,37%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 5,52%; bên cạnh đó, một số đơn vị sản xuất ngành chế biến đã bị sụt giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước như: Xi măng Điện Biên giảm 3,53%; bàn bằng gỗ các loại giảm 9,04%; đồ nội thất bằng gỗ chưa được phân vào đâu giảm 6,44%.

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8 giảm 0,10% so với tháng trước (khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,18%) và tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,21%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,18%), mức giảm tập trung ở ngành khai thác đá xây dựng do ảnh hưởng của thời tiết nên doanh nghiệp cho công nhân nghỉ luân phiên. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022 chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,02% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,81%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,25%).  

IV. VỐN ĐẦU TƯ 

1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 

Dự tính vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 ước đạt 187,63 tỷ đồng, giảm 4,19% so với tháng trước, tăng 17,65% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 135,25 tỷ đồng, giảm 5,27%, tăng 33,49%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 45,93 tỷ đồng, giảm 1,73% và 11,11%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 6,45 tỷ đồng, tăng 1,83%, giảm 0,72%.

Tính chung 8 tháng năm 2022 vốn đầu tư thực hiện được 1.462,05 tỷ đồng, giảm 3,86% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.049,54 tỷ đồng, tăng 2,34%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 362 tỷ đồng, giảm 17,06%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 50,5 tỷ đồng, giảm 13,98%.

2. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 

Dự ước vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong tháng 8 đạt 1.368,13 tỷ đồng, giảm 2,16% so với tháng trước, tăng 23,92% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 603,59 tỷ đồng, giảm 1,29%, tăng 10,11% (vốn Trung ương quản lý đạt 340,57 tỷ đồng, giảm 0,93%, tăng 8,73%; vốn địa phương quản lý đạt 263,03 tỷ đồng, giảm 1,76%, tăng 11,95%); Vốn ngoài Nhà nước đạt 764,54 tỷ đồng, giảm 2,83%, tăng 37,53%. 

Tính chung 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện dự tính đạt 9.431,66 tỷ đồng, tăng 17,41% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 4.104,78 tỷ đồng, tăng 6,19% (vốn Trung ương quản lý đạt 2.173,51 tỷ đồng, tăng 15,47%; vốn địa phương quản lý đạt 1.931,28 tỷ đồng, giảm 2,61%). Vốn ngoài Nhà nước đạt 5.326,88 tỷ đồng, tăng 27,81% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực hiện.

V. THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - GIÁ CẢ - VẬN TẢI 

Tháng 8, có ngày “Rằm tháng 7 âm lịch” nên hoạt động mua sắm và nghi thức lễ được tổ chức sôi nổi làm tăng doanh thu bán lẻ trong tháng khá cao ở các nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm và nhóm hàng hóa khác. Bên cạnh đó, kế hoạch tựu trường của ngành giáo dục; trại hè Hùng Vương được tổ chức tại tỉnh Điện Biên với sự tham gia của 17 trường THPT chuyên các tỉnh Trung du, Miền núi phía Bắc đã thúc đẩy doanh thu ngành thương mại, dịch vụ, vận tải tăng nhẹ; giá xăng dầu, nhiên liệu trong nước đã được điều chỉnh giảm theo tình hình biến động chung của giá xăng dầu thế giới; tuy nhiên tỷ lệ chi phí về nhiên liệu vẫn cao trong tổng chi phí sản xuất sản phẩm, cước vận chuyển, giá cả hàng hóa và dịch vụ.

1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 1.501,09 tỷ đồng, tăng 56,69% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10.271,52 tỷ đồng, tăng 41,04% so với cùng kỳ năm trước.

1.1. Bán lẻ hàng hoá 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 1.368,20 tỷ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước, tăng 56,53% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ các nhóm hàng cụ thể ở biểu sau:

Biểu 01: Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tháng 8 và 8 tháng năm 2022

 

Ước tính
tháng 8
(T
đồng)

8 tháng đầu năm 2022
(T
đồng)

Tháng 8

so với cùng
kỳ năm trước
(%)

8 tháng
đầu năm so với cùng
kỳ năm
trước (%)

Tổng số

1.368,20

9.344,51

156,53

141,48

Lương thực, thực phẩm

521,91

3.409,22

181,69

148,46

Hàng may mặc

69,80

502,65

158,43

139,79

Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình

152,15

1.058,82

142,35

139,65

Vật phẩm văn hóa, giáo dục

18,23

127,02

140,86

130,67

Gỗ và vật liệu xây dựng

226,92

1.560,30

132,18

138,23

Ô tô các loại

5,10

36,56

130,68

121,36

Phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng)

102,95

759,04

144,27

127,81

Xăng, dầu các loại

157,96

1.090,72

159,41

147,33

Nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu)

9,0

61,23

156,88

140,53

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm

4,47

32,97

138,40

127,49

Hàng hóa khác

49,99

342,28

166,61

140,48

Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ

49,72

363,70

131,06

126,50

1.2. Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 8 ước đạt 67,30 tỷ đồng, tăng 0,25% so với thực hiện tháng trước, tăng 74,23% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 5,99 tỷ đồng, tăng 0,88% so với tháng trước, tăng 128,72% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ ăn uống đạt 61,32 tỷ đồng, tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 70,26% so với cùng kỳ năm trước. 

Dịch vụ lưu trú ăn uống 8 tháng đầu năm 2022 đạt 448,62 tỷ đồng, tăng 42,14% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 37,31 tỷ đồng, tăng 49,73% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 411,31 tỷ đồng, tăng 41,49% so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Dịch vụ khác

Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 8 ước tính đạt 65,42 tỷ đồng, tăng 0,85% so với tháng trước, tăng 44,65% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 8 tháng đạt 477,44 tỷ đồng, tăng 32,09% so cùng kỳ năm trước.

2. Giá cả

*Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8: So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ chính, có 3 nhóm giảm: nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,58%; nhóm giao thông giảm 6,44%; văn hoá giải trí và du lịch giảm 0,06%; 2 nhóm bình ổn là nhóm thiết bị đồ dùng gia đình và bưu chính viễn thông còn lại 6 nhóm tăng nhẹ đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,78% so với tháng trước và giảm 1,59% so với tháng 12 năm 2021, tăng 1,02% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,83% so với kỳ gốc 2019.

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng năm 2022: CPI bình quân 8 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 2,94%, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,30%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,37%; nhóm may mặc, mũ nón, dày dép tăng 0,76%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 7,24%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,69%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,43%; nhóm giao thông tăng 18,35%, bưu chính viễn thông giảm 0,02%; nhóm giáo dục tăng 0,21%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,17%; nhóm hàng hóa dịch vụ khác giảm 2,62%. 

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 8 giảm 1,80% so với tháng trước, tăng 16,38% so với cùng kỳ năm trước, tăng 72,46% so với kỳ gốc 2019; bình quân 8 tháng tăng 17,81% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,79% so với kỳ gốc 2019; bình quân 8 tháng tăng 0,02% so cùng kỳ năm trước.

* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất: Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.

3. Hoạt động Vận tải

* Hoạt động vận tải tháng 8 năm 2022:  

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi tháng 8 ước đạt 111,30 tỷ đồng, tăng 6,43% so với tháng trước và tăng 85,98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách đạt 21,05 tỷ đồng, tăng 9,36% so với tháng trước, tăng 3,78 lần so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đạt 88,32 tỷ đồng, tăng 5,74% so với tháng trước và tăng 59,80% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 188,77 nghìn hành khách, tăng 8,28% so với tháng trước, tăng gấp 3,75 lần cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển đạt 30,35 triệu HK.Km, tăng 9,19% so với tháng trước, tăng gấp 3,46 lần cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 560,15 nghìn tấn, tăng 5,07% so với tháng trước, tăng 55,33% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 26,00 triệu tấn.Km, tăng 5,85% so với tháng trước, tăng 56,22% cùng kỳ năm trước.

* Hoạt động vận tải 8 tháng năm 2022:  

Tổng doanh thu đạt 700,39 tỷ đồng, tăng 43,39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 116,81 tỷ đồng, tăng 98,03% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 574,17 tỷ đồng, tăng 34,52% so với cùng kỳ năm trước. 

Khối lượng vận chuyển hành khách ước 8 tháng đạt 1.072,79 nghìn hành khách, tăng 97,92% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển đạt 168,84 triệu HK.Km, tăng 94,15% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 3.693,48 nghìn tấn, tăng 31,87% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 170,44 triệu tấn.Km, tăng 32,61% so với cùng kỳ năm trước. 

B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

I. THIẾU ĐÓI TRONG DÂN

Trong tháng tình hình đời sống nhân dân ổn định, không phát sinh thiếu đói trong dân. Lũy kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/8/2022, trên địa tỉnh có 12.742 hộ thiếu đói với 59.300 khẩu thiếu đói, xảy ra tại 09/10 huyện, thị xã, thành phố. So với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói tăng 12,70%, bằng 1.436 hộ; số nhân khẩu thiếu đói tăng 14,41%, bằng 7.471 nhân khẩu. Tổng số gạo được cứu trợ là 889,51 tấn cho 12.742 hộ thiếu đói giáp hạt.

II. TÌNH HÌNH Y TẾ

1. Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên: Tính từ ngày 15/7/2022 đến 16h ngày 14/8/2022, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 153 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó: có 01 bệnh nhân tử vong. Lũy tích, đến 18h ngày 14/8/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 91.363 ca mắc Covid-19, đã điều trị khỏi bệnh và ra viện 91.314 ca (có 21 ca tử vong). 

Ngành y tế tiếp tục tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Kết quả: Lũy tích đến ngày 14/8/2022, tỷ lệ tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên được tiêm: 01 mũi vắc xin đạt 99,5%; 02 mũi vắc xin đạt 95,7%; nhắc lại mũi 3 lần 1 đạt 83,1%; nhắc lại mũi 3 lần 2 đạt 112,9% (tỷ lệ tiêm Mũi 3 nhắc lại lần 2 đạt trên 100% do số đối tượng tiêm thực tế cao hơn so với số đối tượng kế hoạch, hiện tại các huyện đang rà soát, điều chỉnh lại số đối tượng tiêm). Tỷ lệ tiêm chủng từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm: 01 mũi vắc xin đạt 101,3% (tỷ lệ tiêm Mũi 1 đạt trên 100% do thời điểm thống kê đầu năm 2021 đối tượng chưa đủ 12 tuổi đến nay đối tượng đã đủ 12 tuổi dẫn đến số đối tượng tiêm thực tế cao hơn so với số đối tượng kế hoạch, hiện tại tỉnh đang rà soát, điều chỉnh lại số đối tượng tiêm); đủ 02 mũi vắc xin đạt 98,2%; mũi 3 đạt 43,3%. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em từ 5-12 tuổi được tiêm: đủ 01 mũi vắc xin đạt 85,7%, đủ 02 mũi vắc xin đạt 55,6%.

Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ dịch do bệnh truyền nhiễm khác gây ra.

2. Công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 31/7/2022, có 120/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.656 ca nhiễm HIV (09 ca mắc mới được phát hiện trong tháng); tích lũy số ca AIDS là 5.503 (không có ca nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS mới trong tháng); tử vong do AIDS lũy tích 4.001 ca (03 ca tử vong mới trong tháng). Tổng số ca nhiễm HIV quản lý được là 3.434 chiếm 94,0% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,54%.

3. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát VSATTP tại các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. Thành lập các đoàn giám sát công tác an toàn thực phẩm tại 109 cơ sở. Kết quả 103/109 (chiếm 94,5%) cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy tích cấp Giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn tỉnh đạt 93,4%. 

Trong tháng, không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm. Cộng dồn 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xẩy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 9 ca mắc (không có ca tử vong). Nguyên nhân do ngộ độc rượu và thức ăn bị ôi thiu.

III. GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục.

Giáo dục Mầm non, Tiểu học: Tổ chức kiểm tra chỉ đạo việc chuẩn bị cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu phục vụ cho dạy và học, thiết bị dạy học phục vụ khai giảng năm học 2022-2023. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non năm học 2022-2023. Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn năm học 2022-2023 cấp tiểu học.

Giáo dục Trung học: Tiếp tục tổ chức tuyển sinh các trường THPT tổ chức xét tuyển. Dự thảo, ban hành hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo các lĩnh vực. Tham gia các chương trình tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Chuẩn bị các nội dung tổ chức Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Điện Biên lần thứ VI, năm 2022. Tổ chức trại hè Hùng Vương lần thứ XVI, năm 2022 tại tỉnh Điện Biên do trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đăng cai tổ chức. 

Giáo dục Thường xuyên: Tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học 2022. Hướng dẫn tuyển sinh cử tuyển năm 2022. Triển khai ký hợp đồng đào tạo cử tuyển năm 2022 với các trường Đại học; ký hợp đồng đào tạo chuyên ngành Hán ngữ với Đại học Sư phạm Vân Nam, Trung Quốc. 

IV. VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH.

1 Lĩnh vực văn hóa và gia đình:

* Hoạt động Tuyên truyền: 

Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức rộng khắp từ tỉnh xuống cơ sở, trong đó, tập trung vào các nội dung: kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 77 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân; 111 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp; 77 năm ngày truyền thống ngành Văn hoá - Thông tin; tuyên truyền các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh...

* Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp:

Đoàn nghệ thuật tỉnh tổ chức biểu diễn 04 chương trình nghệ thuật phục vụ: Khai mạc và Bế mạc Trại hè Hùng Vương lần thứ XVI, năm 2022 tại tỉnh Điện Biên; “Chào mừng 30 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang”; “Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng cảnh sát Nhân dân” và chương trình giao lưu nghệ thuật đón đoàn công tác Luông Nậm Thà thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên.

* Hoạt động phát hành phim và chiếu bóng, phát hành sách:

Tổ chức chiếu phim lưu động vùng cao: 56 buổi; chiếu phim tại Rạp: 10 buổi; Tổng số sách phát hành trong tháng 1.164 bản, tổ chức 3 cuộc lưu động trưng bày, giới thiệu xuất bản phẩm - văn hoá phẩm tuyên truyền phục vụ cơ sở.

* Hoạt động hệ thống Thư viện: 

Trong tháng, bổ sung mới 600 bản sách hạt nhân; cấp mới và đổi 100 thẻ bạn đọc; luân chuyển 37.151 lượt sách, báo. Tổng số bạn đọc sử dụng thư viện là 17.528 lượt; số lượt độc giả truy cập CSDL thư viện điện tử 4.572 lượt.

* Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa: 

Trong tháng, Sở Văn hóa tham gia Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Nghệ thuật Xoè Thái” tại tỉnh Yên Bái. Xây dựng nội dung trưng bày, triển lãm chuyên đề “Sắc màu văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên”.

Bảo tàng tỉnh đón tiếp 175 lượt khách tham quan Nhà trưng bày.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Tổng số lượt khách tham quan trong tháng 17.595 lượt người (khách nước ngoài 157 lượt người). 

Tổng số lượt khách tham quan Di tích chiến trường Điện Biên Phủ là 32.182 lượt người (khách nước ngoài 199 lượt người). 

2. Lĩnh vực thể dục thể thao:

* Phong trào TDTT quần chúng: 

Tổ chức Bế giảng các lớp năng khiếu Thể dục thể thao Hè năm 2022. Tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Tổ chức giải Bóng rổ các Câu lạc bộ trẻ tỉnh Điện Biên lần thứ I, năm 2022. Tính đến tháng 8, số người tham gia luyện tập thường xuyên ít nhất 01 môn thể thao là 199.059 người, chiếm 31,7% tổng số dân trong tỉnh. Số gia đình thể thao 27.930 người, có 415 câu lạc bộ thể thao cơ sở trong toàn tỉnh.

* Thể thao thành tích cao: 

Đã tham gia 03 giải thi đấu thể dục thể thao, tham gia 01 hội thi, tổng số huy chương đã đạt được trong tháng: 05 huy chương.

3. Lĩnh vực du lịch

Trong tháng đã tư vấn, hỗ trợ hơn 60 lượt khách du lịch, 30 lượt doanh nghiệp du lịch tìm hiểu thông tin về du lịch Điện Biên. Thực hiện 31 buổi phát màn hình Led tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Duy trì các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Điện Biên trên các trang mạng, phương tiện truyền thông….

Dự ước tháng 8 đón khoảng 51.120 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 447 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 88,4 tỷ đồng. 

V. TAI NẠN GIAO THÔNG, CHÁY NỔ, VI PHẠM MÔI TRƯỜNG

1. Tai nạn giao thông

Trên địa bàn tỉnh (từ ngày 15/6/2022 đến ngày 14/7/2022) không xảy ra va chạm và tai nạn giao thông. Lũy kế từ 15/11/2021 đến 14/7/2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 15 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 16 người chết, 6 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giảm 34,78%, số người chết tăng 60,0%, số người bị thương giảm 76,0%. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ tốc độ, không đi đúng làn đường quy định, phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật và các nguyên nhân khác.

2. Cháy nổ

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không xẩy ra cháy, nổ. Lũy kế từ 15/11/2021 đến 14/7/2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xẩy ra 4 vụ cháy (2 vụ cháy nhà, 1 vụ cháy xe ô tô chở vật liệu xây dựng, 1 vụ cháy loại hình khác), không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại khoảng 2.650 triệu đồng. Nguyên nhân cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện, và 2 vụ cháy chưa rõ nguyên nhân. So cùng kỳ năm trước số vụ giảm 71,43%, bằng 10 vụ; số thiệt hại giảm 48,99%, bằng 2.545 triệu đồng. 

3. Vi phạm môi trường

Số vụ vi phạm môi trường trong tháng 8 là 6 vụ; số vụ được xử lý 5 vụ với tổng số tiền xử phạt 23 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm giảm 64,71%; số vụ được xử lý giảm 64,29%; tổng số tiền xử phạt tăng giảm 78,73%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm giảm 81,25%; số vụ được xử lý giảm 83,33%; tổng số tiền xử phạt giảm 87,26%. Luỹ kế 8 tháng đầu năm số vụ vi phạm môi trường 271 vụ, tăng 29,05%; số vụ được xử lý 219 vụ, tăng 12,31% với tổng số tiền xử phạt 802,82 triệu đồng, giảm 3,49%. Chủ yếu là phá rừng làm nương, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật.

VI. THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

Từ ngày 30/7 đến ngày 09/8/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt mưa lớn gây lũ ngập lụt, dông sét kèm gió giật mạnh đã gây thiệt hại về người và tài sản của người dân, cụ thể: 1 người bị sét đánh chết; 7 ngôi nhà; 1,2 ha diện tích ngô; 2 con trâu; 0,12 ha diện tích nuôi cá bị thiệt hại. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 0,22 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới thời điểm báo cáo thiên tai làm thiệt hại: 11 người bị chết và 4 người bị thương; 516 nhà; 1.004,14 ha lúa; 90,28 ha ngô, sắn, hoa màu, rau màu; 1.405 con gia súc, gia cầm bị chết hoặc cuốn trôi (780 con gia súc); 36,27 ha diện tích nuôi cá; 200 kg cá bị cuốn trôi; thiệt hại về thủy lợi: có 3 đập bị sạt lở hư hỏng, 38 công trình bị hư hỏng ảnh hưởng do thiên tai, khối lượng đất đá vùi lấp kênh 2.329 m3, chiều dài kênh bị sạt gãy vùi lấp hư hỏng 3.326 m; thiệt hại về giao thông: chiều dài đường sạt lở hư hỏng 6.334,6 m, hư hỏng rãnh dọc 740 m, khối lượng đất sạt xuống đường 299.705,5 m3, hư hỏng mặt đường 98.040,2 m2, 14 cầu bị hư hỏng; có 18 trường, điểm trường, 3 cơ sở y tế bị thiệt hại và một số thiệt hại khác. Ước tính giá trị thiệt hại là 92,78 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây