Cục Thống kê tỉnh Điện Biên

http://thongkedienbien.gov.vn


Giải thích về sự khác biệt giữa số liệu của Tổng cục Thống kê

Trong một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Giảm tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam: Giải pháp từ cải cách lĩnh vực thuế” do VCCI tổ chức ngày 11/6/2015 tại Hà Nội có đề cập nội dung: “theo Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng số hộ sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp trên cả nước là 4,658 triệu hộ năm 2014, và 4,536 triệu hộ năm 2013” trong khi “theo số liệu quản lý của cơ quan thuế thì tính luỹ kế đến 31-12-2014 ngành thuế đã cấp mã số thuế cho 3,018 triệu hộ kinh doanh, tuy nhiên, trong số đó chỉ có 1,612 triệu hộ kinh doanh “đang hoạt động”. Từ đó, báo chí và truyền hình đã đặt câu hỏi “vậy thì 3 triệu hộ kinh doanh biến đi đâu ?”
Về vấn đề này, Tổng cục Thống kê xin trao đổi như sau:
 
Mỗi loại số liệu khi được thu thập, tổng hợp đều nhằm phục vụ mục tiêu quản lý, sử dụng cụ thể và mục tiêu này sẽ quyết định khái niệm và phương pháp tính số liệu đó. Số liệu về khu vực sản xuất kinh doanh cá thể (phi nông lâm nghiệp thủy sản) trong thống kê cũng như vậy:  
         
Mục tiêu chính của điều tra thống kê cơ sở SXKD phi nông, lâm nghiệp, thủy sản của TCTK nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở, lao động của các cơ sở kinh doanh cá thể; kết quả SXKD, từ đó tính toán các chỉ tiêu chuyên ngành thống kê theo ngành kinh tế quốc dân và mức độ đóng góp vào GDP của các cơ sở SXKD cá thể phi NLNN tạo ra từ hoạt động SXKD. Hiện tại các cơ sở SXKD cá thể phi nông lâm ngư nghiệp đóng góp khoảng 13-15% trong GDP, không phải là con số 33% như báo chí đã nêu khi so sánh với con số 2% thuế thu được từ các hộ này. 33% đóng góp trong GDP là kể cả hơn 16 triệu hộ cá thể nông nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, cần nhấn mạnh hơn tới ý nghĩa xã hội của khu vực này như: tạo công ăn việc làm cho hơn 7 triệu lao động vốn có trình độ thấp, là nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình, tạo ra mạng lưới rộng khắp trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội...
 
Với mục tiêu trên thì đối tượng, phạm vi điều tra của thống kê và công tác quản lý thuế có sự khác biệt, dẫn đến kết quả điều tra thống kê và số liệu quản lý thuế sẽ khác nhau. Số liệu 4,6 triệu của Tổng cục Thống kê là các “cơ sở SXKD cá thể”, không phải là “hộ kinh doanh cá thể” như người sử dụng thông tin và báo chí hiểu nhầm. Hai khái niệm này có sự khác biệt, cụ thể là: 
 
(1) Đối tượng và phạm vi của điều tra thống kê khá rộng
 
- Về địa điểm kinh doanh: bao gồm cả các cơ sở kinh doanh tại các địa điểm như chợ không kiên cố, chợ tạm...hoặc các cơ sở có địa điểm kinh doanh đặc thù như cá thể làm xây dựng, xe ôm có địa điểm thường xuyên tại bến bãi, gia đình...cũng được tính vào đối tượng điều tra thống kê;
- Về trạng thái đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh: bao gồm cả các cơ sở chưa hoặc không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại điều 49  Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/4/2010 (bán quà vặt, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp...). Cơ sở kinh doanh mùa vụ có thời gian hoạt động trong năm từ 3 tháng trở lên thì vẫn là đối tượng của điều tra thống kê. Theo TĐT 2012 chỉ có 31% số cơ sở có ĐKKD
- Về mức doanh thu: điều tra thống kê bao gồm cả các cơ sở SXKD cá thể có hoạt động SX kinh doanh tại thời điểm điều tra, thỏa mãn khái niệm về cơ sở, dù chỉ có quy mô doanh thu nhỏ, chỉ đủ bù đắp kinh tế gia đình, không phân biệt theo ngưỡng doanh thu chịu thuế. Trong khi đó cơ sở dữ liệu quản lý thuế (sổ bộ) chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/1 năm. Số hộ dưới mức này chỉ phải nộp phí, không đưa vào sổ bộ thuế
 
(2) Đối tượng thuộc diện điều tra thống kê là bất cứ cá nhân nào đang trực tiếp điều hành cơ sở kinh doanh, không phân biệt theo chủ thể đăng ký thuế.
- Trường hợp hộ gia đình có kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, mỗi ngành nghề do một cá nhân trong hộ gia đình quản lý thì điều tra thống kê tính là nhiều cở sở kinh doanh, kể cả trường hợp đăng ký thuế là một hộ kinh doanh;
- Trường hợp có nhiều địa điểm kinh doanh tại cùng xã, phường (khác tổ dân phố, thôn ấp bản) thì cũng tính là nhiều cơ sở kinh doanh, kể cả trường hợp đăng ký thuế là một hộ kinh doanh.
 
Biểu 1 - Số lượng cơ sở SXKD cá thể ngành thuế không quản lý sổ bộ
(Rà soát sơ bộ theo kết quả TĐT cơ sở KTHCSN năm 2012 của TCTK)
Chỉ tiêu Số lượng cơ sở SXKD cá thể không nằm trong chỉ tiêu quản lý của cơ quan thuế (cơ sở)
1. Cơ sở xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, quán cóc vỉa hè...(số liệu bảng kê 02a) 532.000
2. Cơ sở hoạt động tại nhiều địa điểm kinh doanh trong cùng 1 xã phường (cùng tên chủ cơ sở) 60.000
3. Cơ sở có địa điểm tại  (chợ tạm, chợ cóc, xóm, làng, thôn, bản...), không nằm trong QL thuế (mã địa điểm KD trong phiếu cá thể là 5 và 6 ; 310.000
4. Cơ sở có mã địa điểm kinh doanh trong phiếu ĐT từ 1 – 4, doanh thu theo điều tra viên tính từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc diện chịu thuế 1.500.000
Tổng số 2.402.000

Nhân đây Tổng cục Thống kê xin nhấn mạnh: số liệu từ điều tra TK chỉ nhằm phục vụ cho mục đích thống kê, không phục vụ cho mục đích rà soát tính thuế hộ KD như lâu nay nhiều cơ sở SXKD vẫn nghi ngờ và thắc mắc. Điều này được ghi rõ trên các phiếu thu thập thông tin của ngành thống kê nói chung trong đó có Phiếu điều tra cơ sở SXKD cá thể. Chúng tôi khẳng định cơ quan thống kê luôn tuân thủ quy định của Luật thống kê nhằm giữ bí mật thông tin mà từng cơ sở SXKD đã cung cấp cho điều tra viên thống kê. Vì vậy chúng tôi mong rằng các cơ sở SXKD cá thể hãy yên tâm, hợp tác tích cực cung cấp số liệu chính xác cho điều tra viên thống kê, từ đó nâng cao chất lượng số liệu thống kê.
  
Như vậy cần lưu ý rằng số liệu của ngành Thuế và thống kê có sự khác biệt, 2 ngành đều xác định rõ từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Về phía người sử dụng số liệu và cơ quan truyền thông cũng cần hiểu rõ nội dung của các số liệu này, tránh những hiểu lầm làm ảnh hưởng đến công tác thống kê vốn rất khó khăn phức tạp.

(Trích nội dung trả lời tại Họp báo tình hình  KTXH 6 tháng của Tổng cục Thống kê ngày 26/6/2015)

Nguồn tin: TCTK

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây