TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG NĂM 2022 TỈNH ĐIỆN BIÊN

Thứ ba - 31/05/2022 08:35
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 5 tháng ước đạt 601,41 tỷ đồng, tăng 24,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 578,45 tỷ đồng, tăng 20,39%, chiếm 96,18%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12,90 tỷ đồng, chiếm 2,15%; thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp 10,05 tỷ, chiếm 1,67%.

A. KINH TẾ

I. THU, CHI NGÂN SÁCH

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 5 tháng ước đạt 601,41 tỷ đồng, tăng 24,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 578,45 tỷ đồng, tăng 20,39%, chiếm 96,18%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12,90 tỷ đồng, chiếm 2,15%; thu viện trợ, các khoản huy động đóng góp 10,05 tỷ, chiếm 1,67%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 5 tháng năm 2022 ước đạt 4.974,38 tỷ đồng, tăng 37,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 1.389,43 tỷ đồng, tăng 116,19%, chiếm 27,93%. Chi thường xuyên đạt 3.531,61 tỷ đồng, tăng 19,09%, chiếm 71,0%. Các nhiệm vụ chi khác đạt 15,70 tỷ đồng, tăng 497,56%, chiếm 0,32%.

II. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

1. Sản xuất nông nghiệp 

1.1. Trồng trọt:

* Lúa đông xuân: 

Toàn tỉnh gieo cấy được 9.766,01 ha, giảm 1,51% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, vượt 0,09% kế hoạch. Do được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa một số hệ thống thủy lợi đưa vào tưới tiêu tạo điều kiện cho các địa phương mở rộng diện tích gieo cấy trên những chân ruộng một vụ; đã có 7/10 huyện, thị gieo cấy vượt kế hoạch từ 1,08% đến 32,03%. Tuy nhiên, một số xã vùng cao thuộc huyện Mường Chà do nguồn nước tưới không đảm bảo nên diện tích gieo cấy đạt 97,43% kế hoạch, tại thành phố Điện Biên Phủ diện tích giảm hơn so với cùng kỳ năm trước 138,40 ha do thu hồi đất để phục vụ cho dự án tái định cư tại phường Thanh Trường. Thời tiết trong tháng đã có những ngày mưa, tạo điều kiện cho lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tranh thủ những ngày nắng nóng, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch những trà lúa sớm và chà chính vụ. Dự ước toàn tỉnh đã thu hoạch được 3.633,69 ha, gấp 3,62 lần so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân, thời tiết trong tháng xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, khô hanh; do vậy, lúa đông xuân năm nay bà con tranh thủ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch so với năm trước; năng suất đã thu hoạch ước đạt 61,24 tạ/ha, tăng 2,42%; sản lượng thu hoạch ước đạt 22.254,34 tấn, gấp 3,71 lần. 

* Các loại cây hàng năm khác so với cùng kỳ năm trước: Tính đến ngày 15/5, toàn tỉnh đã gieo trồng được 33.900,72 ha cây hàng năm khác, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngô gieo trồng được 19.534,22 ha, giảm 4,69%; lạc gieo trồng được 711,50 ha, tăng 58,81%; đậu tương gieo trồng được 419,26 ha, giảm 27,85%; sắn trồng được 10.182,50 ha, tăng 21,92%; khoai lang trồng được 143,18 ha, giảm 48,09%; dong giềng trồng được 1.177,20 ha, tăng 27,29%; mía trồng được 81,06 ha, giảm 2,05%; rau các loại gieo trồng được 1.557,39 ha, tăng 0,79%; đậu các loại gieo trồng được 94,41 ha, giảm 6,91%; ngoài ra, toàn tỉnh đã gieo trồng được 8.422,14 ha lúa nương và 85,43 ha rau vụ mùa. Hiện nay bà con nông dân vẫn đang tích cực gieo trồng các loại cây hoa màu vụ xuân, phấn đấu đạt kế hoạch diện tích gieo trồng trong vụ.

* Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều loại sâu, bệnh vẫn tiếp tục gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong tháng 5.510,0 ha, tăng 352,30 ha so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 1.143,30 ha; diện tích phòng trừ 8.384 ha (chủ yếu là phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa, ngô); trong đó: Trên cây lúa Đông Xuân với tổng diện tích nhiễm 4.534,90 ha, tăng 257,40 ha so với tháng trước; tăng 771,90 ha so với cùng kỳ năm trước. Trên cây ngô 98,6 ha; cây cà phê 482,30 ha; cây ăn quả 353,70 ha; cây rừng 129,20 ha. Trong tháng các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời ngăn chặn không để sâu, bệnh hại cây trồng lây lan ra diện rộng.              

1.2. Chăn nuôi: 

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Đàn bò vẫn luôn được trú trọng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên các chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống và đầu tư chuồng trại vẫn luôn được quan tâm, duy trì tốc độ tăng trưởng khá giúp các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất tốt. Chăn nuôi lợn vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Theo báo cáo của Chi cục Thú y, từ ngày 15/4 – 14/5/2022 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 3/10 huyện, thị với tổng số lợn mắc bệnh và chết 271 con. Trước nguy cơ Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp khống chế, xử lý dứt điểm các ổ dịch không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi bệnh. Trong tháng ngoài Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn,… vẫn xảy ra trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Tủa Chùa và Nậm Pồ làm 03 con trâu, bò và 08 con lợn bị chết. Tiêm phòng bệnh được 10.208 liều vắc xin bệnh dại chó; kiểm soát giết mổ được 192 con trâu, bò và 3.797 con lợn.     

Ước tính số lượng đầu con gia súc, gia cầm tháng 5 và so với cùng kỳ năm trước: Đàn trâu 134.689 con, tăng 2,03%; đàn bò 95.014 con, tăng 13,2%; đàn lợn 302.207 con, tăng 1,92%; đàn gia cầm 4.633,44 nghìn con, tăng 3,24% (trong đó gà 3.545,41 nghìn con, tăng 2,61%). 

Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng tháng 5 so với cùng kỳ năm trước: Thịt trâu 221,85 tấn, tăng 0,95%; thịt bò 196,58 tấn, tăng 3,11%; thịt lợn hơi 990,4 tấn, tăng 1,86%; gia cầm 395,62 tấn, tăng 2,23%; trứng gia cầm 6.570,0 nghìn quả, tăng 0,61%. 

2. Sản xuất lâm nghiệp

Các địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục duy trì, phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng, cử cán bộ bám sát cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và chăm sóc rừng, hướng dẫn bà con nông dân phát dọn nương rẫy theo đúng quy định, không phá rừng và đốt nương rẫy tự do. Trong tháng toàn tỉnh không có vụ cháy rừng xảy ra; tuy nhiên, hiện tượng phá rừng và vi phạm quy định QLBVR vẫn còn xảy ra 38 vụ, trong đó: phá rừng trái phép 25 vụ với diện tích rừng bị phá 8,12 ha, số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá tăng so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân do trong tháng là thời điểm bà con tập trung đốt nương làm rẫy; khai thác rừng trái phép 04 vụ; mua bán, vận chuyển, cất giữ,… lâm sản trái phép 08 vụ, cơ quan chức năng thu giữ 17,16 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trong tháng được 108,51 triệu đồng.

Dự ước sản lượng lâm sản khai thác tháng 5: Gỗ 1.132 m3; củi 68.495 Ste, so với cùng kỳ năm trước, gỗ giảm 3,41%, củi giảm 2,51%. Dự ước sản lượng lâm sản khai thác 5 tháng năm 2022: Gỗ 5.315 m3, củi 330.852 Ste, so với cùng kỳ năm trước, gỗ giảm 3,47%; củi giảm 2,15%. Ngoài ra bà con nông dân thu nhặt các loại lâm sản khác như măng đắng, mật ong, song mây để cải thiện và tăng thêm thu nhập.

3. Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì phát triển tốt. Dự ước toàn tỉnh có 2.726,82 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước (nuôi cá 2.725,37 ha). Việc đầu tư, mở rộng diện tích và tăng năng suất nuôi trồng vẫn được bà con quan tâm, đặc biệt mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước, mô hình nuôi cá bể bồn tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo vẫn được quan tâm đầu tư phát triển. Tổng số lượng lồng bè hiện có trên địa bàn tỉnh là 255 cái với tổng thể tích 36.392 m3. Các cơ sở nuôi trồng thường xuyên kiểm tra mực nước và môi trường nuôi đảm bảo cho thủy sản sinh trưởng và phát triển tốt, trong tháng không xảy ra dịch bệnh lớn. Thời tiết trong tháng có một số ngày mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại thủy sản. Giá sản phẩm thủy sản ổn định, tạo điều kiện thuận lợi bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Dự ước sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác tháng 5 được 372,90 ha, tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng nuôi trồng được 352,33 tấn, tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thuỷ sản khai thác được 20,57 tấn, tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác 5 tháng đạt 1.865,50 tấn, tăng 7,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng nuôi trồng được 1.745,50 tấn, tăng 8,01% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thuỷ sản khai thác được 120 tấn, tăng 3,08% so với cùng kỳ năm trước. 

III. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 6,47% so với tháng trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 22,59%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,99%; sản xuất và phân phối điện tăng 15,34%; cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải tăng 3,10%. So với tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 14,20%; trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 46,24%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,58%; sản xuất và phân phối điện tăng 26,04%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,48%. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 của tỉnh có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên tốc độ tăng giữa các ngành chưa đồng đều và chỉ tập trung tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng (do mỏ than quay trở lại hoạt động và sản xuất); thủy điện và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị). Nhiều ngành vẫn còn khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, hợp đồng dài hạn để cung cấp sản phẩm, nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng như gạch đất nung trên địa bàn tỉnh Điện Biên giá thành cao, sức cạnh tranh kém trên thị trường tiêu thụ so với sản phẩm của  tỉnh Lai Châu; nhiều hộ dân ưu tiên lựa chọn gạch của Lai Châu để giảm bớt chi phí xây dựng; ngành sản xuất chè cây cao tại Tủa Chùa mặc dù được nhà nước hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến thông qua nguồn kinh phí khuyến công nhưng sản phẩm chưa tìm được đầu ra và chưa cạnh tranh được với các loại chè ở Thái Nguyên, Sơn La,... sản xuất. 

Một số sản phẩm chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Than đá (than cứng) loại khác gấp 20,3 lần;  điện sản xuất tăng 28,52%; đá xây dựng khác tăng 20,7%; nước uống được tăng 8,57%; sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) tăng 6,51%; điện thương phẩm tăng 5,5%. Sản phẩm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Bàn bằng gỗ các loại giảm 17,39%;  đồ nội thất bằng gỗ khác chưa được phân vào đâu giảm 12,26%; xi măng Portland đen giảm 2,34%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng ước tăng 9,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 16,36%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,51%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 24,94%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,11%. Trong 5 tháng đầu năm 2022, một số sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ như: Than đá (than cứng) loại khác tăng 216,07%; điện sản xuất tăng 27,33%; đá xây dựng tăng 12,26%, điện thương phẩm tăng 8,89%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 8,0%; bên cạnh đó một số đơn vị sản xuất ngành chế biến đã bị sụt giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước như: Xi măng Điện Biên giảm 5,11%; bàn bằng gỗ các loại giảm 4,39%; đồ nội thất bằng gỗ chưa được phân vào đâu giảm 4,21%. 

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 5 tăng 0,05% so với tháng trước (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,12%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước ổn định) và tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,54%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,99%). Tính chung 5 tháng đầu năm 2022 chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,84% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,67%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,48%).  

IV. VỐN ĐẦU TƯ 

1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 

Dự tính vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 ước đạt 189,61 tỷ đồng, tăng 4,37% so với tháng trước, giảm 18,46% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 133,34 tỷ đồng, tăng 4,96% và giảm 17,52%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 49,24 tỷ đồng, tăng 2,62 và giảm 21,90%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7,03 tỷ đồng, tăng 5,71% và giảm 10,1%.

Dự ước 5 tháng năm 2022 thực hiện được 890,50 tỷ đồng, giảm 11,62% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 638,37 tỷ đồng, giảm 8,63%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 221,48 tỷ đồng, giảm 18,33%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 30,65 tỷ đồng, giảm 18,84%.

2. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 

Dự ước vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong tháng 5 đạt 1.285,07 tỷ đồng, tăng 8,02% so với tháng trước, tăng 15,46% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 557,36 tỷ đồng, tăng 6,36% và tăng 2,62% (vốn Trung ương quản lý đạt 308,27 tỷ đồng, tăng 7,98% và tăng 24,09%; vốn địa phương quản lý đạt 249,10 tỷ đồng, tăng 4,42% và giảm 15,48%); Vốn ngoài Nhà nước đạt 727,71 tỷ đồng, tăng 9,33% và tăng 27,70%. 

Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện dự tính đạt 5.266,26 tỷ đồng, tăng 14,32% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 2.304,71 tỷ đồng, tăng 3,59% (vốn Trung ương quản lý đạt 1.161,08 tỷ đồng, tăng 20,28%; vốn địa phương quản lý đạt 1.143,62 tỷ đồng, giảm 9,2%). Vốn ngoài Nhà nước đạt 2.961,56 tỷ đồng, tăng 24,33% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực hiện.

V. THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - GIÁ CẢ - VẬN TẢI 

1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 

Trong tháng có dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5, ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022), lễ khánh thành Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Với thế mạnh, nguồn tài nguyên du lịch lịch sử, kết hợp với du lịch sinh thái, tâm linh, văn hoá ẩm thực với bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng, đã thu hút được đông đảo người dân và du khách đến với Điện Biên. Đặc biệt từ ngày 09/5/2022, Cửa Khẩu Quốc tế Tây Trang bắt đầu mở cửa trở lại, tuyến đường Điện Biên -Tây Trang được đầu tư nâng cấp đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 1.306,87 tỷ đồng, tăng 49,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.922,66 tỷ đồng, tăng 30,56% so với cùng kỳ năm trước.

1.1. Bán lẻ hàng hoá 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 1.188,86 tỷ đồng, tăng 7,01% so với tháng trước, tăng 49,53% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ các nhóm hàng cụ thể ở biểu sau:

Biểu 01: Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tháng 5 và 5 tháng năm 2022

1.2. Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5 ước đạt 57,99 tỷ đồng, tăng 13,87% so với thực hiện tháng trước, tăng 56,89% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 5,09 tỷ đồng, tăng 19,86% so với tháng trước, tăng 71,18% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ ăn uống đạt 52,90 tỷ đồng, tăng 13,32% so với tháng trước, tăng 55,64% so với cùng kỳ năm trước. 

Dịch vụ lưu trú ăn uống 5 tháng đầu năm 2022 đạt 251,33 tỷ đồng, tăng 24,68% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 19,83 tỷ đồng, tăng 20,30% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 231,50 tỷ đồng, tăng 25,07% so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Dịch vụ khác

 Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 5 ước tính đạt 59,89 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 5 tháng đạt 284,27 tỷ đồng, tăng 24,12% so cùng kỳ năm trước.

2. Giá cả

*Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5: So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ chính, có 5 nhóm giảm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,10%; nhóm may mặc, mũ nón, dày dép giảm 0,08%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 4,10%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,04%; giáo dục giảm 0,06%; và 1 nhóm bình ổn là nhóm bưu chính viễn thông, còn lại 5 nhóm tăng nhẹ đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,48% so với tháng trước, tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,01% so với kỳ gốc 2019.

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng năm 2022: CPI bình quân 5 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 3,75%, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,08%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; nhóm may mặc, mũ nón, dày dép tăng 0,98%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 12,75%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,54%; nhóm giao thông tăng 19,46%, bưu chính viễn thông giảm 0,04%; nhóm giáo dục tăng 0,32%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,46%; nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 1,01%. 

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 1,64% so với tháng trước, tăng 24,42% so với cùng kỳ năm trước, tăng 78,86% so với kỳ gốc 2019; bình quân 5 tháng tăng 17,27% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5 tăng 0,64% so với tháng trước, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,81% so với kỳ gốc 2019; bình quân 5 tháng giảm 0,83% so cùng kỳ năm trước.

* Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất: Chỉ số có mức tăng, giảm tương ứng với giá tiêu dùng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Điện Biên.

3. Hoạt động Vận tải

* Hoạt động vận tải tháng 5 năm 2022:  

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi tháng 5 ước đạt 89,59 tỷ đồng, tăng 10,05% so với tháng trước và tăng 53,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách đạt 15,61 tỷ đồng, tăng 24,69% so với tháng trước, tăng 130,89% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đạt 72,56 tỷ đồng, tăng 6,89% so với tháng trước và tăng 41,06% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 143,20 nghìn hành khách, tăng 23,02% so với tháng trước, tăng 131,69% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển đạt 22,44 triệu HK.Km, tăng 23,83% so với tháng trước, tăng 121,86% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 461,05 nghìn tấn, tăng 6,38% so với tháng trước, tăng 35,63% cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 21,26 triệu tấn.Km, tăng 6,05% so với tháng trước, tăng 37,24% cùng kỳ năm trước.

* Hoạt động vận tải 5 tháng năm 2022:  

Tổng doanh thu đạt 386,22 tỷ đồng, tăng 25,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 58,71 tỷ đồng, tăng 40,11% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 323,39 tỷ đồng, tăng 22,10% so với cùng kỳ năm trước. 

Khối lượng vận chuyển hành khách ước 5 tháng đạt 543,14 nghìn hành khách, tăng 40,41% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển đạt 84,40 triệu HK.Km, tăng 38,38% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2.092,64 nghìn tấn, tăng 20,27% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 96,41 triệu tấn.Km, tăng 20,89% so với cùng kỳ năm trước. 

B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

I. THIẾU ĐÓI TRONG DÂN

Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.904 hộ với 9.203 khẩu thiếu đói, xảy ra tại huyện Tuần Giáo vào thời điển cuối tháng 4/2022. Tỷ lệ hộ thiếu đói chiếm 1,39% so với tổng số hộ; tỷ lệ nhân khẩu thiếu đói chiếm 1,46% so với tổng số nhân khẩu (cùng kỳ năm trước không phát sinh thiếu đói). Đã cứu trợ 138,03 tấn gạo cho 1.904 hộ thiếu đói. Lũy kế từ ngày 15/12/2021 ngày 15/5/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 12.742 hộ thiếu đói với 59.300 khẩu thiếu đói, xảy ra tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố. So với cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói tăng 12,70% bằng 1.436 hộ; số nhân khẩu thiếu đói tăng 14,71% bằng 7.471 nhân khẩu. Tổng số gạo được cứu trợ là 889,51 tấn cho 12.742 hộ thiếu đói.

II. TÌNH HÌNH Y TẾ

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 5 cơ bản đã được kiểm soát. Lũy tích, đến 18h ngày 19/5/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 88.138 ca mắc Covid-19, đã điều trị khỏi bệnh và ra viện 88.048 ca (có 20 ca tử vong). Hiện tại đang điều trị 70 ca.

Tính đến ngày 15/5/2022, tỉnh Điện Biên tiêm được 1.122.575 liều, cụ thể: Đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được 962.775 liều (01 liều vắc xin đạt 99,2%; 02 liều vắc xin đạt 94,3%; 03 liều vắc xin đạt 88,5%). Đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm được 131.131 liều (01 liều vắc xin đạt 98,6%; 02 liều vắc xin đạt 89,8%). Đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm được 28.669 liều ( 01liều vắc xin đạt 27,7%).

Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ dịch do bệnh truyền nhiễm khác gây ra.

III. GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục.

Giáo dục Mầm non: Phối hợp đánh giá ngoài cơ sở giáo dục mầm non theo kế hoạch. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên năm học 2022-2023. Thực hiện chuyên đề truyền thông của cấp học. Triển khai các hoạt động theo kế hoạch của Dự án “Nâng cao năng lực Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hướng nghiệp tỉnh”. Báo cáo tổng kết năm học.

Giáo dục Tiểu học: Chỉ đạo kết thúc chương trình; kiểm tra, đánh giá tổng hợp kết quả năm học 2021-2022; xét hoàn thành Chương trình tiểu học đối với học sinh lớp 5. Báo cáo đánh giá thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1,2. Dự thảo báo cáo tổng kết năm học, tổng kết công tác thi đua năm học 2021-2022.

Giáo dục Trung học: Thành lập Đoàn vận động viên ngành GDĐT tham gia Đại hội TDTT tỉnh Điện Biên lần thứ XI, năm 2022. Tham mưu thành lập Đoàn vận động viên học sinh phổ thông tỉnh Điện Biên tham gia thi đấu giải Điền kinh học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022…

 Giáo dục Thường xuyên: Chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm GDTX tỉnh, GDNN-GDTX cấp huyện hoàn thành chương trình năm học 2021-2022; tổ chức ôn tập, ôn thi, hội thảo ôn thi tốt nghiệp THPT đối với GDTX; chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

IV. VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

1. Lĩnh vực văn hóa và gia đình

* Hoạt động Tuyên truyền: 

Sở Văn hóa và Thông tin hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19;... Các đội tuyên truyền lưu động toàn tỉnh đã thực hiện 10 buổi hoạt động tuyên truyền cho 26 ngàn lượt người; căng treo 163 băng, cờ, khẩu hiệu.

* Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp

 Đoàn nghệ thuật tổ chức dàn dựng, tập luyện 1 chương trình nghệ thuật và biểu diễn 6 chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ trên 18 ngàn lượt xem. 

* Hoạt động hệ thống Thư viện: 

Cấp mới và đổi 1.572 thẻ bạn đọc; luân chuyển 60.558 lượt sách, báo. Tổng số bạn đọc sử dụng thư viện là 28.159 lượt; số lượt độc giả truy cập CSDL thư viện điện tử 17.509 lượt.

* Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa: 

Ngày 18/5/2022, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ Khánh thành Đền thờ Liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, là điểm đến ý nghĩa đối với đông đảo người dân, du khách.

Trong tháng, bảo tàng tỉnh đón tiếp 500 lượt khách tham quan Nhà trưng bày (khách nước ngoài 30 khách). 

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ quản lý, vận hành Bức tranh Panorama đưa vào phục vụ khách tham quan. Tổng số lượt khách tham quan trong tháng 54.454 lượt người (khách nước ngoài 19 lượt người). 

Trong tháng 5, tổng số lượt khách tham quan Di tích chiến trường Điện Biên Phủ là 69.497 lượt người (khách nước ngoài 95 lượt người). 

2. Lĩnh vực thể dục thể thao

* Phong trào TDTT quần chúng: 

Duy trì và phát triển tốt, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng.

* Thể thao thành tích cao: 

Tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Điện Biên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong tháng, tổ chức Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Điện Biên lần thứ XI, năm 2022. Đại hội lần này có sự tham gia của 22 đoàn vận động viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, các trường chuyên nghiệp, thu hút trên 1.000 vận động viên tham gia; thi đấu tranh 84 bộ huy chương của 84 nội dung với 18 môn thể thao, thời gian từ ngày 19/5 đến ngày 23/5/2022 tại thành phố Điện Biên Phủ.

3. Lĩnh vực du lịch

Triển khai các nội dung phối hợp với Tiktok quảng bá du lịch Điện Biên. Thực hiện lập kênh Du lịch Điện Biên, đăng tải các video clip ngắn giới thiệu về tiềm năng du lịch, các điểm đến, sản phẩm dịch vụ. Kênh đã được đánh dấu tích xanh, nhiều video đã tiếp cận, thu hút nhiều lượt xem (trên 74 nghìn lượt/01 video).

Dự ước tháng 5 đón khoảng 141.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 98 lượt. 

V. TAI NẠN GIAO THÔNG, CHÁY NỔ, VI PHẠM MÔI TRƯỜNG

1. Tai nạn giao thông

Trên địa bàn tỉnh (từ ngày 15/3/2022 đến ngày 14/4/2022) đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông làm chết 3 người, bị thương 1 người, nguyên nhân đi sai làn đường, phần đường; người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện và các nguyên nhân khác. Lũy kế từ 15/11/2021 đến 14/4/2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 14 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 15 người chết, 5 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn tăng 16,67%, số người chết tăng 200%, số người bị thương giảm 71,0%. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ tốc độ, không đi đúng làn đường quy định và phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật và các nguyên nhân khác.

2. Cháy nổ

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không xảy ra cháy nổ. Lũy kế từ 15/11/2021 đến 14/4/2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xẩy ra 1 vụ cháy xe ô tô chở vật liệu xây dựng nhưng không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Nguyên nhân của vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện. So cùng kỳ năm trước số vụ giảm 90%; số thiệt hại giảm 90,9%. 

3. Vi phạm môi trường

Số vụ vi phạm môi trường trong tháng 5 là 38 vụ; số vụ được xử lý 27 vụ với tổng số tiền xử phạt 108,51 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm giảm 45,71%; số vụ được xử lý giảm 55,0%; tổng số tiền xử phạt giảm 28,11%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm tăng 40,74%; số vụ được xử lý tăng 22,73%; tổng số tiền xử phạt tăng 230,82%. Luỹ kế 5 tháng đầu năm số vụ vi phạm môi trường 220 vụ, tăng 64,18%; số vụ được xử lý 173 vụ, tăng 47,86% với tổng số tiền xử phạt 585,89 triệu đồng, tăng 121,88%. 

VI. THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

Từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn, dông sét, kèm gió giật mạnh đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân như sau: làm 3 người bị chết và 2 người bị thương; 213 ngôi nhà bị tốc, thủng mái; 55,3 ha diện tích lúa; 26,9 ha diện tích ngô và hoa màu; 1,2 ha diện tích cây trồng khác; 51 con gia súc gia cầm bị chết; 1,38 ha diện tích nuôi cá bị thiệt hại; 8 điểm trường; 84.095 m3 đất đá vùi lấp đường và rãnh dọc; 48.150 m2  mặt đường bị hư hỏng; 19 cống bị tắc hư hỏng; 1 ngầm trạm lũ trôi và hư hỏng; 1 công trình thủy lợi Huổi Đỉa bị mưa lũ gây xói, hư hỏng đập đầu mối; và một số thiệt hại khác. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 13,28 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm tới thời điểm báo cáo thiên tai làm thiệt hại: 3 người bị chết và 2 người bị thương; 306 nhà; 531 ha lúa; 26,9 ha ngô, hoa màu; 1,2 ha diện tích cây trồng khác; 624 con gia súc, gia cầm bị chết hoặc cuốn trôi (trong đó: 597 con gia súc); 1,38 ha diện tích nuôi cá; 200 kg cá bị cuốn trôi; 84.095 m3 đất đá vùi lấp đường và rãnh dọc; 48.150 m2  mặt đường bị hư hỏng; 19 cống bị tắc hư hỏng; 1 ngầm tạm lũ trôi hư hỏng; và một số thiệt hại khác. Ước tính giá trị thiệt hại là 22,86 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê tỉnh Điện Biên" hoặc "https://thongkedienbien.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây